Khả năng tiếp cận đất đai là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp logistics.

Khả năng tiếp cận đất đai là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp logistics.

Doanh nghiệp logistic “tố” khổ do vướng tiếp cận đất đai

(ĐTCK) Khó khăn trong việc tiếp cận đất đai đang là một trong những rào cản khiến doanh nghiệp logistic do dự trong việc đầu tư mở rộng quy mô và phát triển dịch vụ logistic. Đây cũng là nguyên nhân khiến ngành logistic Việt Nam tụt hậu so với khu vực. 

Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc tiếp cận và sử dụng đất đai để đầu tư mở rộng kinh doanh dịch vụ
logistics tại hội thảo mới đây về nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Delta cho biết,

Dự án đầu tư tại Khu công nghiệp Cảng Đình Vũ - Hải Phòng với tổng giá trị 3 triệu USD của Công ty được triển khai vào năm 2015 đã gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề xác định quyền sử dụng đất và tài sản của doanh nghiệp.

Theo ông Nghĩa, tuy đã có giấy phép đầu tư và giấy phép kinh doanh, nhưng Công ty vẫn chưa được xác nhận quyền sở hữu tài sản đất dự án. Do đất không thuộc tài sản của Công ty nên không được dùng thế chấp để vay vốn ngân hàng.

“Những khó khăn, vướng mắc kéo dài về đất đai khiến chúng tôi phải bỏ dự án, dù đã chi không ít tiền đầu tư. Để duy trì hoạt động kinh doanh, chúng tôi buộc phải đi thuê đất hợp đồng ngắn hạn với chi phí cao ngất. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược kinh doanh, cũng như làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Nghĩa bày tỏ.

Ông Nghĩa cho hay, cũng bởi chưa "nắm đằng chuôi" về quyền sử dụng đất nên không dám “liều lĩnh” bỏ vốn đầu tư. Vì thế, doanh nghiệp hiện vẫn chưa thể xây dựng "đại bản doanh" để phục vụ chiến lược phát triển dài hạn.

Thực tế này cho thấy, khả năng tiếp cận đất đai là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp logistics. Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), một trong những nguyên nhân khiến ngành logistics Việt Nam chưa thể nâng cao năng lực cạnh tranh là do cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ, thiếu sự kết nối.

Các doanh nghiệp logistics nước ngoài dù chỉ chiếm 3% tổng số doanh nghiệp logistics, nhưng nắm giữ tới 80% thị phần của ngành logistic Việt Nam. Trong khi đó, quy mô của doanh nghiệp logistic trong nước hầu hết là rất nhỏ, chủ yếu cung cấp dịch vụ giản đơn, đảm nhận vai trò vệ tinh cho các doanh nghiệp logistics nước ngoài.

“Vận tải đa phương thức vẫn chưa phát triển do cơ sở hạ tầng bến bãi chưa được quy hoạch và bố trí hợp lý. Các phương thức vận tải vẫn chưa phát triển và kết nối đồng bộ trên cùng một hành lang vận tải.

Cùng với đó là hàng loạt khó khăn về rào cản điều kiện kinh doanh, chi phí chính thức và không chính thức ở hầu hết các khâu. Đây là những yếu tố đẩy giá dịch vụ tăng và làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam so với các nước trong khu vực”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết. 

Theo các doanh nghiệp, kinh nghiệm phát triển thành công ngành logistic tại các nước cho thấy, để doanh nghiệp trong lĩnh vực này hoạt động hiệu quả đòi hỏi phải có một hệ thống logistic đồng bộ, với những trung tâm trung chuyển lớn tại vùng giáp ranh nội thành các thành phố lớn.

Một ví dụ điển hình là mô hình nhà ga hàng hóa tích hợp của Hàn Quốc do chính phủ nước này đầu tư để phục vụ nhu cầu logistics nội địa, với đầy đủ các yếu tố kết nối phương thức vận tải, kết nối các chủ thể thị trường, trung tâm phân phối phục vụ các tuyến vận tải khối lượng lớn, giúp giảm mạnh chi phí logistic nội địa.

Dẫn ví dụ trên, ông Nghĩa cho rằng, Nhà nước nên xem xét cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất công nghiệp tại nội đô các thành phố sang cho doanh nghiệp logistic để quy hoạch thành các trung tâm khu vực, tạo lợi thế đồng bộ cho hệ thống logistics.

“Hiện tại, các thành phố đang có quỹ đất lớn do các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nằm trong nội đô đang phải di dời vì vấn đề môi trường nên sẽ tạo ra các khu đất trống và đang có xu hướng chuyển đổi thành đất ở do lợi ích lớn. Nhưng nếu dành cho ngành logistics một phần quỹ đất ấy sẽ mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế”, ông Nghĩa phân tích.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều doanh nghiệp logistics cho rằng, quá trình đô thị hóa trong hàng chục năm qua đã đưa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vào trong các thành phố.

Quỹ đất này có thể sử dụng để quy hoạch các trung tâm logistics khu vực, phục vụ các thị trường mục tiêu cụ thể. Nếu có chính sách sử dụng phù hợp quỹ đất từ các khu - cụm công nghiệp sẽ giúp giảm chi phí giao hàng chặng cuối trong toàn chuỗi logistics.

Tin bài liên quan