Nhà máy Xi măng Long Sơn (Thanh Hóa) đã được cho phép đầu tư giai đoạn II với công suất 4,6 triệu tấn/năm.

Nhà máy Xi măng Long Sơn (Thanh Hóa) đã được cho phép đầu tư giai đoạn II với công suất 4,6 triệu tấn/năm.

Đua đầu tư dự án xi măng: Doanh nghiệp sẽ phải chen nhau bán hàng

Xi măng Long Sơn (Thanh Hóa) vừa được chấp thuận đầu tư giai đoạn II, với dây chuyền xi măng 3 và 4, công suất trên 4,5 triệu tấn, khiến cuộc cạnh tranh bán hàng thêm nóng.

Nâng công suất “khủng”

Chính phủ vừa đồng ý để Công ty TNHH Long Sơn thực hiện đầu tư giai đoạn II, Nhà máy Xi măng Long Sơn, với 2 dây chuyền 3 và 4, mỗi dây chuyền có sông suất là 2,3 triệu tấn xi măng/năm, kết hợp xử lý rác thải bảo vệ môi trường và tạo ra các sản phẩm xi măng chất lượng cao, xi măng chịu mặn bền sunfat phục vụ xây dựng các công trình ven biển và hải đảo.

Thời gian đưa vào vận hành dây chuyền số 3 trong năm 2020 và dây chuyền số 4 trong năm 2021.

Bộ Xây dựng được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thanh Hóa giám sát Dự án thực hiện theo đúng quy định về đầu tư, xây dựng, môi trường, sản phẩm và các quy định có liên quan.

Tại thời điểm này, ngành xi măng đang có 82 dây chuyền sản xuất xi măng lò quay, tổng công suất thiết kế 99 triệu tấn xi măng theo cách tính 80% clinker +20% phụ gia, tuy nhiên, khả năng sản xuất có thể đạt 113 triệu tấn nếu theo cách tính 70% clinker + 30% phụ gia.    

Nhà máy Xi măng Long Sơn do Công ty TNHH Long Sơn làm chủ đầu tư,  được xây dựng tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn từ năm 2014. Thời gian đầu tư cả 2 dây chuyền rất thần tốc, chưa đầy 3 năm.

Dây chuyền 1 được đưa vào vận hành năm 2016, có công suất 2,3 triệu tấn xi măng/năm, tương đương 6.000 tấn clinker/ngày. Sau 1 năm đưa dây chuyền 1 vào hoạt động, Công ty TNHH Long Sơn đưa tiếp Dây chuyền 2 với công suất tương đương đi vào hoạt động cuối năm 2017.

Như vậy, với việc được chấp thuận mở rộng đầu tư giai đoạn II, khi hoàn thành đầu tư, theo lộ trình, đến cuối năm 2021, Nhà máy Xi măng Long Sơn sẽ có tổng cộng 4 dây chuyền, với tổng công suất trên 9 triệu tấn xi măng/năm.

Đến thời điểm này, riêng các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có công suất khoảng 20 triệu tấn, với sự góp mặt của các “ông lớn” như: Xi măng Công Thanh (6 triệu tấn); Vicem Bỉm Sơn (3,8 triệu tấn), Nghi Sơn (4,3 triệu tấn)…

Nỗi lo dư cung

Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), tiêu thụ sản phẩm xi măng trong 11 tháng của năm 2018 đã cán đích sâu so với mục tiêu kế hoạch đề ra, đạt 94,97 triệu tấn, tăng 44% so với cùng kỳ và đạt 112% kế hoạch năm 2018. Trong đó, tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa là 66 triệu tấn, đạt mục tiêu kế hoạch của cả năm; xuất khẩu xi măng đã vượt xa so với kế hoạch đề ra khi đạt 28,97 triệu tấn sản phẩm (kế hoạch năm 2018 xuất khẩu từ 18-20 triệu tấn sản phẩm).

Có lẽ, đây cũng là lý do khiến nhiều nhà đầu tư hăm hở nhảy vào làm xi măng. Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản Đại Dương cũng muốn xây dựng một nhà máy xi măng thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa). Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 4.200 tỷ đồng, chia thành 2 giai đoạn với tổng công suất 12.000 tấn clinker/ngày, tương đương 4 triệu tấn xi măng/năm.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho hay, dù tiêu thụ xi măng (nội địa lẫn xuất khẩu) trong năm 2018 khá tốt, nhưng thị trường không phải lúc nào cũng thuận lợi. Hiện có 4-5 dây chuyền lớn được đầu tư xây dựng, các doanh nghiệp xi măng sẽ phải cạnh tranh khốc liệt để bán hàng.

Cung xi măng thực tế hiện đã dư so với nhu cầu, nhưng do kênh xuất khẩu đang giúp tiêu thụ gần 30 triệu tấn, còn khả năng tiêu thụ nội địa chỉ vào khoảng 70 triệu tấn.

Vấn đề dư cung sẽ phát lộ rõ khi xuất khẩu gặp khó khăn, bởi nếu tính các dự án đang tiến hành đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm 2019, tổng công suất thiết kế toàn ngành đã lên đến gần 110 triệu tấn/năm. Chưa kể, các nhà máy xi măng đã đi vào sản xuất cũng không ngừng đầu tư cải tiến kỹ thuật, công nghệ, nên năng lực sản xuất thực tế đến năm 2020 có thể lên tới hơn 120 triệu tấn/năm.

Đơn cử, các dự án đã được phép đầu tư đều có công suất rất lớn, gồm: Xi măng Sông Lam dây chuyền 3,4 (giai đoạn II) của Tập đoàn The Vissai, công suất 3,8 triệu tấn/năm; Xi măng Kaitô Hà Tiên tại Bình Phước của ThaiGroup, với công suất 4,5 triệu tấn; Xi măng Tân Thắng tại Hoàng Mai (Nghệ An), công suất 1,8 triệu tấn/năm. Các dự án này dự kiến đưa vào sản xuất sau năm 2018.

Hiệp hội đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo giãn tiến độ đầu tư các dự án xi măng từ nay đến năm 2025 để giảm áp lực cho ngành xi măng.

Được biết, đề nghị đầu tư dây chuyền xi măng của Công ty Đại Dương chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận, do lo ngại công suất sản xuất xi măng của cả nước dư thừa so với nhu cầu.

Tin bài liên quan