CTCK: bước chuyển mình từ kết quả quý I

CTCK: bước chuyển mình từ kết quả quý I

(ĐTCK) Thực trạng tài chính của CTCK trong báo cáo quý I đang mở ra một bức tranh mới, với nhiều khả năng CTCK không có lợi nhuận đột biến trong năm 2012.

Từ đầu năm 2012 đến nay, nhóm cổ phiếu các CTCK đã tăng giá mạnh do hưởng lợi từ sự khởi sắc của TTCK. Bản thân các CTCK đang công bố báo cáo quý I với những con số khá lạc quan. Tuy nhiên, thực trạng tài chính của CTCK trong báo cáo quý I đang mở ra một bức tranh mới, với nhiều khả năng CTCK không có lợi nhuận đột biến trong năm 2012, do sự chuyển hướng trong hoạt động kinh doanh hướng vào những lĩnh vực ổn định.

CTCK: bước chuyển mình từ kết quả quý I ảnh 1 

Quý I: lãi lớn nhưng vẫn chưa hết khó

Thời điểm này, các CTCK niêm yết đã bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý I. Ấn tượng nhất thuộc về CTCK Sài Gòn (SSI) với lợi nhuận trước thuế (LNTT) quý I của Công ty mẹ là 246 tỷ đồng. Con số này phần nào giải thích cho đợt tăng giá ấn tượng của cổ phiếu SSI, từ mức giá 12.500 đồng/CP (ngày 6/1) lên mức cao nhất 23.100 đồng/CP (ngày 18/4).

Tuy nhiên, báo cáo quý I/2012 của Công ty mẹ SSI cũng cho thấy, lợi nhuận của Công ty chủ yếu đến từ hoàn nhập dự phòng. Cơ cấu LNTT quý I của SSI như sau: mảng môi giới và dịch vụ khách hàng lỗ 6,47 tỷ đồng, tự doanh lãi 209 tỷ đồng, kinh doanh nguồn vốn lãi 41,75 tỷ đồng, ngân hàng đầu tư lãi 1,86 tỷ đồng.

Đối với hoạt động tự doanh, dù lãi 209 tỷ đồng, nhưng khoản hoàn nhập dự phòng tại BSI lên tới 235,89 tỷ đồng, trong đó, khoảng 100 tỷ đồng từ hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu khó đòi và dự phòng giảm giá chứng khoán ủy thác đầu tư ngắn hạn.

Đối với hoạt động môi giới, dù thanh khoản thị trường từ đầu năm đến nay tăng mạnh so với mức trung bình 2011 và doanh thu mảng này so với cùng kỳ năm 2011 tăng đáng kể, từ mức 26,85 tỷ đồng lên 40,4 tỷ đồng, nhưng kết quả kinh doanh mảng môi giới của SSI chỉ giảm lỗ được 2 tỷ đồng, từ mức lỗ 8,72 tỷ đồng năm 2011. Trong khi đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh nguồn vốn của SSI cũng giảm, từ mức lãi 85,2 tỷ đồng quý I/2011 về lãi 41,75 tỷ đồng quý I/2012.

Một CTCK công bố mức lợi nhuận lớn khác là CTCK Kim Long (KLS), với 75,7 tỷ đồng LNTT. Theo báo cáo kết quả quý I/2012, KLS có 70 tỷ đồng doanh thu khác (là lãi tiền gửi ngân hàng), gần 30 tỷ đồng từ hoàn nhập dự phòng.

CTCK Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agriseco - mã AGR) công bố lãi quý I 38,13 tỷ đồng. Chưa có báo cáo tài chính đầy đủ của Agriseco để có thể xem xét con số lợi nhuận này đến từ đâu, nhưng nhiều khả năng, 38,13 tỷ đồng tiền lãi cũng có sự đóng góp đáng kể từ hoàn nhập dự phòng.

Đối với một số CTCK khác như CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS),  CTCK An Phát (APG), CTCK Công thương (CTS), CTCK TP. HCM (HCM)…, các con số lợi nhuận công bố dù lớn hay nhỏ, đều có sự đóng góp của khoản hoàn nhập dự phòng.

KQKD của một số CTCK quý I/2012

 

CTCK

Doanh thu

Lợi nhuận trước thuế

Hoàn nhập dự phòng

AGR

209

53,57

N/A

APG

1,96

0,43

7

APS

11,55

4,85

-

CTS

50,56

32,83

8,51

HBS

7,79

0,068

0

HCM

158,6

101,66

1,05

IVS

7,76

1,42

3,07

KLS

78,31

75,7

30

PSI

23,27

0,186

20,16

SBS

2,2

-570,76

N/A

SSI

172,398

246,46

235,89

VDS

28,29

3,19

12,84

VIX

10,39

14,07

8,4

VND

62,41

30,41

-

(nguồn: BCTC quý I/2012, đơn vị: tỷ đồng)

Hạn chế tự doanh, tìm hướng đi mới

Cuối quý I/2012, giá trị các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của SSI tăng xấp xỉ 430 tỷ đồng so với cuối năm 2011. Thuyết minh của Công ty cho thấy, số tiền tăng lên này chủ yếu đến từ khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng. Tài khoản tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng cuối quý I của Công ty lên tới gần 500 tỷ đồng, trong khi con số này trong BCTC cuối năm 2011 chỉ là 430 triệu đồng.

Đối với các khoản đầu tư chứng khoán dài hạn, dù thị trường tăng điểm, được hoàn nhập dự phòng tới 70 tỷ đồng khoản mục này, nhưng giá trị chứng khoán sẵn sàng để bán của SSI ngày 31/3/2012 đã giảm 100 tỷ đồng so với cuối 2012. Điều này cho thấy một sự thu hẹp nhẹ trong hoạt động đầu tư chứng khoán của SSI.

Điểm ấn tượng nhất tại SSI là sự thay đổi mạnh mẽ về định hướng đầu tư. Với nguồn lực tài chính lớn, SSI từ vị trí của một nhà đầu tư tài chính, đang chuyển dần sang vai trò của một nhà đầu tư chiến lược, đầu tư lớn và tham gia vào HĐQT của nhiều DN. Hiện tại, SSI “có chân” trong HĐQT của CTCP Chiếu xạ An Phú, CTCP Giống cây trồng Trung ương, CTCP Gilimex, CTCP Thủy sản Hùng Vương, CTCP Lafooco… và vẫn tiếp tục tìm kiếm các công ty phù hợp để tham gia đầu tư theo chiều sâu.

Với CTCK Kim Long, dù thị trường đã có sự khởi sắc rõ nét, nhưng khi trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo Công ty cho hay, rất khó để Kim Long, Công ty có vốn chủ sở hữu trên 2.500 tỷ đồng tập trung giải ngân trong một thị trường nhỏ như hiện tại. Vì thế, dù vẫn duy trì tự doanh, nhưng Công ty chỉ dành một phần nhỏ cho hoạt động này và cơ cấu lợi nhuận hiện tại vẫn chủ yếu đến từ lãi gửi tiết kiệm.

Đối với CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC - mã BSI), năm 2012, định hướng của BSC là tập trung vào mảng tư vấn tài chính. Đây được coi là mảng sẽ mang lại doanh thu hàng đầu cho Công ty, chứ không phải là tự doanh hay môi giới. Trong quá khứ, BSC cũng tư vấn phát hành trái phiếu, thu xếp vốn cho nhiều doanh nghiệp lớn như Phú Thái, Hoàng Anh Gia Lai…, tư vấn IPO BIDV. Năm 2012, mục tiêu của BSC là tái cơ cấu doanh mục đầu tư theo hướng giảm tỷ trọng đầu tư cổ phiếu.

Chuyển hướng kinh doanh từ chỗ đặt mục tiêu trọng tâm vào tự doanh sang chú trọng phát triển các dịch vụ tư vấn, môi giới, dịch vụ tài chính… là điều dễ thấy trong thông điệp các CTCK gửi ra thị trường. Thông qua báo cáo tài chính quý I/2012 của các CTCK cũng cho thấy, khối công ty này đang trở nên thận trọng hơn với các con sóng.

Phó tổng giám đốc một CTCK chưa niêm yết có vốn điều lệ 300 tỷ đồng cho hay, bộ phận tự doanh của Công ty từ 2 năm nay hầu như chỉ phải làm một việc là… giám sát danh mục cho khách hàng sử dụng đòn bẩy tài chính để đưa cảnh báo rủi ro. Nhiệm vụ tự doanh chỉ được thực hiện với quy mô tối đa là 50 tỷ đồng. Vị này cho hay, hiện giờ, chỉ những CTCK có vốn nhỏ hoặc môi giới kém thì mới tập trung tài chính vào tự doanh.

Ngoài việc SSI chọn hướng đầu tư chiều sâu thì CTCK khác đang lựa chọn cho mình hướng đi chậm và an toàn hơn, đó là cung cấp dịch vụ thay vì tự doanh. Sân chơi đầu tư trên thị trường được dành lại cho những ông lớn thực sự và cả những NĐT cá nhân gắn bó. Cũng vì thế, mong chờ mức lợi nhuận đột biến nếu không tính khoản đến từ hoàn nhập dự phòng là điều khó có thể xảy ra với các CTCK trong năm 2012.