Vượt chỉ tiêu hãm CPI?
Xét trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với sức cầu yếu, đã được Chính phủ nhìn nhận từ phiên họp thường kỳ tháng 3/2014, đồng thời tiếp tục được nhắc lại với mức độ quan ngại hơn trong phiên họp tháng 4 vừa qua, thì CPI thấp là không có gì bất ngờ. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh so với cùng kỳ nhiều năm, thì việc CPI trong nhiều tháng đầu năm nay giảm là điều đáng chú ý.
“Với việc CPI tháng 5 trên địa bàn Hà Nội giảm 0,07% so với tháng trước, thì từ đầu năm đến nay có 3/5 kỳ CPI giảm. Đây là diễn biến trái ngược so với nhiều năm gần đây…”, ông Công Xuân Mùi, Cục trưởng Cục Thống kê TP. Hà Nội, nói và cho biết thêm, sức mua của người dân suy giảm, tổng cầu yếu của nền kinh tế, đang là những nguyên nhân khiến CPI giảm...
“Với hiện trạng sức cầu của nền kinh tế như hiện tại, dự báo CPI trên quy mô cả nước trong tháng 5/2014 chỉ nhích rất nhẹ so với tháng trước, thậm chí có thể giảm. Tình trạng CPI tăng thấp đáng quan ngại hiện nay không phải do yếu tố cung, mà chủ yếu nằm ở yếu tố cầu. Bằng chứng là lượng hàng hóa dồi dào thể hiện qua lượng hàng tồn kho của nhiều DN vẫn còn cao, thậm chí có những ngành hàng còn tăng…”, Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận.
Ông Long cũng phân tích thêm, với hiện trạng 4 tháng đầu năm nay CPI chỉ tăng 0,88%, là mức tăng thấp trong 4 năm qua, nếu tình trạng sức cầu yếu của nền kinh tế như hiện tại chậm được khắc phục, thì trong năm nay có thể vượt mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 7%, nghĩa là CPI ở mức khoảng 5 - 6%. Nếu CPI tiếp tục diễn biến ở mức thấp bất hợp lý, thì có nguy cơ khó đạt mục tiêu GDP đề ra cho năm nay là 5,8%.
Tăng sức ép lên DN
Tổng cầu của nền kinh tế yếu đang gia tăng sức ép lên DN. Khi thẩm tra báo cáo đánh giá bổ sung nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 của Chính phủ vừa trình ra Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý về hiện trạng tổng cầu của nền kinh tế chưa cải thiện, cũng như tình hình DN vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh. Điều này được thể hiện khi 4 tháng đầu năm nay, có tới 21.489 DN giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một trong những nguyên nhân khiến DN còn gặp nhiều khó khăn là vẫn khó tiếp cận vốn. Đang tồn tại nghịch lý, ngân hàng thừa vốn, trong khi DN khát vốn. Tình trạng thừa vốn đã khiến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tỏ ý lo ngại trước thực tế: việc phát hành trái phiếu chính phủ quy mô lớn, nhưng đối tượng mua chủ yếu là hệ thống ngân hàng thương mại, khi đến nay khối này mua tới 86% tổng nguồn huy động trái phiếu chính phủ. Thực tế này đang và sẽ ảnh hưởng đáng kể đến dòng đầu tư tín dụng chảy vào sản xuất - kinh doanh, tác động tiêu cực đến mặt bằng lãi suất và chi phí vay vốn của DN, khiến DN khó tiếp cận vay vốn tín dụng.
Theo ông Long, trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế còn yếu, vĩ mô thiếu ổn định sẽ khiến dòng vốn đầu tư từ khu vực dân doanh vào nền kinh tế suy giảm. Điều này nếu không được xử lý sẽ càng làm cho sức cầu của nền kinh tế đã yếu càng yếu thêm. Do đó, muốn khắc phục tình trạng này, ngoài tập trung thúc đẩy giải ngân đầu tư từ khu vực công mà Chính phủ đang triển khai, để bù đắp cho hiện trạng giảm đầu tư từ khu vực tư nhân, Chính phủ cần dồn sức nâng cao hiệu quả đầu tư từ khu vực công. Nếu không việc tăng tốc đầu tư của Nhà nước sẽ khiến lạm phát tăng cao trở lại trước khi đạt mục tiêu cải thiện sức cầu cho nền kinh tế...
Để hỗ trợ cho DN, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khuyến nghị, từ nay đến cuối năm, Chính phủ cần triển khai mạnh hơn các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước bằng việc rốt ráo hơn trong xử lý nợ xấu DN và ngân hàng, nợ xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xử lý hiệu quả hơn tình trạng hàng hóa tồn kho, để khơi thông đầu ra cho DN.