Ông Phạm Hồng Sơn

Ông Phạm Hồng Sơn

CTCK bị kiểm soát đặc biệt sẽ nhiều hơn con số 6

(ĐTCK) Đó là khẳng định của ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK trong cuộc trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán.

> Cảnh báo sớm nguy cơ đổ bể

> Công bố 6 CTCK bị kiểm soát đặc biệt

Thưa ông, tất cả chỉ có 6 CTCK bị rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt?

Theo Thông tư 226, danh sách các CTCK bị rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, tức là có tỷ lệ an toàn vốn khả dụng dưới 120% không được công bố, trừ khi nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Nhưng từ ngày 1/4/2012, các CTCK phải chịu đầy đủ các quy định liên quan đến chế độ kiểm soát, xử lý nếu không đáp ứng chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng. Chính vì thế, chúng tôi đã phải cân nhắc rất kỹ, có trao đổi với các CTCK trước khi công bố danh sách này để tránh gây ảnh hưởng đến tâm lý NĐT. Tuy nhiên, danh sách 6 CTCK này là tất cả các CTCK đang nằm trong tình trạng bị kiểm soát đặc biệt tính đến ngày 1/4/2012.

 

Điều khiến dư luận thắc mắc là, tại sao danh sách này không nhắc đến 2 trường hợp là CTCK Tràng An và CTCK SME, 2 đơn vị từng bị xử phạt do không đảm bảo thanh khoản trong năm qua?

Trước hết, tôi phải nhắc lại một điều là, tỷ lệ an toàn vốn khả dụng hoàn toàn do CTCK tự tính toán và báo cáo về UBCK, chứ cơ quan quản lý không đủ nguồn lực để kiểm tra và tính toán lại cho toàn bộ 102 CTCK được. Do vậy, 6 CTCK bị rơi vào diện kiểm soát đặc biệt đã nêu là 6 công ty mà chính họ tính toán ra con số tỷ lệ an toàn vốn khả dụng. Hai trường hợp CTCK Tràng An và SME là vấn đề khác.

Đối với CTCK Tràng An, doanh nghiệp đã có tính toán và đưa ra tỷ lệ an toàn vốn khả dụng “tương đối đẹp”. Tuy nhiên, chúng tôi chưa tin tưởng vào con số này và đã yêu cầu Công ty phải tính toán, giải trình lại. Hiện nay, Tràng An đã có báo cáo tài chính kiểm toán và họ sẽ phải tính toán chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng trên cơ sở này.

Còn trường hợp SME, đây là ngoại lệ. Từ tháng 10/2011 đến nay, SME đã không có báo cáo gửi về cơ quan quản lý. Chính vì vậy, chúng tôi đã phải chuyển hồ sơ của SME sang Vụ Thanh tra, UBCK để xử lý tiếp.

 

Như vậy, danh sách các CTCK thuộc diện bị kiểm soát đặc biệt có thể sẽ không dừng ở số 6 như hiện tại?

 

6 CTCK gồm CTCK Cao Su, CTCK Vina, CTCK Hà Nội, CTCK Trường Sơn, CTCK Đà Nẵng và CTCK Mê Kông vừa được UBCK thống báo nằm trong diện kiểm soát đặc biệt. 

Định kỳ hàng tháng, các CTCK phải báo cáo tỷ lệ an toàn vốn khả dụng về UBCK. Như vậy, bất cứ khi nào CTCK có tỷ lệ an toàn vốn khả dụng xuống dưới 120% thì đều rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Tuy nhiên, việc tính toán hiện vẫn do các CTCK tự thực hiện, nên tôi cho rằng, sau ngày 30/6/2012, khi các CTCK phải thực hiện soát xét BCTC bán niên và soát xét báo cáo tỷ lệ an toàn vốn khả dụng như tinh thần của Thông tư 52/2012/TT-BTC về công bố thông tin, thì mức độ công bằng, minh bạch tài chính các CTCK sẽ được bộc lộ rõ.

Thông qua “màng lọc” của kiểm toán, mức độ chuẩn xác trong tính toán tỷ lệ an toàn vốn khả dụng của các CTCK sẽ được nâng lên, dù không thể tránh được việc CTCK cố tình “chế biến” lại các hợp đồng để ra được con số đẹp. Ngoài ra, như đã trao đổi lần trước, thời gian qua, chúng tôi cũng đã làm việc với gần 40 CTCK để rà soát lại cách tính của họ, yêu cầu giải trình một số nội dung để đảm bảo việc tính toán các chỉ tiêu đạt mức tin cậy hơn.

Thông qua quá trình làm việc với các CTCK thời gian qua, tôi cũng thấy rằng, các CTCK đã nhận thức được mức độ cần thiết của việc tuân thủ này. Không ít CTCK còn đề xuất và viết cam kết gửi UBCK về việc tự nguyện bỏ chi phí để thuê kiểm toán xác minh tính đúng đắn của việc tính toán, cắt cử một bộ phận chỉ chuyên theo dõi tính ảnh hưởng của các khoản đầu tư, vay và cho vay đến an toàn vốn khả dụng. Tôi cho rằng, đây là động thái tích cực, các CTCK đã hiểu rằng, họ làm như vậy là tốt cho mình, chứ không phải là để đối phó với cơ quan quản lý.

 

Trong số 6 CTCK nêu trên, bao nhiêu CTCK có khả năng bị đình chỉ hoạt động, thưa ông?

Hiện chỉ có 2 trong số 6 CTCK này là CTCK Hà Nội và CTCK Vina đang bị thua lỗ hơn 80% vốn điều lệ. Trong đó, CTCK Hà Nội lỗ lũy kế 84% vốn điều lệ, CTCK Vina lỗ 83% vốn điều lệ. Chiếu theo Thông tư 226, trong vòng 6 tháng tới, nếu 2 CTCK này không đưa được tỷ lệ an toàn vốn khả dụng lên trên 150% thì sẽ bị đình chỉ hoạt động.

 

M&A trong lĩnh vực ngân hàng đã diễn ra khá sôi nổi. Vậy trong lĩnh vực chứng khoán thì sao, thưa ông?

Mua lại CTCK đã diễn ra từ lâu, nhưng sáp nhập CTCK với nhau thì chưa có thương vụ nào thực hiện. Chúng tôi đã ghi nhận 4 trường hợp hỏi ý kiến của UBCK về việc sáp nhập CTCK. Đây đều là những trường hợp không bị rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Quan điểm của UBCK là ủng hộ các CTCK ngồi lại với nhau, vừa để tăng sức mạnh tài chính, tăng khả năng cạnh tranh…, vừa để tiết kiệm chi phí, từ đó hoạt động có hiệu quả hơn.

 

Vừa qua, UBCK đã lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK. Dường như cơ quan quản lý đã rất thận trọng khi siết chặt hoạt động của CTCK?

Thống kê của chúng tôi cho thấy, các CTCK rơi vào hoàn cảnh khó khăn đều xuất phát từ tình trạng CTCK vay mượn quá đà, đầu tư tràn lan và không kiểm soát rủi ro tốt. Không ít tranh chấp thời gian qua cũng từ việc đùn đẩy trách nhiệm giữa cá nhân và CTCK. Chính vì vậy, quan điểm của chúng tôi khi soạn thảo Thông tư là hạn chế vay mượn, tăng trách nhiệm cá nhân và công ty, tăng kiểm soát.

CTCK sẽ chỉ được vay mượn tối đa 3 lần vốn chủ sở hữu, đầu tư không quá 40% vốn chủ sở hữu, tăng trách nhiệm cho hệ thống kiểm soát nội bộ, yêu cầu phải có hệ thống kiểm toán nội bộ để giảm thiểu rủi ro…

Trong thời gian tới, song song với việc tăng cường giám sát, thanh tra các CTCK, chúng tôi sẽ ban hành thêm các cơ chế chính sách liên quan đến quản trị rủi ro của CTCK và cảnh báo từ xa. Cùng với Thông tư 226 quy định về tính thanh khoản, các quy chế mới sẽ góp phần giám sát toàn diện hơn hoạt động các DN khối này.

Các CTCK nếu vi phạm về quản lý tiền của NĐT sẽ bị xem xét đình chỉ tư cách thành viên tại 2 Sở giao dịch.