Doanh số bán xe giảm mạnh đã ảnh hưởng tới nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới.

Doanh số bán xe giảm mạnh đã ảnh hưởng tới nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới.

Covid trở lại, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lại lo kích cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh thu phí của một số nghiệp vụ bảo hiểm bắt đầu tăng trưởng nhờ các chính sách kích cầu của các doanh nghiệp phi nhân thọ. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này đối diện với nhiều thách thức khi dịch bệnh Covid-19 đang quay trở lại.

Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 26.991 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 7%; bồi thường đạt 9.028 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bồi thường khoảng 33% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường). Trong đó, tăng trưởng doanh thu bảo hiểm của 4 doanh nghiệp thuộc Top 5 là: Bảo Việt giảm 6%, PTI tăng 7%, PVI tăng 2%, Bảo Minh tăng 20%.

6 tháng đầu năm, nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe con người vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt nhất, đạt hơn 35% so với cùng kỳ 2019.

Một trong những yếu tố giúp doanh thu của nghiệp vụ này tăng trưởng cao là tâm e ngại của người dân trước tình hình dịch bệnh. Không chỉ nhu cầu mua cá nhân, mà các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh việc mua bảo hiểm sức khỏe cho cán bộ nhân viên.

Tận dụng cơ hội này, nhiều công ty bảo hiểm đã tung ra các chính sách hỗ trợ nhằm kích cầu mua bảo hiểm của doanh nghiệp như chia kỳ thanh toán phí, tổng đài trực bồi thường 24/7, online hóa quá trình nộp đơn bồi thường…

Mới nhất, Bảo Minh và VNI vừa ký kết hợp đồng cung cấp chương trình bảo hiểm sức khoẻ cho gần 4.000 cán bộ công nhân viên của MobiFone từ năm 2020 đến năm 2022.

Với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, sự sụt giảm mạnh của lượng xe ô tô bán ra những tháng đầu năm khiến mức tăng trưởng bảo hiểm xe cơ giới toàn thị trường chỉ tăng 4% trong 6 tháng qua, đạt 8.236 tỷ đồng, bất chấp việc doanh thu bảo hiểm bắt buộc tai nạn dân sự xe máy tăng đột biến do tác động của đợt tổng kiểm soát giao thông đường bộ trước đó.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đang kỳ vọng lượng xe hơi bán ra những tháng cuối năm sẽ tăng lên cùng với việc Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử thay cho hình thức cấp giấy chứng nhận bảo hiểm bản cứng như hiện tại… sẽ là những yếu tố tích cực hỗ trợ cho nghiệp vụ này thời gian tới.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay, các chuyên gia cho rằng, sản lượng xe ô tô bán ra sẽ khó cải thiện, dẫn tới khả năng phục hồi đà tăng trưởng của xe cơ giới trở nên hẹp hơn.

Để đẩy mạnh nghiệp vụ trọng yếu này, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục đưa ra các chương trình thi đua bán hàng, tăng cường hợp tác với các đối tác như các gara, showroom xe hơi, ngân hàng… để tăng sản lượng bán hàng.

Mới nhất, PTI thông báo mở rộng dịch vụ giám định thiệt hại xe cơ giới 24/7 tại các gara liên kết trên toàn quốc. Theo đó, giám định viên của PTI sẽ thực hiện giám định thiệt hạ tại tất cả gara liên kết, bao gồm cả ngày nghỉ và 2 ngày cuối tuần.

Đồng thời, các gara cũng cam kết ưu tiên cung cấp các dịch vụ cho khách hàng của PTI. Ngoài dịch vụ thông thường, gara còn hỗ trợ sửa chữa lưu động tại điểm theo yêu cầu, thay thế vật tư nhanh.

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, ngoài 2 nghiệp vụ trên thì bảo hiểm tài sản kỹ thuật cũng bắt đầu phục hồi khi một số đơn hàng được tái ký.

Một số hợp đồng bảo hiểm công trình lớn vừa được ký kết thành công nhờ hoạt động đầu tư công. Tuy vậy, rủi ro về việc tiếp tục giãn cách xã hội cũng đang đe dọa đến đà tăng trưởng của nghiệp vụ này.

Trong khi đó, nghiệp vụ còn lại là bảo hiểm hàng hóa, hàng hải, hàng không… vẫn chưa thể phục hồi do tình hình giao thương trong nước cũng như nước ngoài chưa trở lại bình thường. 

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, đà tăng trưởng doanh thu 6 tháng cuối năm 2020 sẽ khó khăn hơn.

Chính vì thế, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh các chính sách kích cầu để hút thêm khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải cân nhắc đến việc cắt giảm chi phí quản lý nhằm đảm bảo hiệu quả ở mức tối thiểu.

Tin bài liên quan