CPI bật tăng cao, cảnh giác trước áp lực lạm phát

Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2019 tăng tới 0,96% so với tháng trước, sau khi đã tăng 0,59% trong tháng 10, đang gây áp lực lên lạm phát và đây là điều cần chú ý.
CPI tháng 11/2019 là mức tăng cao nhất của các tháng 11 trong vòng 9 năm trở lại đây.

CPI tháng 11/2019 là mức tăng cao nhất của các tháng 11 trong vòng 9 năm trở lại đây.

Trước hết, phải khẳng định, mức tăng trên là khá cao. Thậm chí, theo Tổng cục Thống kê, đây là mức tăng cao nhất của các tháng 11 trong vòng 9 năm trở lại đây. CPI tháng 11/2018 thậm chí còn giảm 0,29% so với tháng trước. Còn tháng 11/2016, CPI cũng chỉ tăng 0,46% so với tháng trước đó.

Thực ra, việc CPI tháng 11/2019 tăng mạnh không phải là điều khó hiểu, bởi dấu hiệu đã manh nha từ tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu là do giá thịt lợn tăng cao, thậm chí rất cao. Dịch tả lợn châu Phi lan rộng ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã khiến cả nước phải tiêu hủy hơn 5.000 con lợn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung, đẩy giá thịt lợn trong tháng 11 tăng tới 18,51% so với tháng trước và làm CPI chung tăng 0,78%.

Vấn đề nằm ở chỗ, xu hướng này sẽ tiếp tục trong tháng 12 tới.

Cộng thêm nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp lễ, tết cuối năm khiến cho nhiều khả năng, CPI tháng 12 sẽ tiếp tục tăng mạnh, có thể tương đương mức tăng của tháng 11.

Nếu điều này xảy ra, trên thực tế, CPI bình quân cả năm - chỉ số hiện tại được dùng để “đong đếm” lạm phát của Việt Nam – sẽ xoay quanh ngưỡng 3%. Hiện tại, sau 11 tháng, con số này là 2,57%, vẫn là mức tăng CPI bình quân thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Điều đó có nghĩa, dù CPI tăng mạnh trong tháng 11 và tháng 12, thì mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam năm 2019 (dưới 4%) vẫn đạt được, thậm chí là “vượt”. Tuy vậy, nếu so với tháng 12 năm trước, có thể CPI tháng 12 năm nay sẽ tăng cao hơn mức 4%. Điều này sẽ ảnh hưởng tới túi tiền của người dân, nhất là trong bối cảnh kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đến gần. Đây là điều khiến người dân quan tâm nhiều nhất khi rất có thể, họ sẽ có một kỳ nghỉ Tết đắt đỏ hơn.

Thực tế, chuyện CPI tăng trong những tháng cuối năm và đầu năm, khi các kỳ nghỉ Tết kéo dài diễn ra là quy luật thường niên. Thậm chí sau Tết, còn xuất hiện khả năng hình thành mặt bằng giá mới.

Nhiều năm nay, do kinh tế vĩ mô ổn định, chuyện lập mặt bằng giá mới không xảy ra. Năm nay, khi CPI những tháng cuối năm tăng mạnh, thì nỗi lo về mặt bằng giá mới được thiết lập cũng manh nha. Tuy vậy, còn quá sớm để nói về điều này ở thời điểm hiện tại, vì thực tế, việc CPI tăng nhanh trong tháng 11 và ngay cả trong tháng tới cũng như trong tháng đầu năm 2020 phần lớn là do sự tăng giá đột biến của một số mặt hàng, đặc biệt là thịt lợn. Khả năng “té nước theo mưa” là khó xảy ra.

Mặc dù vậy, nhìn vào diễn biến giá cả thị trường hiện nay, không thể không cẩn trọng với áp lực lạm phát, nhất là trong năm tới. Theo dự báo, giá thịt lợn có thể tiếp tục tăng cao, do dịch bệnh kéo dài, chưa thể tái đàn ngay. Trong khi đó, trên thị trường đã có dấu hiệu đầu cơ, đẩy giá từ thương lái. Giá thịt lợn tăng sẽ ảnh hưởng tới CPI những tháng đầu năm 2020.

Năm 2020, mục tiêu kiểm soát lạm phát được đặt ra ở mức 4%. Để đạt được con số này, phải thận trọng trong điều hành. Bởi lẽ, ngoài vấn đề giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, thì gần đây, có hai câu chuyện được cho là có thể ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ, qua đó ảnh hưởng tới lạm phát, tới kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Đó là chuyện nhiều doanh nghiệp mạnh tay phát hành trái phiếu doanh nghiệp, với lãi suất cao và chuyện nhiều dự án BOT không thu được phí theo kế hoạch, có thể khiến các khoản vay BOT trở thành nợ xấu. Nếu không có biện pháp xử lý, giám sát kịp thời, thì không chỉ việc điều hành chính sách tiền tệ, kiềm chế áp lực lạm phát bị tác động, mà cả nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng.

Tin bài liên quan