CSG: Nếu kế hoạch giải thể không được thông qua…

CSG: Nếu kế hoạch giải thể không được thông qua…

(ĐTCK) Liệu trong ĐHCĐ sắp tới, các cổ đông nhỏ của CSG có đồng thuận thông qua quyết định giải thể, thanh lý tài sản Công ty?

> Chủ tịch CSG: Giải thể để đảm bảo lợi ích cổ đông

Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến ngày họp ĐHCĐ của CTCP Cáp Sài Gòn (CSG). Tại đó, các cổ đông của Công ty sẽ phải đưa ra một quyết định chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán là giải thể, thanh lý tài sản Công ty. Liệu quyết định này có nhận được sự đồng thuận của các cổ đông nhỏ hay không?

Theo Ban lãnh đạo CSG,  lý do giải thể Công ty là hoạt động sản xuất - kinh doanh chính không còn tiềm năng phát triển, rủi ro cao. Năm 2011, doanh thu từ sản phẩm chính của CSG giảm còn 273 tỷ đồng so với 534 tỷ đồng của năm 2010. Lợi nhuận giảm từ 52 tỷ đồng năm 2010 còn 2,7 tỷ đồng năm 2011. Lợi  nhuận của CSG năm 2011 chỉ đạt 31% so với kế hoạch nhưng chủ yếu từ lãi tiền gửi, còn hoạt động sản xuất - kinh doanh chính (cáp viễn thông, cáp điện, dây đồng) lỗ hơn 10 tỷ đồng do giá nguyên vật liệu tăng nhanh, trong khi giá bán không thể tăng tương ứng vì phải cạnh tranh quyết liệt - thị trường sản phẩm cáp đồng đã bão hòa.

Theo luật sư Trần Duy Cảnh, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Luật Việt, việc một CTCP giải thể là hết sức bình thường. Khi có quyết định giải thể của ĐHĐCĐ, công ty có thể ngừng sản xuất để làm thủ tục giải thể. Trong quá trình làm thủ tục giải thể, công ty phải đăng thông báo để các đối tác được biết, quyết toán thuế với cơ quan thuế, thực hiện nghĩa vụ với chủ nợ, thực hiện chính sách với người lao động… sau đó chính thức công bố giải thể.

Tuy nhiên, với một công ty niêm yết thì quy trình giải thể còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật về chứng khoán, như thủ tục hủy niêm yết. Nhưng về cơ bản thì ĐHCĐ có quyền quyết định cao nhất việc này.

Trong khi đó, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM cho biết, chưa có tiền lệ công ty hủy niêm yết để... giải thể. Vì thế, với trường hợp đặc biệt này, Sở phải theo dõi chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của các cổ đông nhỏ.

Như vậy, nếu ĐHCĐ của CSG tới đây thông qua việc giải thể Công ty với tỷ lệ đồng ý cao thì việc thực hiện thủ tục hủy niêm yết của CSG sẽ thuận lợi hơn.

Cho đến thời điểm này, tiền mặt của CSG đã thu về được 241 tỷ đồng và còn khoản phải thu của khách hàng 30 tỷ đồng. Công ty không còn khoản vay ngân hàng nào.

Với 90 người lao động thì chi phí lương và trợ cấp khi Công ty giải thể ước tính dưới 10 tỷ đồng. Đơn hàng đã ký cần thực hiện nốt chỉ còn khoảng hơn 1 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành đơn hàng này, CSG có thể ngưng sản xuất để tránh phát sinh chi phí. Công ty cũng phải thực hiện quyết toán thuế khoảng 30 tỷ đồng. Ngoài tiền mặt, hiện nay, CSG còn có tài sản là khu nhà xưởng với quyền thuê 50 năm, có thể chuyển nhượng.

Năm nay, với mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm còn 12%/năm, liệu lãi tiền gửi có đủ bù lỗ cho hoạt động sản xuất của CSG, nếu Công ty tiếp tục hoạt động?

Với hoạt động sản xuất - kinh doanh chính èo uột, giá cổ phiếu CSG khó có thể tăng cao, trong khi tiền mặt và tài sản của Công ty lớn, nếu tiếp tục niêm yết sẽ tạo cơ hội cho nhà đầu tư tài chính mua gom cổ phiếu giá rẻ nhằm mục đích ăn chia tiền và tài sản của Công ty. Còn nếu giải thể Công ty, sau khi thanh lý tài sản, cổ đông có thể nhận tiền tương ứng với cổ phần sở hữu lớn hơn nhiều giá trị tính trên thị giá CSG hiện nay (ước tính giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu là 16.000 đồng, gấp đôi thị giá cổ phiếu CSG hiện nay).

Xem ra, sự đồng thuận với cổ đông lớn là lựa chọn tối ưu nhất cho các cổ đông nhỏ còn đang nắm giữ cổ phiếu CSG.

Nếu kế hoạch giải thể không được ĐHCĐ thông qua, CSG vẫn có lựa chọn khác là dùng tiền mặt mua vào tối đa cổ quỹ để giảm vốn điều lệ. Sau đó, các cổ đông còn lại, với tỷ lệ cổ phiếu chi phối, có thể quyết định giải thể Công ty.