Thừa Thiên Huế vẫn giữ vị thế là một trong những đầu tàu về du lịch của Miền Trung.

Thừa Thiên Huế vẫn giữ vị thế là một trong những đầu tàu về du lịch của Miền Trung.

Du lịch Huế từng bước vươn tầm khu vực

Không chỉ là trung tâm di sản của Miền Trung, Thừa Thiên Huế đang nổi lên như là điểm đến mới hấp dẫn của du lịch nghỉ dưỡng nhờ làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào ngành du lịch của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Giữ vị thế đầu tàu du lịch Miền Trung

Năm 2017, Thừa Thiên Huế đón 3,8 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm gần một nửa với 1,5 triệu lượt. Doanh thu du lịch đạt khoảng 3.520 tỷ đồng, doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt gần 8.800 tỷ đồng…

Trong năm 2018, Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu đón khoảng từ 4-4,2 triệu lượt khách, tăng 10-12% so với năm 2017. Riêng trong 10 tháng đã qua của năm 2018, tổng lượng khách đến Huế ước đạt 3,7 triệu lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 1,55 triệu lượt – vượt mức cả năm 2017. Tổng doanh thu từ du lịch cả 10 tháng đạt 3.710 tỷ đồng.

Như vậy, nếu tính chung trên bình diện thị trường du lịch các tỉnh Miền Trung, Thừa Thiên Huế vẫn được xem là địa phương nằm ở vị thế “top đầu”, là điểm đến ưa thích của du khách trong nước và quốc tế.

Theo Sở Du lịch  tỉnh Thừa Thiên Huế từ đầu năm đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều hoạt động đẩy mạnh thu hút khách du lịch như: Thực hiện chiếu sáng mỹ thuật Kỳ Đài Huế, bắn thử nghiệm súng thần công tại Kỳ Đài, tạo thêm các dịch vụ ẩm thực, bán hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch. Mở rộng các khu ẩm thực kết hợp với hoạt động nghệ thuật cộng đồng ở một số khu vực trên đường Lê Lợi, khu phố đêm Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu, Chu Văn An...  Khai thác tốt tour du lịch "Huế - một điểm đến 5 di sản" để thu hút khách du lịch. Đáng chú ý, bên cạnh việc đẩy mạnh quảng bá điểm đến, ngành du lịch Thừa Thiên Huế còn liên kết với các địa phương trong khu vực khai thác tốt tour du lịch "Con đường di sản miền Trung". 

Về công tác xúc tiến du lịch, Thừa Thiên Huế tập trung nâng cấp website du lịch Thừa Thiên Huế với hai thứ tiếng Việt và Anh; liên kết với website quảng bá du lịch của Tổng cục Du lịch, các địa phương trong cả nước và các thành phố quốc tế có mối quan hệ hợp tác phát triển du lịch với tỉnh để cung cấp thông tin, quảng bá du lịch Thừa Thiên Huế; quảng bá du lịch trên trang mạng về du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor với sự đồng hành của các doanh nghiệp Thừa Thiên Huế và các trang mạng xã hội Facebook, Youtube, Instagrams... Tham gia các chương trình xúc tiến du lịch, giới thiệu điểm đến Việt Nam ở nước ngoài như: Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Diễn đàn Du lịch ASEAN – ATF ở Chiang Mai-Thái Lan, tại Hội chợ ITB Berlin – Đức,  tại Hội chợ ITB Singapore; tại hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà nội 2018, Hội chợ Du lịch Quốc tế ITE Thành phố Hồ Chí Minh 2018 và Lễ hội Văn hóa - Du lịch Việt Nam tại Nhật Bản,

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết:“ Điểm nhấn của công tác xúc tiến quảng bá phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế trong năm 2018 là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, về Festival Huế 2018 tại các hội chợ, triên lãm, sự kiện chính trị lớn trong nước và quốc tế nhằm góp phần thực hiện thành công Festival 2018; đồng thời tích cực giới thiệu các sản phẩm du lịch mới, điểm nhấn du lịch mới nổi bật tại Thừa Thiên Huế.”

Sự tham gia của nhà đầu tư, doanh nghiệp

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Dung cho biết, hoạt động du lịch Thừa Thiên Huế đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tạo tiền đề để xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hoá, du lịch đặc sắc của cả nước.

Tuy vậy, Phó chủ tịch Nguyễn Dung cho rằng:“ Du lịch Thừa Thiên Huế hiện nay tuy có tốc độ phát triển ổn định nhưng chất lượng vẫn chưa cao và vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như: dịch vụ du lịch chưa đa dạng, phong phú; các điểm vui chơi, giải trí, trung tâm mua sắm chưa được đầu tư đúng mức; thời gian lưu trú của du khách chưa cao; sự gắn kết giữa văn hoá, di sản với phát triển du lịch chưa đạt hiệu quả chưa như mong muốn; cơ sở hạ tầng đầu tư cho du lịch chưa tương xứng…Đây chính là những thách thức cho sự phát triển của ngành du lịch Thừa Thiên Huế và cũng là những vấn đề mà lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở trong quá trình chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh nhà.”

TP Huế, thành phố di sản thế giới. 

Theo Phó Giám đốc sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc, trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục tập trung xây dựng Chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch trung hạn và dài hạn, mở rộng thu hút đầu tư và phát triển thị trường khách du lịch trong nước, quốc tế. Đặc biệt là kêu gọi và có chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư chiến lược vào Thừa Thiên Huế.

Có thể nói, sự tham gia của các nhà đầu tư và doanh nghiệp vào lĩnh vực du lịch sẽ là một trong những “chìa khóa” để ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế khai thác được những tiềm năng thế mạnh của mình. Đặc biệt đối với lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng.

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT Thừa Thiên Huế, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang có những dự án trọng điểm vào lĩnh vực du lịch như Tập đoàn Banyan Tree đầu tư giai đoạn 2 dự án Laguna Lăng Cô trong đó bổ sung hoạt động kinh doanh casino, đầu tư thêm khách sạn 5 sao 300 phòng, phòng hội nghị, 50 cửa hàng bán lẻ, 249 căn biệt thự nghỉ dưỡng…Và không thể không kể đến 2 dự án khu dịch vụ du lịch và sân golf, tại xã Vinh Xuân - Vinh Thanh, huyện Phú Vang của Tập đoàn BRG và FLC. Hai dự án này được xác định là 2 dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 với tổng diện tích hơn 470 ha, trong đó tập đoàn FLC 220ha và tập đoàn BRG 250ha.

Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở KH&ĐT Thừa Thiên Huế, hiện nay, 2 dự án này đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng phương án bồi thường và di dân tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh giám sát tiến độ các dự án để phát hiện và  xử lý những vướng mắc cũng như hỗ trợ cho chủ đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình, hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.

Một dự án khác là khu nghỉ dưỡng quốc tế World Shine (Minh Viên Lăng Cô) của Công ty cổ phần quốc tế Minh Viễn (Tổng vốn đầu tư các giai đoạn khoảng 1 tỷ USD), sau khi điều chỉnh vị trí mới, dự án cũng đã và đang chuẩn bị được triển khai thực hiện. Như vậy, với việc các dự án đã và đang triển khai, du lịch Huế sẽ có thêm hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch chất lượng cao, hiện đại, tạo thêm động lực góp phần thúc đẩy du lịch Huế vươn tầm.

Tin bài liên quan