CTCK SME mất thanh khoản?

CTCK SME mất thanh khoản?

Mới đây, một số NĐT VIP đã tiết lộ về tình trạng mất thanh khoản tại chi nhánh TP. HCM của CTCK SME (SME).

Cuối năm 2009, hàng loạt CTCK đã vi phạm quy định về thanh toán bù trừ. Xu hướng này đang có dấu hiệu lặp lại và trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian gần đây.

Hồi tháng 5/2011, TTCK đã một phen rúng động khi cựu Chủ tịch HĐQT CTCK Hà Thành (HASC) bỏ trốn và để lại khoản thâm hụt gần 100 tỷ đồng cho công ty.

 

Mới đây, một số NĐT VIP đã tiết lộ cho ĐTTC về tình trạng mất thanh khoản tại chi nhánh TP. HCM của CTCK SME (SME). Cách đây 2 tuần, 2 tài khoản số 109xx9 và 109xx0 có tổng số dư tiền mặt 1,3 tỷ đồng và giá trị CP vào khoảng 3,7 tỷ đồng. Khi chủ của 2 tài khoản yêu cầu SME cho rút 300 triệu đồng nhưng không được CTCK đáp ứng vì… không có tiền.

 

Còn vì sao không có tiền thì lại có rất nhiều lý do khác nhau. CTCK hẹn hôm sau lại rút tiền, nhưng khi các NĐT quay trở lại thì tình hình cũng không có gì cải thiện: nhân viên môi giới không có mặt, liên lạc với các cấp cao hơn như kế toán trưởng, giám đốc chi nhánh cũng không được.

 

Cuối cùng, các NĐT VIP này phải sử dụng phương án mua vào CP cho hết 1,3 tỷ đồng và chờ đến ngày T+3 khi CP về tài khoản để chuyển sang CTCK khác. Các NĐT này cho biết, một số CP sau khi mua vào đã thiệt hại đáng kể do giảm giá, nhưng dù sao vẫn còn may vì còn rút được tiền về.

 

Đến đây, nhiều người sẽ thắc mắc, nếu CTCK không có tiền để NĐT rút thì tại sao CTCK lại có tiền để thanh toán khi NĐT mua CP? Có rất nhiều lý do: Thứ nhất, CTCK có tiền xoay vòng, có NĐT mua, cũng sẽ có NĐT bán khi thanh toán bù trừ, lấy tổng bán trừ đi tổng mua, nếu thiếu mới bù thêm tiền.

 

Bên cạnh đó, khi NĐT mua CP sau 2 ngày CTCK mới phải thanh toán nên trong thời gian này CTCK có thể chạy vạy khắp nơi để vay mượn, thậm chí vay nóng bên ngoài. Đó cũng chính là nguyên nhân NĐT chỉ rút có vài trăm triệu vào buổi sáng, nhưng CTCK phải hẹn đến buổi chiều đến lấy để tìm ngân hàng cho vay.

 

Việc khách hàng không thể rút tiền đặt ra giả thiết về việc CTCK đã lạm dụng tiền của NĐT. Cụ thể là tự doanh thua lỗ, thậm chí lãnh đạo CTCK cũng có thể trục lợi bằng cách rút tiền ra bên ngoài. Một trong những cách “kinh điển” nhất là sử dụng một tài khoản nào đó, sau đó làm hợp đồng ghi khống tài khoản này bán ra một lượng CP nhất định, rồi đề nghị ngân hàng cho vay để ứng trước tiền bán.

 

Vì NĐT khi không giao dịch thường xuyên tại CTCK, cũng không đóng tài khoản, nên những tài khoản này có nguy cơ trở thành mục tiêu để CTCK thực hiện việc bán ảo, vay tiền ứng trước.

 

Trở lại câu chuyện SME, đến cuối năm 2010, các khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn khác của công ty có giá trị hơn 310 tỷ đồng, nhưng trong thuyết minh lại không ghi cụ thể. Sang cuối quý II/2011, khoản mục này lại tăng thêm 300 tỷ đồng thành 610 tỷ đồng và cũng không thấy nói rõ.

 

Điều đáng nói là khoản phải trả, phải nộp khác của SME đều lớn hơn đáng kể so với vốn điều lệ của SME là 225 tỷ đồng. Cũng trong BCTC quý II/2011 của SME, khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền đạt hơn 100 tỷ đồng.

 

Khó khăn nhưng từ cuối tháng 8 đến nay giá CP của SME lại liên tục tăng mạnh, từ khoảng 3.300 đồng/CP đã tăng lên 4.700 đồng/CP, đồng thời KLGD cũng tăng lên. Liệu những NĐT giao dịch CP này có biết mình đang phải ôm “bom nổ chậm”, hay SME đã tìm ra những giải pháp cho riêng mình?

 

SME hụt vốn tạm thời!

 

Trao đổi với ĐTTC xung quanh việc SME có mất thanh khoản hay không, bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, , Phó giám đốc Chi nhánh SME tại TPHCM, cho biết:

 

Đúng là trong thời gian 1-2 tháng vừa qua SME có gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến việc không có ngay tiền mặt để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng. Nhưng chúng tôi đã thỏa thuận với khách hàng và mọi người đã rút được tiền.

 

Không chỉ riêng SME, thời gian qua cũng có những CTCK rơi vào tình trạng giống chúng tôi. Nguyên nhân là trước tháng 6/2011, để cạnh tranh với các CTCK khác, SME có huy động vốn từ các ngân hàng để cấp margin cho khách hàng nhưng hơi quá đà. Nhiều lúc SME cho khách hàng vay với tỷ lệ nhiều hơn 50:50, tức có khi 3:7 hoặc 2:8, do cảm thấy độ tin cậy của khách nên cho vay nhiều.

 

Khi ngân hàng đồng loạt thu tiền cộng với việc thanh khoản của TTCK tiếp tục giảm vào các tháng 7, 8 nên NĐT không thể bán ra được, SME không thu hồi được tiền cho vay. Trong khi đó ngân hàng tài trợ vốn phải thu về lập tức, dẫn đến sự mất cân đối. Chính vì vậy, có một thời gian SME hụt vốn tạm thời.

 

Cũng xin nói rõ khoản tiền chậm trả cho khách hàng, chúng tôi có thỏa thuận trả lãi suất từ 14-17%/năm bằng các hợp đồng vay cá nhân. Một số khách hàng không muốn vậy đã gửi đơn khiếu nại.

 

Một ngân hàng thương mại cỡ lớn mà tất cả khách hàng rút tiền cùng một lúc còn chịu không nổi, huống chi một CTCK có vốn điều lệ dưới 300 tỷ đồng như SME lại không có ngân hàng mẹ đứng sau. Hơn nữa, sự việc vỡ lở, nhưng chúng tôi dự đoán không chuẩn, số lượng rút nhiều hơn dự kiến.

 

Vậy tại sao có NĐT nói rằng họ rút không được tiền nhưng mua chứng khoán sau đó chuyển sang CTCK khác để bán lại được?

 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng: Đó là sự lựa chọn của NĐT. Thực ra chúng tôi đã nói sẽ không để mất tiền của ai, cho dù khó khăn đến mấy.

 

Họ mua chứng khoán, chúng tôi vẫn có tiền trả trên trung tâm thanh toán bù trừ. Khách hàng của SME mua rồi chuyển chứng khoán sang CTCK khác thì chúng tôi mất khách hàng, có ai muốn mất khách hàng đâu.

 

Bà giải thích thế nào khi trên BCTC của SME khoản phải trả rất lớn, đến hơn 600 tỷ đồng?

 

Nói phải trả thì phải xem đến khoản phải thu nữa, thực ra đây là cách hạch toán thôi. Thời gian qua không riêng SME mà có rất nhiều CTCK thực hiện việc ký quỹ không hợp pháp, vì vậy phương pháp hạch toán cũng không thể đúng quy định.

 

Thực sự BCTC vẫn chưa kiểm toán, đến một lúc nào đó, các cơ quan chức năng sẽ phải yêu cầu chúng tôi thuyết minh chi tiết.

 

Hiện nay bà là người chịu trách nhiệm tại SME?

 

Không phải. Hiện SME đang bổ nhiệm mới, một người khác sẽ làm giám đốc chi nhánh. Do một số công việc không được trôi chảy, Công ty có đề nghị tôi giúp thêm một thời gian cho ổn định. Hiện nay, tôi được ủy quyền để ký một số giấy tờ.

 

Chúng tôi đã gửi lên các cơ quan quản lý những thông báo về giám đốc chi nhánh nhưng chưa thực hiện bàn giao.

 

Vậy còn ông Nguyễn Thanh Nam, Giám đốc Chi nhánh SME tại TP. HCM?

 

Anh Nam có thông báo cho tôi biết từ ngày 31/8 sẽ không đến Công ty, nhưng tôi chưa nhận được quyết định nên cũng không trả lời được.

 

Nghe nói một số cá nhân trong SME đã có những hành động trục lợi bất chính và các cơ quan đã vào cuộc?

 

Đúng là cơ quan điều tra đã vào cuộc, nhưng là xác minh từ một vụ kiện khác. Trong kinh doanh, bất cứ ai cũng gặp rủi ro về pháp lý.