Chậm triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Kon Tum

Chậm triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Kon Tum

Kỳ vọng của tỉnh Kon Tum về phát triển huyện Kon Plông thành một khu vực nông nghiệp công nghệ cao tầm cỡ khó trở thành hiện thực khi nhiều dự án trong lĩnh vực này chưa thể triển khai theo kế hoạch…

Chậm triển khai

Với khí hậu đặc trưng xứ lạnh, tương tự Sa Pa và Đà Lạt, huyện Kon Plông được tỉnh Kon Tum kỳ vọng rất nhiều về việc hình thành một khu nông nghiệp công nghệ cao tầm cỡ. Để làm được điều này, tỉnh Kon Tum đã tập trung xúc tiến đầu tư, tạo nhiều điều kiện thuận lợi, áp dụng các cơ chế ưu đãi nhất theo quy định pháp luật nhằm thu hút đầu tư.

Trên thực tế từ năm 2015 đến nay, đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến khảo sát và đăng ký đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Kon Plông. Theo báo cáo của UBND huyện Kon Plông, trên địa bàn huyện có tổng số 96 dự án đã được đăng ký đầu tư.

Kết quả trên được xem là khá ấn tượng, nhưng có một thực tế là quá trình triển khai của không ít dự án không đạt như kỳ vọng. Nhiều dự án có tiến độ thực hiện chậm, nhà đầu tư chỉ mới triển khai một phần hoặc chỉ vài hạng mục nhỏ lẻ. Cũng có không ít dự án đã đăng ký đầu tư, nhưng chưa triển khai.

Chẳng hạn, Dự án Trồng rau sạch và các loại hoa chất lượng cao của Công ty TNHH một thành viên Măng Đen - Villa tại Tiểu khu 482, xã Măng Cành có tổng diện tích 106 ha, tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng. Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2013, nhưng đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa nộp hồ sơ thuê đất để triển khai Dự án.

Các chính sách về đất đai, mà cụ thể là quy định chuyển đổi đất rừng, là một trong những “rào cản” khiến doanh nghiệp khó hoặc không thể triển khai Dự án.   

Với quy mô 105,9 ha, tổng vốn đầu tư 30 tỷ đồng, Dự án Trồng cây việt quất dưới tán rừng tại thôn Măng Đen, xã Đăk Long của Công ty TNHH Kon Tum Bellest được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 11/2016, dự kiến triển khai vào quý IV/2016 và hoàn thành vào quý II/2017. Tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư vẫn trong giai đoạn phối hợp với đơn vị tư vấn trong công tác đánh giá, đo đạc địa chính về đất và rừng.

Ngoài ra, Dự án Bảo tồn sim rừng của Công ty TNHH Sim Thiên Sơn tại các xã Hiếu, xã Pờ Ê, xã Đăk Long có quy mô 465,72 ha, trong đó diện tích vườn ươm và mô hình mẫu là 65,72 ha, diện tích bảo tồn sim rừng tự nhiên 400 ha (không giao quyền sử dụng đất phần này). Dự án có tổng vốn đầu tư 36,42 tỷ đồng, dự kiến triển khai trong vòng 2 năm 2014 - 2016, nhưng đến nay vẫn án binh bất động…

Vướng thủ tục về đất

Lý giải về tình trạng trên, một số nhà đầu tư cho rằng, bên cạnh những khó khăn từ phía doanh nghiệp, thì các chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai, mà cụ thể là quy định chuyển đổi đất rừng, là một trong những “rào cản” khiến doanh nghiệp khó hoặc không thể triển khai dự án.

Theo ông Nguyễn Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên Măng Đen - Villa, Dự án Trồng rau sạch và các loại hoa chất lượng cao của Công ty bị chậm triển khai là do phần đất được cấp chứng nhận đầu tư (106 ha) bị trùng phần diện tích đất rừng. Trong khi đó, những thủ tục để chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất đã “vượt tầm” xử lý của cả địa phương và doanh nghiệp, nên suốt nhiều năm, Dự án không thể triển khai được.

“Địa phương tạo điều kiện tốt, nhưng vướng mắc của Dự án là từ chính sách ở cấp Trung ương, nên cả tỉnh và doanh nghiệp đều không thể giải quyết được. Có lẽ chúng tôi phải rút lui và nghiên cứu đầu tư một dự án với quy mô nhỏ hơn”, ông Đạt chia sẻ.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Nhiệm, Giám đốc Công ty TNHH Sim Thiên Sơn cho biết, Dự án Bảo tồn sim rừng của Công ty vẫn đang bị “ách tắc” do hạng mục quan trọng nhất là khu vườn ươm và mô hình mẫu 65,72 ha chưa được địa phương giao đất. Do vậy, nhà đầu tư không thể triển khai Dự án theo đúng tiến độ quy định.

Theo Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ, các dự án không được chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên hiện có, trừ các dự án quan trọng được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên diện tích đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp không có rừng tự nhiên vẫn được thực hiện thủ tục cho thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

“Đối với các dự án thuê rừng để quản lý, bảo vệ rừng bền vững và sản xuất nông lâm kết hợp và kinh doanh du lịch dưới tán rừng của tổ chức, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giải quyết theo đúng thủ tục hành chính hiện hành theo hướng rút ngắn thời gian giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Trung Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum nói.

Ông Nguyễn Đình Bắc, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum cho biết, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đang tiến hành rà soát lại các dự án trên địa bàn tỉnh, nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, cũng như đôn đốc các dự án chậm tiến độ. “Qua đợt thanh tra này, Sở sẽ xem xét tham mưu UBND tỉnh có những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư”, ông Bắc nói.

Tin bài liên quan