Ông Nguyễn Tiến Thỏa

Ông Nguyễn Tiến Thỏa

CPI sẽ tăng thêm 0,85% sau “cú hích” giá xăng dầu

Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa đã có buổi trả lời báo chí về tác động của việc tăng giá xăng dầu lên CPI.

Thưa ông, việc tăng giá xăng lên tới 2.100 đồng/lít trong ngày 7/3 sẽ có những tác động như thế nào đến chỉ số giá tiêu dùng trong năm nay?

Theo tính toán, với mức tăng của xăng là gần 10%, diesel 4,5%, dầu hỏa 2,97%, mazut 11,9% thì bình quân tổng xăng dầu tăng khoảng 7,3%. Như vậy giá xăng dầu tăng sẽ có tác động tới chỉ số giá tiêu dùng năm 2012 là khoảng 0,85%, trong đó tác động trực tiếp là 0,24%, tác động gián tiếp đến các ngành sử dụng xăng dầu là 0,61%.

 

Vậy trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ có những động thái như thế nào để kìm chế việc tăng giá dây chuyền đối với những lĩnh vực sử dụng nhiều đến xăng dầu như ngành giao thông vận tải?

Với mức tăng giá xăng dầu như vừa qua sẽ có những tác động nhất định đến sản xuất kinh doanh. Bộ Tài chính đang có nhiều giải pháp phối hợp cùng với các Sở Tài chính để kiểm tra kiểm soát nhằm không để xảy ra tình trạng tăng giá bất hợp lý, “ăn” theo giá xăng dầu.

 

Đối với ngành giao thông vận tải, theo tính toán ôtô, trong chi phí cước giao thông vận tải có 40% là xăng dầu, nếu bình quân giá xăng dầu tăng 7,3% thì chỉ được tăng 3% giá cước nhưng nếu lợi dụng để tăng 7% theo giá xăng dầu là sai. Những việc như thế phải được kiểm tra kiểm soát chặt chẽ tránh gây những tác động lan tỏa không đúng với việc đầu vào tăng.

 

Ông có thể cho biết kết quả kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh gas tại các tỉnh vừa được tiến hành trong thời gian qua?

Hiện nay, chúng tôi đã nhận được báo cáo của 40/63 Sở Tài chính và những tỉnh còn lại vẫn đang tiếp tục gửi về. Theo báo cáo, trong số 40 tỉnh thành nói trên, đã có 564 đơn vị được kiểm tra việc chấp hành quy định về giá. Trong đó, Sở Tài chính và các cơ quan chức năng đã phát hiện 91 đơn vị vi phạm quy định về đăng ký giá như chưa đăng ký giá, chưa niêm yết giá hay thậm chí là trường hợp giá bán thực tế cao hơn giá bán đăng ký (doanh nghiệp ở TP. HCM).

 

Trong 40 sở tài chính đã báo cáo chỉ có 14 sở thông báo việc các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện quy định về giá, còn lại 26 sở (chiếm tới 65%) của tỉnh, thành phố có đơn vị vi phạm như chưa đăng ký giá với Sở đã bán... Với những trường hợp vi phạm, các đơn vị này đã bị đơn vị thanh tra xử phạt và tổng số tiền xử phạt là 166 triệu đồng. Bộ Tài chính đang tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát một cách chặt chẽ mặt hàng nhạy cảm này, để hạn chế việc tăng giá bất hợp lý.

 

Để có thể đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức một con số mà Chính phủ đã đưa ra, đồng thời giữ vững sự ổn định của xã hội thì cần những giải pháp về giá như thế nào, thưa ông?

Theo tôi, để có thể đạt được mục tiêu đề ra thì phải phấn đấu quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ mà Nghị quyết 01 của Chính phủ đề ra cho năm nay như bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ; thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ, giảm nhập siêu.

 

Trong đó, đối với vấn đề giá chúng ta cũng phải thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước. Tiếp tục thực hiên lộ trình điều chỉnh giá thị trường, tạo cạnh tranh về giá, xóa bao cấp qua giá đối với hàng hóa, dịch vụ còn bao cấp qua giá vào thời điểm thích hợp với liều lượng hợp lý, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô gắn liền với các chính sách an sinh xã hội; thực hiện công khai, minh bạch giá các hàng hóa, dịch vụ như điện, than bán cho điện, xăng dầu, giá một số dịch vụ công như dịch vụ khám chữa bệnh, học phí.

 

Ngoài ra, chúng ta phải kiểm soát chăt chẽ giá cả hàng hóa dịch vụ độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá, chuyển giá, kiểm tra phương án giá, mức giá của hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá, bình ổn giá, đăng ký giá; những hàng hóa dịch vụ được Nhà nước đặt hàng xản xuất phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia, hàng hóa dịch vụ công ích, hàng hóa được trợ cước, trợ giá.

 

Bên cạnh đó, chúng ta phải áp dụng có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ giảm chi phí sản xuất để kiềm chế tăng giá đầu ra như các biện pháp về thuế, tiết giảm chi phí quản lý 5% đến 7% của các doanh nghiệp nhà nước. Áp dụng có hiệu quả các biện pháp bình ổn giá khi thị trường có những biến động bất động bất thường, như điều hòa cung cầu hàng hóa, tài chính-tiền tệ, kiểm soát các yếu tố hình thành giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật Nhà nước.