Khối ngoại thay đổi tâm thái
2 tuần cuối tháng 7, VN-Index giảm hơn 8% sau đó chững lại ở vùng 780 điểm, kích hoạt dòng tiền đứng ngoài đổ vào thị trường, thanh khoản tăng từ mức bình quân 3.500 tỷ đồng/phiên lên hơn 4.200 tỷ đồng/phiên.
Tự doanh và khối ngoại được xem là nhân tố giúp thị trường hãm lại đà rơi khi chuyển từ trạng thái bán ròng 5 tuần liên tiếp sang mua ròng 791 tỷ đồng trong tuần cuối tháng 7.
Dòng tiền qua kênh ETF cũng tiếp tục vào ròng, tập trung ở Quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM) và Quỹ ETF SSIAM VNFin Lead (VNFin Lead). Thanh khoản ở nhóm ETF ghi nhận mức tăng bình quân 6,5%.
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), trong tuần cuối tháng 7, khối ngoại mua ròng trên HOSE 700 tỷ đồng (bán ròng thông qua khớp lệnh 467 tỷ đồng, nhưng mua ròng mạnh thông qua thỏa thuận).
Tính từ đầu năm, khối ngoại bán ròng 1.084 tỷ đồng, trong đó bán ròng thông qua khớp lệnh 16.830 tỷ đồng và mua ròng thông qua thỏa thuận 15.746 tỷ đồng.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường MBS cho biết, động thái giao dịch của khối ngoại khác hẳn với bán ròng trong tháng 3/2020.
Về dòng vốn đầu tư quốc tế, USD suy yếu đã tạo điều kiện cho sự phục hồi trở lại của nhóm chỉ số MSCI khu vực thị trường mới nổi (MSCI EM), giúp dòng tiền quay lại một số thị trường như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Ở thị trường trong nước, dòng vốn đầu tư quốc tế qua kênh ETF thu hút được vốn vào ròng tuần thứ hai liên tiếp, với giá trị 2,85 triệu USD, nhờ Quỹ VNM, Quỹ FTSE Vietnam và Quỹ VNFin Lead, nhưng bị rút ròng nhẹ ở Quỹ VNFVN30 ETF. Diễn biến tích cực này đã rút ngắn lượng bán ròng kể từ đầu năm xuống còn hơn 43,78 triệu USD.
Diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam và chỉ số VN-Index.
Tuy nhiên, hiện nay, theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, khối nhà đầu tư nước ngoài đang khá bế tắc trong ý tưởng giải ngân. Vùng giải ngân của họ là P/E thị trường quanh 12 lần.
Động thái bán trong 2 phiên cuối tháng 7 cho thấy, khối ngoại đã chững lại trước các thông tin về bệnh dịch Covid-19 lan rộng tại Việt Nam.
Về xu hướng dài hơn, ông Tuấn nhận định, khối ngoại sẽ tăng mua trên TTCK Việt Nam vì chính phủ các nước đã và đang nỗ lực kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch, đồng thời thực hiện các giải pháp kích hoạt kinh tế, đi kèm với đó là các gói hỗ trợ lớn và cụ thể.
Đặc biệt, tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin phòng chống dịch bệnh đang có tiến triển, kỳ vọng đến cuối năm có thể đưa ra thị trường. Đây chính là 2 yếu tố kỳ vọng khối ngoại mua ròng.
“Hành động bán để phòng thủ diễn ra khi làn sóng Covid-19 thứ hai lan nhanh, nhưng động thái này chỉ có thể xem là cơ cấu tỷ trọng theo tuần, chứ bán ròng từ vài trăm tỷ đồng đến cả nghìn tỷ đồng như hồi tháng 2 - 3 mới gọi là bán để nắm giữ tiền mặt (cash out)”, ông Tuấn nói.
Hai tuần đầu tháng 8 sẽ rõ xu hướng khối ngoại
Theo quan điểm ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, còn quá sớm để nói khối ngoại quay lại xu hướng mua ròng.
Dòng tiền từ các quỹ tương hỗ (matual fund) có phong cách đầu tư như lướt sóng, thị trường xấu là rút ra, thị trường tốt (vĩ mô ổn, dịch bệnh không quá căng như giai đoạn 1 và không bị phong tỏa - lock down) thì giải ngân.
Các yếu tố này đều là dấu hiệu để các quỹ xem xét thị trường có tăng điểm hay không, từ đó mới quyết định giải ngân.
Động thái của khối ngoại trong tuần cuối tháng 7 rất khó đánh giá, vì đây cũng là tuần cơ cấu của các quỹ ETF theo danh mục mới VN30. Tuần đầu tháng 8 hoặc nửa đầu tháng 8, nếu khối ngoại mua ròng thì có thể xem là dấu hiệu tích cực, xác lập một xu hướng.
Quan sát thị trường cho thấy, các quỹ ETF cũng rục rịch mua ròng trở lại, nhưng có kéo dài hay không thì chưa thể kết luận.
Thực tế, dòng tiền ETF luôn đi trước và rót vào TTCK trong một khoảng thời gian, khi đó dòng tiền từ các quỹ tương hỗ mới quay lại.
Cũng có thể các quỹ kiếm lời chênh lệch giá (Arbitrage) sẽ điều chuyển dòng tiền giữa các thị trường do định giá tại các thị trường phát triển, mới nổi và cận biện rất xa nhau.
Quan trọng nhất là thị trường cận biên, thị trường mới nổi đã ổn chưa, phòng chống dịch bệnh tốt chưa để kỳ vọng dòng tiền ngoài biên giới vào mạnh.
Theo ông Minh, còn quá sớm để trả lời mối băn khoăn trên, nên sẽ phải quan sát thị trường thêm. Nếu chứng khoán Việt Nam hồi phục tốt như giai đoạn tháng 3-5 vừa qua, dòng tiền ngoại sẽ quay lại, nhưng sẽ có sự cẩn trọng, từ từ, nương theo sự phản ánh của các yếu tố vĩ mô. Câu chuyện sẽ nằm ở chỗ “thị trường đã cân bằng chưa”.
Nếu 2 tuần tới, khối ngoại rót ròng, thì đây sẽ là chất xúc tác cho kỳ vọng thị trường Việt Nam đứng vững. Điểm tựa cho kỳ vọng là các quỹ ETF mới huy động thêm được tiền vào quỹ, không chỉ ETFVN30 mà ETFVN Diamond, VNFinlead… cũng đều hút được vốn mới.
Về triển vọng thị trường tháng 8, ông Sơn cho rằng, cùng đối mặt với rủi ro dịch bệnh bùng phát, nhưng rủi ro lần này khác hẳn giai đoạn tháng 3.
Cụ thể, Chính phủ đã xác định rõ, dịch ở đâu dập ở đó, chứ chưa cần cách ly xã hội trên diện rộng.
Ổ dịch lớn nhất là Đà Nẵng đã nhanh chóng được phong tỏa, giãn cách xã hội, trong khi tại Hà Nội và TP.HCM mới tiến hành khoanh vùng, rà soát, xét nghiệm trên diện rộng để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Nếu dịch bệnh được khống chế theo những hành động quyết liệt và bình tĩnh hiện tại, TTCK sẽ sớm tạo vùng đáy và xác lập được trạng thái cân bằng.
Yếu tố khác biệt lần này là trong nhịp giảm lần đối mặt với Covid-19 thứ nhất, nhà đầu tư ngoại bán ròng rất mạnh, nhưng lần này, họ lại mua ròng, mặc cho nhiều nhà đầu tư cá nhân ồ ạt cắt lỗ. Hoạt động của khối ngoại cho thấy, họ lạc quan và có niềm tin vào khả năng dập dịch của Việt Nam.
Nếu như trong tháng 3, TTCK toàn cầu giảm mạnh cùng TTCK Việt Nam thì lần này, các chỉ số toàn cầu gần như đi ngang trong bối cảnh các ngân hàng trung ương duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng mạnh tay nhất lịch sử.
Chính vì vậy, làn sóng lây nhiễm thứ hai, thậm chí thứ ba diễn ra ở rất nhiều nơi như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, nhưng TTCK gần như không ảnh hưởng nhiều.
VN-Index có những phiên giảm nhanh, nhưng không quá sâu, mức hoảng loạn chỉ 1-2 phiên lại dừng. Thanh khoản trong 3 tuần vừa qua cải thiện từ mức 3.500 tỷ đồng/phiên lên gần 4.400 tỷ đồng/phiên.
Việc thị trường đã kết thúc nhịp điều chỉnh hay chưa vẫn là câu hỏi khó khi bệnh dịch sẽ diễn tiến ra sao không thể dự báo.
Dù thị trường có yếu tố tích cực là khối ngoại mua ròng, nhưng nhà đầu tư nên chuẩn bị các kịch bản chủ động, để ứng phó cho phù hợp với diễn biến xấu nhất, nếu xảy ra.