CTCK: “Mắc cạn” với tín dụng chứng khoán

CTCK: “Mắc cạn” với tín dụng chứng khoán

(ĐTCK-online) Đến thời điểm này, nếu căn cứ vào con số báo cáo thì có vẻ CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) và CTCK Hà Thành (HASC) là hai đơn vị đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ việc cho khách hàng dùng đòn bẩy. Nhưng đó không phải là những trường hợp hiếm hoi…

Thực trạng bê bết

Báo cáo kiểm toán độc lập năm 2010 của HASC do Ernst&Young thực hiện nhấn mạnh, đến cuối năm 2010, dư nợ gốc và lãi mà một công ty tài chính cho NĐT vay trong phạm vi hợp đồng, hợp tác với Hà Thành là 52,82 tỷ đồng. Tại thời điểm kết thúc năm thì chưa có nợ quá hạn, nhưng tại ngày phát hành BCTC năm, số dư nợ tại công ty tài chính trên giảm về 30,9 tỷ đồng nợ gốc và gần 932 triệu đồng nợ lãi, trong đó 25 tỷ đồng là nợ gốc quá hạn và gần 823 triệu đồng là nợ lãi quá hạn. Cũng trong năm 2010, HASC đã ký hợp đồng, hợp tác với một ngân hàng với dư nợ cuối năm 2010 cho khoản tiền ứng trước tiền bán chứng khoán cho NĐT là 111,497 tỷ đồng. Đến ngày phát hành báo cáo, số nợ này đã lên đến gần 121,267 tỷ đồng và hơn 1 tỷ đồng lãi. Trong cả 2 hợp đồng trên, Hà Thành đều cam kết nhận toàn bộ nghĩa vụ nợ trong trường hợp NĐT không thực hiện nghĩa vụ nợ khi đến hạn.

Trong khi đó, biên bản họp ĐHCĐ của HASC lại cho thấy một bức tranh thậm chí còn… u ám hơn. Công ty đang phải theo đuổi vụ kiện của 2 cổ đông liên quan đến việc không công nhận Nghị quyết ĐHCĐ năm 2009. Ngoài ra, theo ý kiến của Kế toán trưởng hiện tại của Công ty, HASC đang phải thực hiện nghĩa vụ thu nợ khoảng 30 tỷ đồng cho Công ty Tài chính điện lực (EVNFC); Seabank đang treo dư nợ khách hàng của HASC là 121 tỷ đồng; nợ repo 13 tỷ đồng và nợ khác hơn 31 tỷ đồng. Cũng theo vị này, HASC đang cho CBCNV, khách hàng vay 31 tỷ đồng, nhưng khả năng thu hồi nợ rất khó. Hiện tại, cơ quan chức năng đang điều tra vụ làm giá cổ phiếu PSC của HASC; vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến nhóm khách hàng VIP 1 của HASC và người có liên quan... Với cơ cấu vốn chủ sở hữu cuối năm 2010 còn 99,1 tỷ đồng và một loạt khoản nợ phải xử lý, tình hình tài chính của HASC đang khá bức bách.

Cũng trong tình trạng "sa lầy" đối với các khoản tiền cấp cho khách hàng, SHS đang phải chịu hậu quả tài chính trực tiếp. Trong BCTC quý II vừa được công bố, Công ty đã để mức trích lập 124,71 tỷ đồng cho khoản phải thu khó đòi, con số này chủ yếu đến từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh, mua bán chứng khoán (đến cuối tháng 6/2011 là gần 385,7 tỷ đồng).

Trên thực tế, bản chất của hầu hết hợp đồng hợp tác kinh doanh, mua bán chứng khoán chính là hợp đồng cung cấp vốn cho khách hàng. Xét con số thực tế, SHS không phải là đơn vị nếm "trái đắng" nhất, nhưng đến thời điểm này, đây có lẽ là CTCK đầu tiên công bố chấp nhận trích lập dự phòng nợ khó đòi với khoản lớn như trên.

Trên thực tế, nhiều CTCK có số dư cho vay chứng khoán lên đến vài nghìn tỷ đồng. Ngay trong BCTC quý II của CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS), do trình bày khá sơ sài với nhiều khoản mục được gói gọn trong từ  "khác", nên NĐT rất khó ước lượng mức độ chuẩn xác. Ví dụ như đầu tư tài chính khác lên tới 3.781 tỷ đồng trên tổng số gần 5.902 tỷ đồng tiền đầu tư tài chính. Khoản này được trích lập dự phòng giảm giá 126,016 tỷ đồng. Hiện tại, SBS đang vay ngắn hạn 1.550 tỷ đồng, vay nợ dài hạn 415,286 tỷ đồng, 3.545,58 tỷ đồng phải trả, phải nộp ngắn hạn khác trên cơ cấu vốn chủ chỉ có 1.382,529 tỷ đồng. So sánh thuyết minh BCTC hợp nhất năm 2010 và thuyết minh BCTC quý II/2011 của SBS, có thể dễ dàng nhận ra rằng, bản chất của các khoản đầu tư khác chính là các khoản đầu tư ủy thác với lợi nhuận cố định, đầu tư ủy thác danh mục đầu tư, hợp đồng hợp tác đầu tư với lợi nhuận cố định và hợp đồng mua bán lại chứng khoán. Các loại hợp đồng này có thể có hình thức, phương thức và cả cách thức thực hiện khác nhau, nhưng đều có một bản chất chung, tương tự việc CTCK cung cấp vốn cho khách hàng.

 

"Cuộc chiến" đùn đẩy trách nhiệm

Nếu trong bối cảnh TTCK thuận lợi, việc nghĩ ra các chiêu cung cấp đòn bẩy tài chính hay bất cứ một cách lách nào khác để mang lại hiệu quả cho công ty, được coi là năng động, sáng tạo, thì nay, việc mổ xẻ trách nhiệm lại được các cổ đông hết sức quan tâm.

Tại HASC, một cổ đông tên Thắng đã phát biểu: "Công ty không có chức năng bảo lãnh (bảo lãnh các khoản vay - PV) và chúng tôi không chịu trách nhiệm với các hợp đồng ký trái thẩm quyền. Đề nghị những người gây ra thiệt hại cho Công ty phải có phương án khắc phục". Luật sư Phạm Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự, đơn vị đang được HASC thuê tư vấn luật, cũng cho rằng, 2 hợp đồng với EVNFC và Seabank đang được xem xét lại, HASC không chịu trách nhiệm với sai phạm do các cá nhân gây nên trong hai hợp đồng này. Điều này có nghĩa là, nếu phía HASC và các luật sư của họ đủ khả năng chứng minh được việc làm trên là không đúng với phạm vi hoạt động của CTCK, thì nhiều khả năng, khoản nợ sẽ "đổ" lên đầu của những người ký. Một cổ đông của Hà Thành cũng cho rằng, Công ty chưa từng cho phép thực hiện cho khách hàng hay CBCNV vay tiền.

Điều này đã dẫn đến một nghi ngại chung cho những người trực tiếp điều hành các CTCK. Nếu việc ký các hợp đồng hợp tác đầu tư, tài trợ vốn cho NĐT kinh doanh chứng khoán hay bất kỳ hợp đồng nào khác dẫn tới việc xuất hiện những khoản nợ khó đòi, mà cổ đông chứng minh được đó là những hợp đồng ký không đúng pháp luật, thì e rằng, Ban điều hành và những người có liên quan khó tránh được trách nhiệm pháp lý.