Nắm bắt xu hướng và văn hóa sẽ giúp các thương hiệu tiếp cận tốt hơn với khách hàng qua các TVC Tết. Ảnh: Internet.

Nắm bắt xu hướng và văn hóa sẽ giúp các thương hiệu tiếp cận tốt hơn với khách hàng qua các TVC Tết. Ảnh: Internet.

Hottrend nào cho quảng cáo Tết?

(ĐTCK) Mùa Tết năm nay, music marketing và phim ngắn đang là xu hướng của các nhãn hàng lớn.

Đổi món cho công chúng

Mùa Tết về, cũng là lúc các doanh nghiệp cho thấy năng lực làm TVC quảng cáo. Đây cũng là thời điểm để các copywriter thể hiện khả năng đưa ra các ý tưởng đột phá, sáng tạo.

Gần cuối năm, Novaland đã đổi món cho khán giả khi giới thiệu dự án NOVALAND HILLS MŨI NÉ RESORT & VILLAS. TVC được thực hiện dưới dạng một clip ca nhạc, với sự góp mặt của nam ca sĩ Bằng Kiều, người biết đến với chất giọng tenor cao vút, người sở hữu giọng hát 3 quãng 8 lên cao mà vẫn trong vắt, mượt mà.

Điều đáng nói, qua TVC quảng cáo mà như một mini phim ca nhạc này, Novaland đã kể về dự án bằng ngôn ngữ hình ảnh đẹp, tình và rất thơ. Bài hát “Chuyện lạ” do chính Bằng Kiều sáng tác được sử dụng trong cả TVC cũng mang một ý nghĩa ẩn dụ lớn.

 TVC được thực hiện như một bộ phim ca nhạc.
Chuyện lạ, một trong những bài hát “tán gái” nổi tiếng nhất được Bằng Kiều sáng tác khi bị “cảm nắng” Trizie Phương Trinh. Bài hát từng được nam ca sĩ nhờ nhạc sĩ Dương Thụ góp ý và sửa. Sau này, cũng là một trong những bài hát do ca sĩ này sáng tác được yêu thích. Lần này, bản phối mới vẫn giữ được chất tự sự vốn có, như “linh hồn” các bài hát của Kiều, nhưng dường như cũng ngầm truyền một thông điệp, khách hàng sẽ bị đốn tim bởi Hills Mũi Né Resort & Villas, như Kiều trước đây từng bị như vậy trước một người con gái đẹp. 

Nhận xét về xu hướng sử dụng music marketing, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc điều hành DigiPencil MVV, đơn vị triển khai nhiều dự án music marketing từng chia sẻ với phóng viên: “Ngày nay, các doanh nghiệp đã chú ý nhiều hơn đến hoạt động marketing bằng âm nhạc, lĩnh vực bất động sản cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, mức độ quan tâm đang khác nhau, doanh nghiệp này là sự khởi đầu cho hướng đi, doanh nghiệp khác lại mang tính chiến thuật cho dự án”.

Còn nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, người từng thành công với các chiến dịch marketing thương hiệu cho nhiều doanh nghiệp lại bật mí với phóng viên: “Do đặc thù, khách hàng của các doanh nghiệp bất động sản là những người chi tiêu lớn, bỏ ra hàng trăm triệu hoặc vài tỷ đồng để mua sản phẩm, nên có những nét riêng về phông văn hóa, tri thức và cả sự kỹ tính khi lựa chọn sản phẩm theo gu của mình.

Họ là những người mua sản phẩm cho cả tương lai, không thuộc số đông, nên âm nhạc của họ cũng đẳng cấp, khác biệt với khách hàng của các doanh nghiệp hàng tiêu dùng. Chúng tôi từng tổ chức những chương trình ca nhạc cho cư dân của dự án với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và thực sự nhận ra một điều, âm nhạc phải thật sự đẳng cấp, khác biệt”.

Sự bùng nổ của music marketing và phim ngắn

Nhìn vào chiến dịch quảng cáo, marketing của các thương hiệu, nhãn hàng cho thấy, mùa Tết năm nay là sự bùng nổ của music marketing và phim ngắn.

Nếu tay to Novaland đốn tim khách hàng bằng music marketing (marketing dự án bằng âm nhạc), thì ông lớn Vingroup lại cũng rất khéo léo khi tận dụng hiệu ứng hottrend cuối năm là họp lớp để đưa ra một phim ngắn rất ấn tượng “CĂN HỘ TRONG MƠ”.

Trong phim ngắn này, nhân vật chính là người rất ngại đi họp hớp vì bạn bè đều thành đạt, trong khi bản thân lại chưa có nhà riêng. Và rồi, VinCity xuất hiện như lời giải hoàn hảo cho mong ước sở hữu căn hộ trong mơ của người có thu nhập trung bình.

Câu chuyện được dẫn dắt khéo léo, dù chưa thực sự sáng tạo bởi mô tuýp họp lớp quen thuộc và đã được đề cập nhiều, nhưng cách thức dẫn dắt người xem khá tự nhiên và ít nhiều tạo được hiệu ứng viral vào dịp cuối năm.

Trong khi nhiều thương hiệu lớn đã từng thành công với music marketing từ những năm trước: Huda với “Miền Trung quê ta”, Bitis với “Đi để trở về”,… năm nay, hàng loạt các thương hiệu lớn lại tiếp mạch “chiến thuật” này.

Bitis tiếp tục với “ĐI ĐỂ TRỞ VỀ 3”, Comfort với  “TẾT NÀY EM KHÔNG CÓ GÌ ĐỂ MẶC”, Mirinda với “CHUYỆN CŨ BỎ QUA”, Neptune với “ĐÓN XUÂN TÀI LỘC”, Samsung với “BAO GIỜ HẾT BẬN”,…

 Bích Phương đắt sô quảng cáo Tết với "Bao giờ hết bận", "Tết này em không có gì để mặc" và "Chuyện cũ bỏ qua".

Các clip này đều mang những giai điệu tươi vui, cùng với hình ảnh đẹp đã tạo được những điểm chạm cảm xúc, khiến cho người xem đều cảm nhận sự không khí Xuân, Tết và cảm giác thoải mái khi xem quảng cáo.

Bắt trend

Không khó để nhận ra, các thương hiệu đã nắm bắt rất tốt gu thưởng thức quảng cáo của giới trẻ hay những khách hàng mục tiêu của mình. Đó là bám vào các trend đã được định hình sẵn và đưa thương hiệu, sản phẩm của mình xuất hiện một cách thực sự tự nhiên.

Trong khi Bitis tiếp tục khai thác thành công của "Đi để trở về", thì Samsung lại rất nhạy bén khi mời Bích Phương hợp tác với "Bao giờ hết bận" viết lại từ bản hit “Bao giờ lấy chồng" để tận dụng hiệu ứng đã có từ trước...

Thậm chí, với quảng cáo nước uống Pushmax của Tập đoàn Hương Sen, doanh nghiệp này và đơn vị thực hiện, đặc biệt là các copywriter đã nắm bắt cực tốt tâm lý khách hàng, chọn điểm rơi cực đúng thời điểm khi xây dựng clip chủ đề “PHẬN LÀM DÂU ĂN TẾT NHÀ CHỒNG”.

 Nhãn hàng Pushmax đã rất thành công với phim ngắn này.

Câu chuyện rất xúc động về những thiệt thòi của người phụ nữ khi mới về làm dâu nhà chồng ở nông thôn. Phần lớn thời lượng của bộ phim là những chi tiết, những đoạn cao trào, nút thắt, mở, tháo gỡ được diễn tiến cực kỳ hợp lý.

Điều thú vị là chỉ đến sát cuối phim, người xem mới mơ hồ cảm nhận được chủ ý cài cắm yếu tố quảng cáo sản phẩm. Mọi thứ đều xuất hiện rất chuẩn mực, tự nhiên, nhẹ nhàng mà thấm thía.

Sau quảng cáo lấy đi nước mắt (mà không hề sến sẩm) mang tên “VỀ NHÀ ĐÓN TẾT, GIA ĐÌNH TRÊN HẾT” của Neptune năm 2016, có lẽ, phim ngắn nói trên của Pushmax là một tác phẩm hiếm hoi chạm được vào góc sâu cảm xúc đến vậy.

Quảng cáo Tết bao giờ cũng là một trong những chiến dịch quan trọng nhất của các doanh nghiệp. Và theo các chuyên gia, trong cuộc đua này, ý tưởng là điều quan trọng nhất, đúng như câu nói “Content is King”. Và dù chọn cách thức thể hiện là music marketing hay phim ngắn, thì để có được sự rung động của người xem, có lẽ chiến thuật đánh vào cảm xúc (Function Emotion) vẫn là lựa chọn thông minh và ưu việt.

Tin bài liên quan