CTCK lúng túng chặn lệnh đối ứng

CTCK lúng túng chặn lệnh đối ứng

(ĐTCK-online) Các CTCK đang "như gà mắc tóc" khi giám sát việc đặt lệnh mua bán cùng phiên của NĐT, để không dẫn đến các lệnh đối ứng của cùng một NĐT khớp với nhau trong cùng một phiên.

>> Tài khoản ủy quyền: “trả lại tên cho em”

>> Cởi trói giao dịch

Nhiệm vụ này được đề cập trong Công văn 2327/UBCK-PTTT của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ban hành ngày 29/7/2011 và các CTCK không có thời gian chuẩn bị cho triển khai nhiệm vụ này.

Lãnh đạo một CTCK tại Hà Nội không giấu được nỗi lo khi theo quy định mới, từ ngày 1/8, các CTCK có trách nhiệm giám sát các lệnh giao dịch đối ứng, trong khi với hệ thống công nghệ hiện tại, công ty không thể đảm đương được nhiệm vụ này. Thời gian triển khai chính sách mới quá gấp, nên không riêng gì công ty này, mà nhiều CTCK khác cũng không thể chuẩn bị kịp về mặt kỹ thuật.

Thực tế, Công văn 2327/UBCK-PTTT được ban hành chỉ trước một ngày Thông tư 74/2011/TT-BTC có hiệu lực. Cụ thể, Công văn được ban hành vào ngày thứ Sáu (29/7), thì đến thứ Hai (1/8) đã phải thực hiện ngay. Theo các CTCK, lẽ ra Công văn này phải được ban hành trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư 74/2011/TT-BTC ít nhất một tháng, để có thời gian cho các CTCK chuẩn bị hệ thống công nghệ giám sát các lệnh giao dịch đối ứng.

"Trong khi đó, NĐT không cần biết chuyện các CTCK chạy mướt mồ hôi lo đầu tư công nghệ, chỉnh sửa phần mềm giao dịch để có thể giám sát được lệnh đối ứng, mà họ chỉ quan tâm từ ngày 1/8 đương nhiên được giao dịch mua bán cùng phiên. Sức ép từ hai phía khiến CTCK rất khó ăn nói với cả cơ quan quản lý lẫn NĐT", vị lãnh đạo trên phân trần.

Dường như thời điểm thực thi Thông tư 74/2011/TT-BTC đã không được cơ quan quản lý chọn trúng, khi triển khai trong bối cảnh TTCK khốn khó như hiện nay. Thực tế, rất nhiều CTCK, trong đó có cả các "đại gia", suốt từ đầu năm 2011 đến nay chưa tháng nào kinh doanh có lãi, thì nay việc thực hiện Thông tư 74/2011/TT-BTC đang tăng thêm gánh nặng chi phí cho các CTCK. Hiện chỉ có những CTCK có nguồn lực khá tốt về tài chính, công nghệ thông tin, thì mới đủ sức đầu tư hoàn thiện sớm hệ thống giao dịch, để có thể giám sát được các lệnh đối ứng của NĐT. Ngay cả những trường hợp như vậy, các CTCK này cũng gặp không ít khó khăn.

Giám đốc môi giới một CTCK tại TP. HCM cho biết, 2 ngày qua, công ty phải chạy đôn chạy đáo tìm kiếm đối tác để triển khai giải pháp kỹ thuật nhằm giám sát được lệnh đối ứng của NĐT. Do ngay trong quá trình chạy thử nghiệm hệ thống đã phải giám sát lệnh giao dịch đối ứng, nên công ty đang triển khai theo kiểu "vừa làm vừa run", bởi hệ thống giao dịch chưa được kiểm tra kỹ lưỡng. Trong khi đó, hành vi giao dịch của NĐT rất tinh vi, nên các tình huống kiểm tra hệ thống giao dịch mà công ty đang triển khai không chắc là đã có thể chặn được tất cả các hình thái lệnh đối ứng của NĐT. Cũng may, TTCK đang giao dịch èo uột, nên số lượng các lệnh mua, bán cùng phiên chưa nhiều, chứ nếu vào thời điểm thị trường giao dịch sôi động, thì hệ thống giao dịch của công ty rất dễ bị sự cố, có thể ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Ít nhất phải mất một tháng nữa, hệ thống giao dịch của công ty mới có thể vận hành ổn định, khi đó mới đảm bảo giám sát tương đối triệt để các lệnh giao dịch đối ứng.

Một khó khăn khác cũng khiến các CTCK đang gặp rủi ro trong giám sát lệnh giao dịch đối ứng. Theo giám đốc dịch vụ một CTCK tại Hà Nội, trước khi Công văn 2327 được ban hành, hầu hết các CTCK đều kiến nghị UBCK không nên hồi tố các trường hợp uỷ quyền giao dịch trước ngày 1/8, để các CTCK có thời gian chuẩn hoá các uỷ quyền này. Thế nhưng, Công văn 2327 lại ghi rõ, các giấy uỷ quyền xác lập trước 1/8/2011 trái với Thông tư 74 sẽ không có hiệu lực. Với những CTCK có số lượng NĐT uỷ quyền giao dịch lớn, thì nhanh cũng phải mất hàng tháng mới có thể chuẩn hoá các uỷ quyền này theo quy định mới. Trong khi đó, với thực trạng uỷ quyền hiện tại là một NĐT đang nhận uỷ quyền giao dịch của khá nhiều tài khoản, khiến CTCK gặp không ít khó khăn khi giám sát các lệnh giao dịch đối ứng của NĐT.

Với quy định NĐT được mở nhiều tài khoản tại các CTCK khác nhau, theo các CTCK, họ không thể giám sát (vì không có thông tin liên thông giữa các CTCK) và cũng không có trách nhiệm phải giám sát các lệnh đối ứng trong trường hợp NĐT đặt lệnh bán 1.000 cổ phiếu tại CTCK A, sau đó chính NĐT đó lại đặt mua cũng với khối lượng đó tại CTCK B. Trong trường hợp này, hệ thống giám sát của các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký phải có khả năng tự động phát hiện và loại ra khỏi hệ thống các giao dịch không hợp lệ, thì mới đảm bảo giám sát triệt để các lệnh giao dịch đối ứng.