CTCK nhận định thị trường phiên 1/11

CTCK nhận định thị trường phiên 1/11

(ĐTCK) Theo gợi ý của các CTCK, nhà đầu tư nên tiếp tục duy trì cổ phiếu trong danh mục, nhưng nên hạn chế mua mới.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 1/11.

 CTCK nhận định thị trường phiên 1/11 ảnh 1

Hạn chế tham gia thị trường ở thời điểm hiện tại

(CTCK ACB - ACBS)

Ngày 31/10, các chỉ số chứng khoán Việt Nam “lình xình” trong suốt phiên giao dịch, đánh mất đà tăng điểm của 2 phiên giao dịch trước đó. Đóng cửa cuối phiên, các chỉ số diễn biến trái chiều nhau: VN-Index giảm nhẹ 0,33% xuống còn 497,41 điểm, trong khi HNX-Index tăng nhẹ 0,09% lên 61,64 điểm.

Đáng chú ý, theo Vụ Tín dụng, NHNN đang xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép các tổ chức tín dụng được cho vay vượt giới hạn cho phép đối với khách hàng vượt 15% vốn tự có và nhóm khách hàng có liên quan (vượt 25% vốn tự có) đối với các dự án quan trọng cũng như những dự án được ưu tiên. Những giải pháp này để bảo đảm đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra, cũng như góp phần xử lý nợ xấu. Sau nhiều năm tăng trưởng ở mức cao trên 30%, tăng trưởng tín dụng năm 2013 dự kiến sẽ chỉ tăng ở mức thấp, thậm chí thấp hơn mục tiêu 12% đặt ra ban đầu.

Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế tham gia thị trường ở thời điểm hiện tại.

 

Nhiều khả năng xu thế giằng co sẽ còn kéo dài  

(CTCK FPT - FPTS)

Thị trường đi vào giai đoạn lình xình và không rõ xu hướng, kéo theo đó là thanh khoản sụt giảm khá nhanh, đã không còn động lực và sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu bluechips để giúp thị trường bứt phá qua thời điểm khó khăn này.

Thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang dần được công bố, tính bất ngờ cũng giảm đi nhiều, mức độ ảnh hưởng của thông tin đến giá cổ phiếu đã đến giai đoạn bão hòa và tác động đến tâm lý nhà đầu tư cũng yếu hơn.

Theo đó, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm duy trì sự thận trọng nhất định, nhà đầu tư nên duy trì tỷ lệ tiền mặt/cổ phiếu hợp lý, tránh mua đuổi giá và việc tìm kiếm cơ hội đầu tư nên hướng đến những cổ phiếu cơ bản tốt, có giá đã điều chỉnh hoặc chưa tăng nhiều trong giai đọan vừa qua.

Nhiều khả năng xu thế giằng co sẽ còn kéo dài trong những phiên giao dịch tới, dòng tiền đang cho thấy sự thận trọng nhất định, vì vậy mà sự phân hóa giữa các cổ phiếu có thể sẽ mạnh hơn. Sự điều chỉnh và tích lũy hiện tại cũng là điều cần thiết để thị trường củng cố mặt bằng giá mới trước khi tiếp tục kỳ vọng đi lên mốc điểm cao hơn ở những tháng cuối năm.

 

Tiếp tục duy trì trạng thái danh mục

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Chỉ số VN-Index quay trở lại xu hướng giảm sau 2 phiên tăng điểm kỹ thuật. Mức độ dao động giá toàn thị trường không nhiều, phần lớn thời gian dao động quanh mức 498-499 điểm với thanh khoản thấp. Ngoài cổ phiếu PVD chịu áp lực bán khá mạnh, đa số cổ phiếu biến động giá không đáng kể, tốc độ khớp lệnh chậm.

Chỉ số HNX-Index tiếp phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp từ mốc hỗ trợ kỹ thuật 61 điểm. Phiên tăng điểm nhẹ với thanh khoản giảm mạnh, lực cầu được hỗ trợ từ khối NĐTNN chưa cho tín hiệu tích cực về lực cầu bắt đáy.

Nhà đầu tư nên duy trì trạng thái danh mục, việc lựa chọn cổ phiếu nên quan tâm yếu tố cơ bản, được dòng tiền quan tâm.

 

Kiên nhẫn với chiến lược tích lũy từng phần tại các vùng hỗ trợ

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Trong ngắn hạn, các thông tin kinh tế trong và ngoài nước không có nhiều tác động đối với diễn biến thị trường. Chỉ số VnIndex vận động chủ yếu theo cung- cầu tại từng thời điểm.

Tâm lý người mua và người bán đều khá thận trọng, dẫn đến giao dịch cầm chừng, khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, việc tiếp cận tại vùng đỉnh gần nhất tại 503-505 điểm của chỉ số VN-Index là một thử thách không dễ dàng vượt qua.

Nếu dòng tiền vào thị trường không sớm có sự khởi sắc trong các phiên sắp tới, tâm lý mất kiên nhẫn có thể khiến nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra, đẩy VN-Index sụt giảm về các ngưỡng điểm sâu hơn.

Trên cơ sở đó, trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên tiếp tục kiên nhẫn với chiến lược tích lũy cổ phiếu từng phần tại các vùng hỗ trợ 490-492 hoặc 485-486 điểm của chỉ số VN-Index. Việc mua vào cho các giao dịch T+3 tại vùng điểm hiện tại không được chúng tôi khuyến nghị do rủi ro điều chỉnh của thị trường vẫn hiện hữu

 

HNX sẽ giảm điểm trở lại

(CTCK Đầu tư Việt Nam - IVS)

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10, hai sàn đã có những diễn biến trái chiều khi VN-Index quay đầu giảm 1,66 điểm thì HNX-Index tăng nhẹ 0,05 điểm.

Có thể thấy rõ đà giảm này của VN-Index xuất phát từ việc các mã bluechips trên sàn HOSE, đặc biệt là 2 trụ đỡ chính VNM, GAS đã quay đầu giảm trong ngày 31/10.

Ngoài ra, việc khối ngoại bán ròng trở lại cũng đã ảnh hưởng đến chỉ số này.

Ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng trên sàn HNX, cùng với sự đóng góp của các cổ phiếu mid cap mà tiêu biểu là nhóm ngành dầu khí đã giúp cho HNX-Index giữ được đà tăng.

Nhiều khả năng HNX-Index sẽ bị ảnh hưởng và có thể trong phiên 1/11, chỉ số này sẽ giảm điểm trở lại.

 

Nên hạn chế mua mới

(CTCK Mayban KimEng - MBKE)

VN-Index bị chặn lại ở khu vực 500 điểm và đóng cửa mất nhẹ 0,3%, xuống 497. Đánh giá chung của chúng tôi là động lực của thị trường đã giảm sút đi rõ rệt trong vòng hơn một tuần trở lại đây, sau khi lực chốt lời diễn ra rất mạnh trong vài ngày 21-22/10.

Sau các phiên chốt lời mạnh này, giao dịch trên thị trường đã giảm sút rõ rệt. Thanh khoản trong phiên 31/10 chỉ còn 39 triệu, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 50 ngày gần nhất tại 53 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại bán ròng khoảng 1,8 triệu cổ phiếu, vẫn chủ yếu bán ròng tại ITA (1,1 triệu). Tính chung từ đầu tuần, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 5,8 triệu cổ phiếu, chủ yếu tại các mã ITA và NHW.

Trên bình diện thị trường chung, VN-Index tạm thời vẫn ổn định trên mức 492, do đó chưa có cơ sở để nhận định rằng xu hướng tăng đã chấm dứt.

Tuy nhiên, chốt lời mạnh tại các phiên trước và tiếp nối là mô hình giá xấu đi tại nhiều mã cổ phiếu lẻ dẫn chúng tôi tới đánh giá rằng dòng tiền đang rút ra tại một số cổ phiếu.

Nếu giá có chuyển biến kém tích cực hơn trong những phiên tới và phá vỡ 492, có thể thị trường tạm dừng chiều hướng tăng và trở lại một giai đoạn tích lũy chưa xác định được.

Nhìn chung, chiến lược gợi ý của chúng tôi là tiếp tục duy trì cổ phiếu nhưng nên hạn chế mua mới, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản giảm sút.

 

Tiếp tục quan sát cho đến khi có lực đẩy mới

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Thị trường đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10 với thanh khoản yếu.

Hoạt động mua-bán của NĐT thu hẹp không do một nguyên nhân tiêu cực nào cụ thể mà là do thiếu thông tin hỗ trợ cũng như điểm tựa để đẩy các chỉ số đi tiếp.

Tổng kết tháng 10, các chỉ số biến động tăng nhẹ thêm 1% so với mức đóng cửa vào cuối tháng 9, đồng thời ngưỡng 500 điểm vẫn là một mốc kháng cự quan trọng mà VN-Index chưa thể vượt qua.

Điểm tích cực của tháng qua là hoạt động xoay vòng vốn tại các mã đầu cơ và giao dịch mua ròng liên tục của nhà đầu tư nước ngoài.

Trong phiên giao dịch ngày 1/11, thông tin về chỉ số quản lý thu mua (PMI) tháng 11 được HSBC công bố có thể là điểm tựa giúp các chỉ số phục hồi. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây vẫn chưa phải thông tin quan trọng khiến NĐT tham gia tích cực hơn.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục quan sát cho đến khi có lực đẩy mới (có thể là quyết định nới room hoặc sự phục hồi nhanh hơn của tín dụng hoặc TPP) nhằm giúp các chỉ số thoát khỏi tình trạng lình xình như hiện nay.

>> Tháng 10, khối ngoại rót gần 1.200 tỷ đồng vào chứng khoán Việt

>> Phiên cuối tháng 10: Đứng ngoài nhìn nhau

>> Trong 2 ngày, tự doanh CTCK bán ròng hơn 370 tỷ đồng

>> Tin tài chính nổi bật ngày 31/10

>> Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 1/11

>> Góc nhìn kỹ thuật cho phiên 1/11