Ảnh Internet

Ảnh Internet

Vụ kiện dự án Hillstate - Hà Đông: Gian nan con đường hòa giải

(ĐTCK) Vụ kiện giữa một khách hàng và chủ đầu tư dự án Hillstate - Hà Đông đã khép lại theo hướng hòa giải. Nhưng để có được kết quả này, các bên đã phải trải qua gần 6 năm kiện tụng.

Tranh chấp khởi nguồn từ việc bà Dương Thị Mai T. và Công ty TNHH Huyndai RNC Hà Tây  - chủ đầu dự án Hillstate Villa 1 tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội, ký hợp đồng mua bán 01 căn biệt thự tại đây, diện tích đất 188,88 m2, diện tích sàn xây dựng 376 m2, giá trị 11,4 tỷ đồng.

Hợp đồng quy định, bên mua thanh toán 70% giá trị hợp đồng, tương đương 7,7 tỷ đồng. Số tiền còn lại được thanh toán ngay sau khi bàn giao nhà. Chủ đầu tư dự kiến sẽ bàn giao vào tháng 10/2011. Khi nghiệm thu, bà T. nhận thấy công trình không đúng với kiến trúc và kết cấu nên gửi đơn phản ánh chủ đầu tư sửa chữa, khắc phục.

Cụ thể, công trình chưa đáp ứng đủ điều kiện nghiệm thu và sai phạm về kiến trúc, kết cấu, thiếu thẩm mỹ như tường nghiêng, chia ô chưa đều, vẹo vọ, trần bong, sàn bê tông không đủ chiều dày, chênh lệch so với hợp đồng, phần liên kết giữa dầm sai thiết kế, đường chỉ trang trí không thẳng…

Mặt khác, chủ đầu tư tự ý thi công các công trình công cộng trên đất riêng (diện tích bị chiếm dụng là 19,21 m2). Mặt tiền bên ngoài căn biệt thự có một phần diện tích trước mặt được lát gạch block có công năng sử dụng như vỉa hè. Trên diện tích này, một số chỗ trồng cây xanh, lắp cột camera, cột đèn chiếu sáng. Dưới phần diện tích trước nhà, chủ đầu tư đã chôn một số công trình hạ tầng kỹ thuật như hệ thống đường cáp điện, hệ thống ống nhựa đi chìm và hố ga của hệ thống thông tin.

Đến ngày 5/2/2013, khi đã quá hạn bàn giao nhà nhưng chủ đầu tư không thực hiện, bà T. đã hoãn thanh toán đợt tiền cuối cùng. Chủ đầu tư lấy lý do khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán để đơn phương chấm dứt hợp đồng. Do đó, bà T. đã khởi kiện chủ đầu tư ra tòa án. Năm 2016, bản án sơ thẩm tuyên bố quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng của chủ đầu tư là trái pháp luật và phải tiếp tục thực hiện hợp đồng, bàn giao nhà. Đồng thời, phải bồi thường thiệt hại do chậm bàn giao nhà và phần đất chiếm dụng tổng cộng là hơn 6,3 tỷ đồng.

Sau bản án, chủ đầu tư đã kháng cáo. Bản án phúc thẩm lần 1 đã tuyên theo hướng giải quyết trên và buộc khách hàng phải thanh toán nốt số tiền 3 tỷ đồng theo hợp đồng mua bán nhà. Chủ đầu tư tiếp tục gửi đơn khiếu nại giám đốc thẩm. Năm 2017, quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy 2 bản án trên để xét xử lại từ đầu.

Năm 2018, bản án sơ thẩm lần 2, tòa án tuyên không chấp nhận đơn khởi kiện của bà T. về việc hủy thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán nhà của chủ đầu tư, bác yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại và hoàn thiện các hạng mục di dời công trình ngầm. Lần này, đến lượt bà T. kháng cáo bản án này.

Trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm lần 2, vào ngày 15/10/2018, các bên đã ký bản thỏa thuận sửa đổi hợp đồng mua bán nhà lần 2, biên bản bàn giao nhà ở và biên bản thanh lý hợp đồng mua bán nhà ở ngày 19/10/2018.

Theo nội dung thỏa thuận, các bên thực hiện hoàn tất hợp đồng mua bán nhà ở năm 2010, thống nhất giá trị nhà được điều chỉnh từ 11 tỷ đồng xuống 7,7 tỷ đồng. Ngày 19/10/2018, bà T. đã trả đủ tiền, tiếp nhận, quản lý, sử dụng ngôi biệt thự trên. Năm 2019, tòa án ghi nhận sự thỏa thuận này. Khi bản án có hiệu lực, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản cho khách hàng. Từ đó, vụ việc mới chính thức khép lại.

Thực tế cho thấy, khi xảy ra tranh chấp, các bên thường cung cấp và căn cứ vào chứng cứ pháp lý để tập trung tấn công đối phương. Tuy nhiên, quá trình tố tụng thường phải trải qua nhiều giai đoạn và các bên có thể không cung cấp hết các chứng cứ, hoặc chờ đến một thời điểm nhất định mới xuất trình chứng cứ quan trọng.   

Tòa án luôn khuyến khích đương sự hòa giải và đối thoại

Đây là lý do một bản án có thể bị hủy theo quyết định kháng cáo, hoặc giám đốc thẩm và tình thế vụ việc có thể xoay chuyển theo hướng hoàn toàn ngược lại. Rủi ro tố tụng có thể xảy ra mà các đương sự có thể không lường hết. Do đó, tòa án luôn khuyến khích đương sự hòa giải và đối thoại.

Luật sư Hoàng Văn Hướng (Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng) cho biết, hòa giải là nguyên tắc xuyên suốt trong vụ án dân sự, từ giai đoạn tiền tố tụng, trong tố tụng, quá trình giải quyết sơ thẩm, phúc thẩm, thi hành án dân sự. Bất kể hệ thống pháp luật quốc gia nào cũng tôn trọng tuyệt đối thỏa thuận của các chủ thể.

Hiện tại, tòa án nhân dân tối cao đang xây dựng và lấy ý kiến về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án để khuyến khích các bên giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính bằng hình thức hòa giải, đối thoại trực tiếp, trực tuyến hoặc cách thức khác. Việc hòa giải cũng đảm bảo tính bảo mật thông tin tuyệt đối vì trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản. Việc lập biên bản chỉ thực hiện để ghi nhận kết quả.

Tin bài liên quan