CTCK nhận định thị trường ngày 7/2: Vẫn có thể điều chỉnh

(ĐTCK) Trong ngắn hạn, sự xuất hiện của phiên điều chỉnh vẫn có thể tiếp diễn do các chỉ số vẫn đang phải đối mặt với các mốc tâm lý quan trọng.
CTCK nhận định thị trường ngày 7/2: Vẫn có thể điều chỉnh

Thị trường vẫn có thể điều chỉnh

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS)

Phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã khép lại với diễn biến đóng cửa trái chiều của các chỉ số trên hai sàn HOSE và HNX.

Trên sàn HOSE, sự phân hóa của nhóm cổ phiếu Bluechips đã ảnh hưởng mạnh đến chỉ số VN-Index, sắc đỏ chiếm vị trí chủ đạo trong phần lớn thời gian giao dịch bất chấp đà tăng xuất hiện ở nhiều mã penny và midcaps.

Trong khi đó, sự tập trung của dòng tiền tại nhóm cổ phiếu đầu cơ trên HNX như DCS, PVX, SHN…cũng giúp cho chỉ số HNX-Index tiếp tục có phiên tăng điểm.

Quan sát diễn biến giao dịch có thể thấy hoạt động mua bán diễn ra chậm rãi và thận trọng tuy nhiên tâm lý chung của thị trường vẫn tích cực thể hiện qua thanh khoản được cải thiện.

Về yếu tố hỗ trợ, thị trường phiên 6/2 cũng đón nhận thêm thông tin tốt về việc chỉ số PMI của Việt Nam tăng mạnh trong tháng 1 lên mức 52,1 điểm, ngoài ra phải kể đến những công bố lạc quan về lợi nhuận 2013 của một số doanh nghiệp đầu ngành, những thông tin mang tính hỗ trợ này sẽ góp phần củng cố thêm kỳ vọng của nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường đang bước vào giai đoạn nhạy cảm sau nhịp tăng mạnh.

Theo đó, chúng tôi vẫn đánh giá tích cực về xu thế của thị trường trong trung hạn.

Trong ngắn hạn, sự xuất hiện của phiên điều chỉnh vẫn có thể tiếp diễn do các chỉ số vẫn đang phải đối mặt với các mốc tâm lý quan trọng và nhà đầu tư vẫn cần bảo lưu sự thận trọng và bám sát diễn biến của khối ngoại; những cổ phiếu được hỗ trợ bởi thông tin tốt về kết quả kinh doanh, chưa tăng nhiều sẽ được khuyến nghị mua dần vào tại những thời điểm xuất hiện điều chỉnh.

Có thể tiếp tục quay vòng một phần tỷ trọng ngắn hạn

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)

Thị trường mở đầu năm Giáp Ngọ với một phiên tăng giảm trái chiều trên hai sàn. Trái ngược với đà hồi phục tích cực của HNX-Index và bất chấp tín hiệu tăng điểm của số đông các mã, VN-Index lại có một phiên “đỏ vỏ xanh  lòng” do sự suy yếu của một  số cổ phiếu vốn hóa lớn như MSN, DPM, PVD, VIC...

Áp lực bán của khối ngoại với giá trị bán ròng hơn 90 tỷ đồng trên HOSE chính là nguyên nhân đằng sau khiến các mã bluechips sụt giảm.

Diễn biến tiêu cực của các thị trường phát triển trong khoảng thời gian TTCK Việt Nam nghỉ Tết Nguyên đán có thể đã tác động đến chiến lược phân bổ vốn chung của các nhà đầu tư nước ngoài.

Điểm nhấn trong phiên hôm nay phải kể đến vai trò dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bất động sản và vật liệu xây dựng. Tín hiệu ấm lên tại một số phân khúc căn hộ trên thị trường đã hỗ trợ cho diễn biến của nhóm này với kỳ vọng về khả năng vượt qua giai đoạn khó khăn trong những năm trước.

Đây cũng là nhóm vừa trải qua diễn biến lình xình điều chỉnh trong khoảng thời gian 2 tháng trước Tết.

Bên cạnh đó, triển vọng hồi phục của nền kinh tế trong năm 2014 tiếp tục hỗ trợ cho diễn biến của một số nhóm ngành như cao su chế biến, dầu khí và các doanh nghiệp xuất khẩu.

Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì vị thế trung hạn ở mức trung bình đối với nhóm cổ phiếu cơ bản và có thể tiếp tục quay vòng một phần tỷ trọng ngắn hạn theo tín hiệu kỹ thuật tại các mã mang tính thị trường cao nhằm tăng hiệu quả danh mục.

Việc cân đối trong chiến lược đầu tư giữa ngắn và trung hạn nên được linh hoạt để cân bằng rủi ro cho danh mục tổng thể.

Nhóm Midcap sẽ tạo đà cho thi trường

CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam  (IVS)

Có lẽ nhiều nhà đầu tư nghỉ lễ nhưng chứng kiến việc thị trường chững khoán thế giới giảm mạnh cũng không khỏi lo lắng. Chưa khi nào mà TTCK thế giới như Mỹ, Nhật, Châu Âu lại bị bán mạnh như vậy và điều này rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới dòng vốn của khối ngoại.

Đây là một điểm khiến nhà đầu tư bước vào phiên đầu năm có những lo lắng nhất định. Nhiều nhà đầu tư có xu hướng mua bán lấy may mắn ở phiên mở cửa đầu năm mới này, nên dự báo mức độ giao dịch sẽ không quá lớn.

Nhưng thực tế điều này chỉ đúng với sàn HNX, còn ở sàn HOSE thì dường như không hẳn.

Trong một vài phiên tới, thị trường sẽ thiếu vắng nhiều thông tin hỗ trợ. Vì thế những thông tin từ TTCK thế giới có thể sẽ có những ảnh hưởng nhất định lên tâm lý của nhà đầu tư.

Chúng ta chưa biết liệu đà bán tháo đã dừng hay chưa, nhưng nếu như nó vẫn xảy ra thì chắc chắn sự ảnh hưởng đó lên TTCK Việt Nam là rõ ràng cho dù chúng ta chưa phải là thị trường chịu sự tác động quá mạnh.

Còn ở phiên 6/2 thì điều này chưa xảy ra, nhiều mã vẫn tạo ra đà tăng tốt, thu hút dòng tiền. Chúng tôi vẫn tin tưởng vào nhóm cổ phiếu Midcap sẽ tạo đà cho thi trường thời gian tới đây.

Khối ngoại chưa bán tháo

CTCP Chứng khoán MB (MBS)

Thị trường hôm nay diễn biến trái chiều khi VN-Index giảm điểm còn HN-Index tăng điểm; thanh khoản ở mức trung bình khá.

Phiên giao dịch đầu tiên sau nghỉ lễ, các nhà đầu tư nước ngoài lần đầu bán ròng với giá trí khá lớn sau một thời gian dài mua ròng liên tục.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây chỉ là các giao dịch chốt lời của họ ở các cổ phiểu đã tăng khá mạnh, cần quan sát thêm mới có thể xác định nếu có thay đổi trong xu hướng giao dịch của họ.

Nắm giữ cổ phiếu, nhưng nên đặt mức dừng lỗ trượt

CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE)

Điều làm chúng tôi quan tâm nhất trong phiên giao dịch 6/2 sau kỳ nghỉ lễ kéo dài là phản ứng của thị trường với những diễn biến từ thị trường bên ngoài.

Trong đợt tăng giá 13 phiên liên tục từ 3/1 tới 21/1, chỉ số VN-Index đã hầu như tách rời với chiều hướng đi xuống của thị trường thế giới, đặc biệt là của thị trường các nước mới nổi.

Kể từ mức đỉnh đạt được đầu tháng 1/2014, chỉ số chính của thị trường cổ phiếu Mỹ giảm 7%, Nhật xuống 14%, đặt biệt là các thị trường Nga (-15%), Brazil (-18%), và Thổ Nhĩ Kỳ (-22%). Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ngân hàng trung ương nước này đã tăng lãi suất qua đêm lên 8,25% để bảo vệ đồng nội tệ khỏi bán tháo của cơn lũ rút vốn đầu tư nước ngoài.

Chúng tôi cho rằng việc thị trường trong nước tách rời khỏi thị trường thế giới trong khoảng một tháng trở lại đây là nhờ hiệu ứng tăng trước Tết Nguyên đán, và một phần nào do bức tranh vĩ mô cải thiện. Tuy nhiên, việc tăng quá nhanh trong thời gian quá ngắn có thể làm trong giai đoạn tới các nhà đầu tư trong nước phải cẩn trọng hơn – có thể sự tách rời sẽ chấm dứt

Thị trường khởi động phiên đầu tiên của năm mới Giáp Ngọ 2014 với dữ liệu HBSC PMI ở mức 52,1 điểm, và đang có chiều hướng tăng cho thấy sản xuất đang lấy lại động lực.

Về diễn biến thị trường, nhiều cổ phiếu vốn hóa cao yếu, như FPT (-1,8%), VCB (-2,1%), MSN (-3,2%), PVD (-4,2%). Nhiều mã thuộc nhóm bluechips bị khối ngoại bán ròng đáng kể, trong đó bán nặng nề nhất ở HAG (1,2 triệu). Các mã khác như DPM, HPG, MSN, PVD, VCB, VSH cũng bị các nhà đầu tư nước ngoài bán ở mức độ nhất định. 

Tổng cộng, khối ngoại thoái ròng 2,5 triệu cổ phiếu. Nếu như sự tương quan của giao dịch của khối ngoại tại thị trường Việt Nam và biến động của thị trường chứng khoán các nước mới nổi tiếp tục được duy trì thì chúng tôi cho rằng cần theo dõi sát sao động thái của họ trong các phiên tới. Chúng tôi cho rằng có thể họ sẽ thiên về bán ròng hơn là mua ròng mạnh như trước.

Đợt tăng giá quá nhanh và mạnh trước tết dẫn tới ở giai đoạn hiện tại, biến động của thị trường có thể sẽ gia tăng cao – một đợt điều chỉnh dù mạnh vẫn chưa phá vỡ được xu hướng tăng của VN-Index. Do đó, việc gắn xu hướng của giá vào giao dịch không quan trọng bằng việc quản lý rủi ro trong bối cảnh hiện tại. Chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư nên nắm giữ cổ phiếu, nhưng nên đặt mức dừng lỗ trượt để đóng vị thế khi cần thiết.

Tổng quan nền kinh tế đang có nhiều chuyển biến tích cực

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Trong phiên giao dịch 6/2, VN-Index gia tăng điểm số theo thời gian và kết thúc ở mức cao nhất trong khi HNX-Index tuy vẫn giữ giá xanh nhưng giảm khá nhiều so với thời điểm cao nhất trong phiên.

Các mã bluechip trên sàn HOSE quay trở lại vai trò trụ cột khi hàng loạt mã tăng giá khá mạnh như GAS, MSN, VIC, VNM… Dù BID tăng nhẹ so với giá chào sàn nhưng các mã khác trong ngành ngân hàng lại giảm điểm ngoại trừ MBB giữ được giá tham chiếu.

Lực mua của khối ngoại tăng nhẹ so với phiên hôm qua và tiếp tục lựa chọn các mã trong ngành Tài chính để giải ngân như BMI, VCB, STB…

Ngày 6/2, Tổng cục Thống kê chính thức công bố chỉ số CPI tháng 1/2014 của cả nước ở mức tăng nhẹ 0,69% so với tháng 12/2013 và tăng 5,45% so với tháng 1/2013. Như vậy đợt tăng giá xăng vào ngày 18/12/2013 và áp lực giá tăng trước Tết Nguyên đán đã không gây ra lạm phát ở mức cao như các năm trước, nguyên nhân có thể là do sức mua hiện đang rất yếu, tình hình kinh tế chưa khả quan nên tâm lý thắt lưng buộc bụng hiện vẫn đang phổ biến trong người dân. 

Một con số khác đáng chú ý là chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 chỉ tăng 3% so với cùng kỳ 2013 và giảm khoảng 6,2% so với tháng 12/2013, như vậy lĩnh vực sản xuất trong tháng đầu năm chưa có sự cải thiện.

Những thông tin này cùng với tâm lý chốt lời của nhà đầu tư có thể khiến cho thị trường trong phiên giao dịch cuối cùng của năm Quý Tỵ không tăng điểm mạnh. Tuy vậy, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm lạc quan đối với kênh đầu tư chứng khoán trong năm 2014 do xét tổng quan nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực, nhà đầu tư trung và dài hạn vẫn có thể yên tâm nắm giữ cổ phiếu trong thời điểm này.

Tin bài liên quan