Cách mạng 4.0: “Vũ khí” tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Cách mạng 4.0: “Vũ khí” tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp

(ĐTCK) Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những ứng dụng công nghệ đột phá trên nhiều lĩnh vực được dự báo sẽ tạo ra thị trường tiềm năng với doanh số hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD trên quy mô khu vực và quốc tế trong thời gian ngắn. Đây là những cơ hội rộng mở để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận, nếu tận dụng được các tác động tích cực, làm “vũ khí” gia tăng năng lực cạnh tranh.

Thị trường tiềm năng hàng nghìn tỷ USD

Trong báo cáo mới đây, Bain & Co. dự báo, đến năm 2025, các nền kinh tế Đông Nam Á có thể tăng thêm 1.000 tỷ USD nếu như tận dụng tốt các cơ hội do thương mại điện tử và nền kinh tế số nói chung mang lại.

Ở quy mô hẹp hơn, nghiên cứu của Google và Temasek về kinh tế số cho thấy, đến năm 2025, ngành thương mại điện tử, đặt phòng qua Internet, nội dung số bao gồm quảng cáo, trò chơi, phần mềm trên các chợ ứng dụng… có thể đem lại cho các nền kinh tế ASEAN khoảng 200 tỷ USD.

Riêng Việt Nam, theo tính toán ban đầu được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra, đến năm 2030, nền kinh tế sẽ có thêm khoảng 20 - 30 tỷ USD so với việc không ứng dụng công nghệ, chiếm khoảng 6 - 7% GDP. Tốc độ tăng trưởng GDP cũng được góp thêm 1 - 1,5% từ việc ứng dụng này.

“Hiện nay, chúng ta mới đánh giá được khía cạnh chuyển đổi, chứ chưa tính được nhân tố mới xuất hiện. Dự đoán, nếu áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0 với mức độ cải cách bình thường, thì GDP đến năm 2030 có thể tăng thêm 30 tỷ USD so với năm 2016.

Hy vọng, với sự đột phá, ứng dụng rộng rãi cách thức kinh doanh và công nghệ mới tạo ra sản phẩm mới và nâng cao năng suất lao động, sẽ giúp tốc độ tăng trưởng tăng từ 6,5% lên 7%”, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nói.

Theo nghiên cứu của CIEM, nền kinh tế số sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu và gia tăng các lợi thế nếu tận dụng được các tác động tích cực. Đối với các lĩnh vực thiết yếu như công nghiệp chế tạo, logistic, nông nghiệp, dệt may, áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp thay đổi quy trình hiện hành, giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng.

Nhờ đó, năng lực cạnh tranh, khả năng huy động vốn của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng đáng kể. Ngược lại, các ngành sẽ chịu tác động tiêu cực, tăng trưởng âm là các ngành sử dụng nhiều lao động, dệt may là một ví dụ, nếu không có những ứng công nghệ để gia tăng năng suất.

Trên bình diện chung, nghiên cứu mới đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chỉ ra rằng, ngay từ năm 2018, một số công nghệ như robot tiên tiến, vận tải tự động, trí tuệ nhân tạo và một số công nghệ khác sẽ được đưa vào sử dụng ở quy mô công nghiệp và dự kiến có những thay đổi đột phá về việc làm.

Kinh tế số trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ở nhiều nước, lao động sáng tạo sẽ ngày càng chiếm vị trí chủ đạo trong lực lượng lao động xã hội; trong trung và dài hạn sẽ tác động trực tiếp và nhiều nhất đến các ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động kỹ năng thấp (lắp ráp, dịch vụ, dệt may…) do lao động dần được thay thế bởi tự động hóa, robot thông minh. WEF dự báo, công nghệ mới sẽ thay thế khoảng 7,1 triệu lao động trên thế giới từ nay đến năm 2020. 

Sự chuẩn bị của các doanh nghiệp Việt

Một khảo sát gần đây của Bộ Công thương về tính sẵn sàng ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp ở khối thương mại và dịch vụ được đánh giá có trình độ tiếp cận công nghệ số và tính sẵn sàng cao hơn.

Doanh nghiệp trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, logistics, du lịch, bảo hiểm đã và đang ứng dụng mạnh công nghệ số trong hiện đại hoá quy trình kinh doanh.

Nghiên cứu của WEF trong khuôn khổ “Sáng kiến chuyển đổi số - DTI” chỉ ra một xu thế rất đáng chú ý là 7 công nghệ đang và sẽ thay đổi nền sản xuất của thế giới bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), xe tự lái, phân tích dữ liệu lớn và điện toán đám mây, công nghệ in 3D, Internet vạn vật và các thiết bị kết nối, robot, mạng xã hội, đang được các doanh nghiệp nghiên cứu và bắt đầu đưa vào ứng dụng tại Việt Nam.

Những dấu hiệu tích cực đã được Viện trưởng CIEM chỉ ra từ những “hiện tượng kinh tế mới” đang xuất hiện ngày càng nhiều trong khu vực kinh tế tư nhân. Đó là những doanh nghiệp tư nhân lớn không dừng lại ở kinh doanh bất động sản, mà mở rộng hoạt động sang những lĩnh vực sản xuất đa dạng, từ nông nghiệp đến công nghiệp.

Thậm chí, có những doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển để nghiên cứu các ứng dụng mới nhất của xu thế cách mạng công nghệ trên thế giới, đưa vào áp dụng tại Việt Nam, cũng như tạo dựng các quỹ đầu tư dành cho khởi nghiệp sáng tạo.

Với những doanh nghiệp tiên phong này, họ có xu hướng lựa chọn các ứng dụng công nghệ cao, kết nối chuỗi giá trị sản xuất, đặc biệt là kết nối giữa các doanh nghiệp đầu chuỗi và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Viettel là một câu chuyện điển hình về ứng dụng công nghệ thông minh vào phát triển doanh nghiệp, đưa Viettel từ một doanh nghiệp không có tên tuổi trở thành một trong những tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất của Việt Nam và khu vực.

Trong lĩnh vực dịch vụ, đánh giá về việc ứng dụng công nghệ AI vào quy trình thực tế của Vietnam Airlines, ông Dương Chí Thành, đại diện Tổng công ty cho biết, ngành hàng không đã áp dụng AI vào thực tế từ lâu. Hàng triệu dữ liệu của động cơ máy bay đều có hệ thống phân tích và dự báo về tình hình hoạt động.

Các hoạt động khác trong hệ thống như quản lý đặt chỗ, quản lý bán vé cũng đã áp dụng công nghệ AI và dữ liệu lớn (big data) từ lâu nay để phục vụ khách hàng.

Ở khu vực tư nhân, Vingroup là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng công nghệ 4.0. Với kinh nghiệm dày dạn và tiềm lực đã đủ lớn mạnh, khi có ý tưởng và phương thức kinh doanh mới, Vingroup được đánh giá là có thể huy động vốn để đầu tư phát triển thành hiện thực.

“Dù chưa nhìn thấy doanh nghiệp nào đạt tới tầm cỡ có thể dẫn dắt cuộc chơi về công nghệ trên thị trường toàn cầu, song những đặc điểm mới, tích cực này cho thấy, doanh nghiệp Việt đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về cuộc cách mạng 4.0, coi đây là vũ khí để gia tăng sức cạnh tranh, xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh mới, giúp họ tiến nhanh hơn, bắt nhịp với cuộc đua công nghệ trên toàn cầu để vươn lên phát triển”, ông Nguyễn Đình Cung nhìn nhận. 

“Làm ngược” để thành công

Theo GS Nguyễn Mại, doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động trực tiếp của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội, đổi mới nhanh công nghệ và mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường thì tăng trưởng nhanh và có hiệu quả cao. Ngược lại, nếu “lạc nhịp” sẽ kinh doanh thua lỗ, thậm chí phá sản.

“Từ tổng quát nhất để mô tả cách mạng 4.0 là làm ngược. Công cụ 4.0 chủ yếu hỗ trợ cho việc làm khác đi. Còn nếu cứ làm giống những người đi trước, mãi mãi sẽ không có cơ hội bứt phá. Đối với việc đào tạo nguồn nhân lực, cần đề ra mục tiêu cao hơn, khó hơn mà nhiều người nghĩ là không thể thì mới tạo ra được sự khác biệt”, GS Nguyễn Mại gợi mở.

Dẫn kết quả nhiều nghiên cứu của thế giới, GS Nguyễn Mại cho rằng, để thay đổi, bắt nhịp với cách mạng 4.0, quan trọng là đổi mới tư duy theo hướng sáng tạo, cũng cần vốn đầu tư nhưng không phải vượt quá khả năng của đại bộ phận doanh nghiệp, bởi vì ứng dụng công nghệ AI, IoT, Robotic, AR, VRR, Blockchain, Big Data đòi hỏi chi phí không nhiều.

GS Jason Furman, Đại học Harvard (Mỹ) cho rằng, câu chuyện thành công phụ thuộc vào việc tìm đúng được điểm đột phá để có thể tạo ra bước nhảy vọt mang tính cách mạng. Về mặt cơ chế vận hành, các chính sách và thể chế đột phá cần được xây dựng và áp dụng theo hướng tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tư nhân được bình đẳng tham gia xây dựng các dự án công nghệ cao.

Đặc biệt, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp tự do sáng tạo, phát triển các giải pháp, ý tưởng và thu hút nguồn lực trí tuệ.

Tin bài liên quan