Covid làm các nền kinh tế suy yếu đến mức nào?

Covid làm các nền kinh tế suy yếu đến mức nào?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 không chỉ giáng thẳng vào an ninh sinh mệnh của con người trên toàn cầu, mà còn khiến bức tranh tăng trưởng của nhiều nền kinh tế biến dạng.

GDP của nhiều quốc gia suy giảm

Năm 2016-2019 là giai đoạn nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng ổn định với mức độ tăng phụ thuộc vào từng quốc gia riêng biệt, nhưng 6 tháng đầu năm 2020, hiện tượng tăng trưởng âm đã xuất hiện ở nhiều quốc gia lớn trên thế giới.

Hoạt động bị ảnh hưởng mạnh nhất là thương mại toàn cầu. Dưới tác động của đại dịch, biện pháp giãn cách xã hội đã được áp dụng tại nhiều quốc gia.

Do các quốc gia châu Âu, Mỹ và Nam Mỹ có phần chủ quan trong phòng, chống dịch hơn cách mà người châu Á phản ứng, nên đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại về kinh tế và con người, cũng như tác động ngược trở lại thành làn sóng lây nhiễm thứ 2, thứ 3 đối với các quốc gia châu Á.

Tính đến ngày 3/8/2020, Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 692.000 người trên thế giới. Các hoạt động thương mại, kinh doanh, đầu tư…, chưa biết thời điểm có thể khôi phục lại khi chưa tìm ra thuốc chống lại loại virus này.

Chính những tác động tiêu cực của đại dịch trong 6 tháng đầu năm đã khiến tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn suy yếu.

Các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch như châu Âu, Mỹ chịu sự suy giảm tăng trưởng GDP mạnh hơn so với các quốc gia khu vực châu Á.

Covid làm các nền kinh tế suy yếu đến mức nào? ảnh 1

Cụ thể, tại Mỹ tăng trưởng GDP quý I/2020 là -5%, nhưng sang quý II/2020 là -32,9%. Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có tăng trưởng GDP quý I/2020 là -2,2%, nhưng tăng trưởng GDP quý II/2020 là - 10,1%...

Trong khi đó, ở châu Á, nền kinh tế Trung Quốc có GDP quý I/2020 giảm 6,8% nhưng sang quý II/2020 lại tăng 3,2% nhờ khôi phục nhanh sản xuất, kinh doanh ngay sau khi khống chế được đại dịch. Nhật Bản, Hàn Quốc cũng suy giảm tăng trưởng GDP, nhưng mức giảm nhẹ hơn so với các quốc gia khu vực châu Âu, Mỹ…

Như vậy, có thể thấy, đại dịch đã làm khó cho tất cả các nền kinh tế lớn, nhưng có sự khác biệt tạm thời giữa các quốc gia tạm khống chế được dịch với những quốc gia vẫn chưa khống chế được dịch.

Điều khó dự báo là ở các thành phố của những nền kinh tế có thành tích chống dịch tốt, khi mở cửa trở lại đang phải chứng kiến làn sóng lây nhiễm thứ 2 như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Úc…, thậm chí làn sóng lây nhiễm thứ 3 như tại Hồng Kông.

Thất nghiệp tiếp tục tăng cao, gây sức ép cho tăng trưởng

Đi kèm với hiện trạng tăng trưởng GDP âm là tỷ lệ thất nghiệp tăng lên ở nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này đang và sẽ tạo áp lực đến câu chuyện tăng trưởng tới đây.

Covid làm các nền kinh tế suy yếu đến mức nào? ảnh 2

Tại Mỹ, năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp là 3,68% nhưng tới tháng 6/2020, chỉ số này là 11,1%. Tại Trung Quốc, khi tỷ lệ thất nghiệp trong thời gian trên tăng từ 4,32% lên 5,9%. Tại Đức, tỷ lệ thấp nghiệp tăng từ 3,04% lên 6,4%; Nhật Bản tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 2,29% lên 2,8%; Hàn Quốc tỷ lệ thất nghiệp tăng 4,15% lên 4,3%…

Tỷ lệ thất nghiệp cao, đồng nghĩa với gánh nặng cao hơn đối với nền kinh tế khi một bộ phận không nhỏ người không có việc làm, điều này dẫn tới thu nhập suy giảm và tiêu dùng sẽ suy giảm.

Covid làm các nền kinh tế suy yếu đến mức nào? ảnh 3

Các chuỗi bán lẻ nộp đơn phá sản kể từ năm 2007.

Việc tiêu dùng suy giảm sẽ dẫn tới doanh số của các doanh nghiệp trong nền kinh tế khó khăn hơn, doanh nghiệp lại tiếp tục cắt giảm nhân công. Các chính phủ sẽ vừa phải chịu áp lực chi tiền hỗ trợ cho người thất nghiệp, vừa phải chịu áp lực bị suy giảm về thuế, nguồn thu chính từ doanh nghiệp, cá nhân, trong khi cần phải đẩy mạnh chi phí, hỗ trợ để kích cầu nền kinh tế.

Tình hình thất nghiệp cao, chi tiêu suy giảm chính là nguyên nhân lớn nhất  dẫn tới các chuỗi bán lẻ lớn trên toàn cầu liên tục nộp đơn xin phá sản. Theo một số dự báo, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp bán lẻ phải nộp đơn phá sản từ nay đến cuối năm.

Tín hiệu sáng duy nhất hiện nay là chỉ số PMI đang nhúc nhắc hồi phục. Sau khi nhiều quốc gia gỡ bỏ giãn cách xã hội, chỉ số PMI (chỉ số đo lường sự mở rộng hay thu hẹp của nền kinh tế, nếu trên 50 là mở rộng) dần cải thiện.

Covid làm các nền kinh tế suy yếu đến mức nào? ảnh 4

Bản đồ tương quan PMI Mỹ và Trung Quốc.

Trong đó, chỉ số PMI của Trung Quốc trong tháng 7 là 51,1, cao hơn tháng 6 là 50,9. Trong khi đó, chỉ số PMI của Mỹ là 51,3 trong tháng 7; tháng 6 là 49,8; tháng 5 là 36,1.

PMI có dấu hiệu hồi phục, nhưng tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới dự báo sẽ thấp và âm ở nhiều quốc gia cho thấy khó khăn vẫn chồng chất phía trước.

Các tổ chức lớn như Bloomberg, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều có quan điểm tương đồng về khó khăn trong năm 2020 và dự báo nền kinh tế chỉ hồi phục từ năm 2021.

Cụ thể, Bloomberg dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm 3,7% trong năm 2020, hồi phục trở lại 5% trong năm 2021 và tiếp tục tăng 3,3% trong năm 2022; WB dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020 là -5,2%, năm 2021 là +4,2%; IMF dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 là -3%, năm 2021 là +5,8%...

Tại Việt Nam, tăng trưởng GDP quý II/2020 ở mức 0,36%, thấp nhất kể từ 2011. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng chỉ đạt 1,81%.

Sang tháng 7, bức tranh kinh tế của Việt Nam vừa công bố cho thấy nhiều nét kém sáng, với sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu… đều đi ngang hoặc suy giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, riêng đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng mạnh, tháng 7/2020 ước tính đạt 45.700 tỷ đồng, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 203.000 tỷ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 41,6% và tăng 4,7%).

Với việc đại dịch Covid-19 đang có dấu hiệu quay lại và lan rộng, câu chuyện tăng trưởng tới đây của kinh tế Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều thách thức lớn hơn.

Tin bài liên quan