Nơi khách ngủ ở Thụy Sĩ nhưng phải sang Pháp nếu muốn đi toilet

Khách sạn Arbez Franco-Suisse là nơi mà bạn vẫn thực hiện được hành động "đầu gối nước Pháp, chân gác Thụy Sĩ" theo đúng nghĩa đen.
Khách sạn nằm giữa hai nước Pháp và Thụy Sĩ, có giá phòng khoảng hơn 100 USD/đêm. Trên website của khách sạn cũng có giới thiệu: "Hai đất nước dùng bữa trên cùng một bàn ăn và ngủ trên cùng một chiếc giường". Ảnh: Amusing Planet.

Khách sạn nằm giữa hai nước Pháp và Thụy Sĩ, có giá phòng khoảng hơn 100 USD/đêm. Trên website của khách sạn cũng có giới thiệu: "Hai đất nước dùng bữa trên cùng một bàn ăn và ngủ trên cùng một chiếc giường". Ảnh: Amusing Planet.

Arbez Franco-Suisse là một khách sạn 2 sao, được biết đến là một nơi nhỏ nhắn nhưng vẫn xinh đẹp, ấm cúng, theo Amusing Planet. Nơi đây cũng được biết đến là địa điểm lý tưởng cho các du khách tới trượt tuyết. 

Nhìn bề ngoài, khách sạn không có gì đặc biệt so với những nơi khác. Arbez Franco-Suisse độc đáo và nổi tiếng nhờ vị trí địa lý, bởi nó là khách sạn duy nhất trên thế giới nằm trên đường biên giữa Pháp và Thụy Sĩ. 

Các phòng ăn, nhà bếp, cửa hàng bán đồ lưu niệm, hành lang, phòng ngủ, cầu thang... đều có đường biên giới chạy qua, chia thành đôi. Một bên thuộc lãnh thổ Pháp, phần còn lại thuộc về Thụy Sĩ.

Khách sạn có hai phòng ngủ có vị trí đặc biệt. Khi khách ngủ trên những chiếc giường ở nơi này, phần đầu thuộc lãnh thổ nước Pháp, nhưng phần chân lại đang nằm trên đất Thụy Sĩ. Ở một căn phòng khác, giường của bạn nằm ở phần đất của Thụy Sĩ nhưng nếu muốn đi toilet, bạn phải chạy sang đất Pháp. 

Nơi khách ngủ ở Thụy Sĩ nhưng phải sang Pháp nếu muốn đi toilet ảnh 1

Khách sạn được xây dựng vào thế kỷ 14, ở trên núi cao với dầm gỗ, nhà bếp kiểu nông thôn và cách mực nước biển 304 m. Ảnh: Amusing Planet. 

Cũng chính vì vị trí độc đáo của khách sạn này mà nó từng có lịch sử thú vị. Một trong những câu chuyện đó là liên quan tới chiến tranh thế giới thứ hai.

Khi đó, Pháp bị Đức quốc xã chiếm đóng, trong khi Thụy Sĩ là nước trung lập. Binh lính Đức có thể ra vào mọi nơi trên nước Pháp "tự nhiên như ở nhà", nhưng không thể làm điều tương tự trên đất Thụy Sĩ. 

Khi vào khách sạn Arbez Franco-Suisse, quân phát xít chỉ có thể tiếp cận những căn phòng thuộc về phần đất của Pháp. Những người tị nạn đã lợi dụng sơ hở này để trốn lên những căn phòng trên tầng hai khách sạn.

Do khách sạn chỉ có một cầu thang đi lên tầng hai, mà cầu thang này cũng bị chia làm đôi vì có đường biên giới chạy qua. Do vậy, lính Đức chỉ bước lên được vài bậc cầu thang thuộc lãnh thổ Pháp, và không thể lên trên vì phần đất còn lại thuộc Thụy Sĩ. Vì vậy, những người tị nạn đã sống sót an toàn. 

Nơi khách ngủ ở Thụy Sĩ nhưng phải sang Pháp nếu muốn đi toilet ảnh 2

 Đường biên giới hai nước chia đôi cầu thang làm hai nửa, một nửa thuộc Pháp, nửa còn lại thuộc Thụy Sĩ. Ảnh: Amusing Planet.

Vào năm 1962, người ta cần một nơi trung lập để ký Hiệp định Evian trao trả độc lập cho Algeria, khách sạn Arberz Franco-Suisse đã được chọn làm nơi tổ chức cuộc đàm phán lịch sử này.

Khách sạn Arberz Franco-Suissenằm ở thị trấn La Cure, cách thủ đô Geneva 5 km về phía bắc. Nơi đây được xây dựng từ thế kỷ 14. Năm 1862, chính phủ Thụy Sĩ và Pháp đã đồng thuận để cùng nhau phân chia lại đường biên giới. Theo đó, một phần diện tích nhỏ của làng La Cure thuộc sở hữu của Thụy Sỹ và phần dải đất thung lũng Dappes gần đó thuộc về Pháp.

Hiệp ước về đường biên giới được ký vào ngày 8/12/1862. Hiệp ước ghi rằng, những tòa nhà nào đã xây dựng sẵn có trong thời điểm ký hiệp ước thì sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc sửa đổi biên giới. Lợi dụng điều này, một doanh nhân tên là Monsieur Ponthus đã cho xây dựng tòa nhà trong khu vực tài sản của mình. Tòa nhà được xây dựng trong thời gian kỷ lục, trước khi hiệp ước giữa hai chính phủ có hiệu lực vào tháng 2/1863. Do đó, tòa nhà vẫn được phép tồn tại và nằm trên đường biên giới. 

Ponthus sau đó đã mở một quán bar ở phía Pháp và một cửa hàng ở Thụy Sĩ. Năm 1921, Ponthus bán ngôi nhà cho Jules Jean Arbeze và nơi đây đã được trở thành khách sạn.

Tin bài liên quan