CTCK, còn nợ thì không thể “mất tên”

CTCK, còn nợ thì không thể “mất tên”

(ĐTCK) Đình chỉ hoạt động đối với các CTCK mất an toàn tài chính nhằm tránh rủi ro cho thị trường, NĐT. Tuy nhiên, việc xóa tên các CTCK thuộc diện này đang gặp bế tắc.

Đáng nói là không dễ khắc phục tình trạng này trong một sớm một chiều.

Phải “sống” để trả nợ

Với quy định pháp lý hiện hành, theo một lãnh đạo UBCK, nếu hết 6 tháng kiểm soát đặc biệt mà CTCK không khắc phục được tình trạng này, thì UBCK có thể xóa tên. Tuy nhiên, đó là xét đơn thuần ở góc độ quy định pháp lý, nhưng nếu nhìn ở khía cạnh hệ lụy của quyết định xóa tên CTCK thì rất khó khăn, phức tạp khi đưa ra quyết định. Điều này xuất phát từ quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NĐT, cũng như các bên liên quan, chứ không hề vì nguyên do nào khác.

CTCK, còn nợ thì không thể “mất tên” ảnh 1

Cái đích cuối cùng của việc xóa sổ các CTCK không đảm bảo an toàn tài chính, không tuân thủ các nguyên tắc quản trị rủi ro trong hoạt động, là nhằm giảm thiểu rủi ro cho thị trường, NĐT. Tuy nhiên, trên con đường đi đến cái đích này, cơ quan quản lý đang gặp một cản trở lớn xuất phát từ thực tế, đối với CTCK thì giấy phép kinh doanh và giấy phép đăng ký là một. Vì tình trạng “2 trong 1” này mà khi rút giấy phép kinh doanh nghĩa là xóa sổ CTCK. Điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt tư cách pháp nhân của CTCK.

Theo lãnh đạo UBCK, hệ lụy của việc chấm dứt sự tồn tại của CTCK rất phức tạp, nếu không muốn nói là rất dễ phát sinh khiếu kiện giữa các chủ nợ của CTCK bị xóa sổ với cơ quan quản lý TTCK. Điều này xuất phát từ thực tế, với những CTCK không đảm bảo an toàn tài chính, buông lỏng quản trị rủi ro dẫn đến bị đình chỉ hoạt động, thường có bức tranh nợ nần với các ngân hàng, đối tác, khách hàng… khá phức tạp. Nếu các khoản nợ này không được CTCK thanh toán đầy đủ cho các chủ nợ, cũng như không giải quyết dứt điểm các thỏa thuận khác giữa họ với khách hàng mở tài khoản…, thì việc cho phép CTCK chấm dứt hoạt động chẳng khác nào giải thoát nghĩa vụ trả nợ cho họ.

“Trong tình thế khó xử lý như vậy, UBCK đang nỗ lực thực hiện song song hai biện pháp cơ bản. Thứ nhất, rút nghiệp vụ môi giới, để giảm thiểu tối đa nguy cơ CTCK chiếm đoạt tiền, chứng khoán của khách hàng. Việc duy trì tư cách pháp nhân của CTCK, đồng nghĩa với việc buộc họ phải tiếp tục giải quyết các khoản nợ tồn đọng. Thứ hai, cơ quan quản lý và tổ chức thị trường thường xuyên phát đi các tín hiệu cảnh báo, để nâng cao cảnh giác cho các bên liên quan khi giao dịch với các CTCK thuộc diện tiềm ẩn nhiều rủi ro này…”, lãnh đạo UBCK cho biết.

 

Phải sửa luật?

Nhìn nhận như vậy để thấy rằng, với 7 CTCK trong diện kiểm soát đặc biệt hiện tại, nếu sau 6 tháng mà họ không khắc phục được tình trạng này, cũng như không thanh toán đầy đủ các khoản nợ cho đối tác, khách hàng, thì việc xóa sổ các CTCK này là điều rất khó xảy ra.

Từ bế tắc trên đặt ra câu hỏi, có gì bất ổn khi cơ quan quản lý thiết kế quy định, đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán, thì giấy phép kinh doanh và giấy phép đăng ký là một? Lãnh đạo UBCK cho hay, thực ra đây là biện pháp nằm trong nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính cho CTCK. Thay vì phải chạy đến cơ quan đăng ký kinh doanh để xin giấy phép đăng ký kinh doanh và đến UBCK để xin giấy phép kinh doanh, thì CTCK chỉ phải đến một cơ quan là đã đầy đủ thủ tục pháp lý thành lập và hoạt động. Tuy nhiên, mô hình “2 trong 1” này đang gây khó khăn cho việc xóa sổ CTCK.

Để khắc phục tình trạng bế tắc hiện tại, lãnh đạo UBCK chia sẻ, có thể phải tính đến phương án sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Phá sản, cũng như các văn bản hướng dẫn liên quan. Theo đó, các CTCK phải mở thủ tục phá sản, để giải quyết dứt điểm nợ đọng với các bên liên quan trước khi bị đình chỉ hoạt động. Không loại trừ phương án xem xét tách việc cấp giấy phép kinh doanh và giấy phép đăng ký hoạt động cho CTCK, để khắc phục bất cập hiện tại. Theo đó, khi CTCK vì nhiều lý do khác nhau mà bị đình chỉ hoạt động, thì UBCK rút giấy phép kinh doanh. Khi đó giảm được số lượng tổ chức kinh doanh chứng khoán, nhưng do CTCK còn giấy phép đăng ký hoạt động, nên tư cách pháp nhân vẫn còn. Bởi vậy, đương nhiên họ vẫn phải tiếp tục trả nợ, cũng như thực thi các nghĩa vụ khác với các bên liên quan.