Đồng USD tăng, lợi nhuận doanh nghiệp giảm
“Các cổ phiếu bật tăng mạnh từ vùng giá thấp do được hỗ trợ bởi các chính sách chưa từng có của Ngân hàng Trung ương trên thế giới. Chúng tôi tin rằng, chứng khoán châu Á sẽ bước vào giai đoạn giao dịch trong biên độ giới hạn”, Suresh Tantia, chiến lược gia tại Credit Suisse cho biết.
Theo chuyên gia này, một trong những yếu tố đầu tiên khiến thị trường chứng khoán châu Á khó tăng mạnh là do đồng USD đang rất mạnh.
Khi niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán chao đảo vào tháng 3 vì sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, đã đẩy nhu cầu nắm giữ USD tăng cao. Nhu cầu đó đến từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm ngân hàng, công ty vay nợ bằng USD…
Tất cả những điều đó đã đẩy đồng USD cao hơn so với các loại tiền tệ khác và dẫn tới dòng tiền bị rút ra khỏi châu Á.
Chỉ số US dollar Index đo lường sức mạnh đồng USD so với rổ tiền tệ mạnh khác đã tăng từ 96 lên trên 102 vào tháng 3, trước khi quay đầu giảm nhẹ và hiện giao dịch quanh vùng 99,572 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tung các biện pháp cải thiện thanh khoản cho đồng bạc xanh.
Các hành động của Fed đã giúp ngăn chặn đà lao dốc của cổ phiếu hơn nữa. Tuy nhiên, Tantia cho rằng: “Mặc dù những chính sách hỗ trợ có thể giữ cho thị trường không lao dốc, nhưng cần có các yếu tố thực sự được cải thiện để giúp thị trường chứng tăng cao hơn mức giá hiện tại. Suy thoái toàn cầu có thể tác động nghiêm trọng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp, điều này làm cho các nhà phân tích phải hạ dự báo lợi nhuận”.
Các chỉ số chính ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Hong Kong đều đã giảm xuống mức thấp từ đầu năm tới nay, đã thấy mức giảm thấp nhất trong tháng 3.
Tantia cho biết, ước tính thu nhập cả năm 2020 của chỉ số MSCI Asia ex-Japan đã giảm hơn 16% và hiện kỳ vọng có thể tăng 4% so với năm 2019.
Credit Suisse dự đoán, lợi nhuận ước tính sẽ có thể điều chỉnh giảm thấp hơn trong những tháng tới, điều này sẽ làm khó khăn cho thị trường chứng khoán trong khu vực và làm giá cổ phiếu khó tăng hơn.
“Trong vòng 15 năm qua, thị trường chứng khoán châu Á đã di chuyển theo ước tính lợi nhuận, tình hình hiện tại là một bất thường khi mà triển vọng thu nhập đã giảm mạnh, nhưng thị trường chứng khoán vẫn tăng điểm”, Manishi Raychaudhuri, Trưởng Phòng Nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của BNP Paribas đánh giá.
“Có vẻ như thị trường đang kỳ vọng sự hồi phục theo chứ V đối với ước tính lợi nhuận năm 2020 và năm 2021. Mặc dù vậy, khả năng lợi nhuận năm 2021 sẽ vẫn tiếp tục giảm”, Manishi Raychaudhuri cho biết thêm.
Nam Á sẽ chịu tác động lớn hơn Bắc Á
Tantia cho biết, Nam Á có khả năng bị ảnh hưởng lớn hơn so với Bắc Á từ suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra, vì các nước Nam Á bị ảnh hưởng nặng hơn bởi sự lây lan virus hơn với khu vực Bắc Á.
Ấn Độ là một ví dụ, quốc gia này đã thực hiện biện pháp phong toả quốc gia từ cuối tháng 3 và đang có kế hoạch kéo dài tới hết tháng 5. Họ cũng sẽ dỡ bỏ dần hạn chế ở một số nơi rủi ro lây lan thấp.
Bên cạnh đó, hầu hết các quốc gia Nam Á đều bị giới hạn ngân sách nhất định so với các quốc gia Bắc Á, ngân sách lớn hơn.
Ngoài ra, ông Tantia cho rằng, các quốc gia Nam Á có thể bị ảnh hưởng tiêu cực lớn hơn về thu nhập và sự cải thiện kinhh tế cho tới khi nào có thể kiểm soát được dịch.
Ngược lại, các quốc gia Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc… dường như đã ngăn chặn được sự bùng phát của dịch và bắt đầu dỡ bỏ hạn chế từ từ. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ của đợt bùng phát dịch lần thứ 2.
Xét về yếu tố ngành, Credit Suisse ưa thích nhóm chăm sóc sức khoẻ và công nghệ hơn các nhóm còn lại.
“Chúng tôi tin rằng, cả hai lĩnh vực trên đều hưởng lợi từ các thay đổi xu hướng hành vi trong xã hội do đại dịch gây ra”, Tantia cho biết.
Các nước châu Á có sự nổi bật trong lĩnh vực công nghệ, cũng như không phụ thuộc vào du lịch, xuất khẩu sẽ có thể hồi phục nhanh nếu như họ ngăn chặn được dịch bệnh.