Vốn ngoại “khoái” cổ phiếu ngân hàng

Vốn ngoại “khoái” cổ phiếu ngân hàng

(ĐTCK) Nhiều khoản vốn ngoại trị giá hàng chục, hàng trăm triệu USD liên tiếp đổ vào các ngân hàng Việt đã và sẽ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.

Nhiều thương vụ lớn

Vừa qua, nhóm Alp Asia Finance Limited đã trở thành cổ đông lớn, sở hữu gần 10% vốn điều lệ Ngân hàng Á Châu (ACB). Theo đó, Quỹ Whistler Investments Limited cùng với Quỹ Sather Gate Investments Limited (thuộc sở hữu 100% bởi Alp Asia Finance Vietnam Limited) đang nắm giữ tổng cộng 102,2 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng tỷ lệ 9,95% vốn điều lệ Ngân hàng. Trong đó, mỗi quỹ ngoại này nắm giữ hơn 51,1 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng tỷ lệ sở hữu 4,97%. Ngày trở thành cổ đông lớn của nhóm cổ đông này là 7/5/2018.

Số cổ phiếu ACB mà 2 quỹ trên nắm giữ là nhận từ đợt chuyển nhượng 164 triệu cổ phần ACB của Standard Chartered APR Limited và Standard Chartered Bank (Hồng Kông) Limited. Cùng với 2 quỹ của Alp Asia Finance Limited còn có 3 quỹ khác nhận chuyển nhượng cổ phiếu ACB từ Standard Chartered là Estes Investments Limited (nhận 38,5 triệu cổ phiếu ACB), Boardwalk South Limited (nhận 154.100 cổ phiếu ACB) và Estes Investments Limited (nhận 12,7 triệu cổ phiếu ACB).

Trước đó, tháng 3/2018, Dragon Capital Markets Limted thực hiện thoái toàn bộ gần 7 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng tỷ lệ sở hữu 0,71%; cùng lúc Dragon Financial Holdings Limited mua vào số lượng cổ phần tương tự, qua đó nâng lượng nắm giữ lên gần 70 triệu cổ phần, tương ứng lệ 7,1% vốn của Ngân hàng.

Được biết, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ACB hiện đã đạt mức tối đa 30%, nhà đầu tư ngoại chỉ có thể gia tăng sở hữu thông qua các giao dịch nội khối. Quý I/2018, ACB đạt 1.490 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2017; tổng tài sản đạt 299.855 tỷ đồng, tăng 5,5% so với đầu năm; dư nợ cho vay khách hàng đạt 209.680 tỷ đồng, tăng 6,6%; huy động tiền gửi khách hàng đạt 258.253 tỷ đồng, tăng 7%.

Với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), sau khi chia tay HSBC, Techcombank có nhà đầu tư mới được quản lý bởi Warburg Pincus. Cụ thể, Techcombank vừa công bố khoản đầu tư hơn 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) từ 2 pháp nhân độc lập được quản lý bởi Warburg Pincus.

Tháng 12/2017, Quỹ đầu tư ngoại PYN Elite Fund đã bỏ ra gần 40 triệu USD để sở hữu 4,999% cổ phần Ngân hàng Tiên Phong (TPBank). Ngoài ra, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới đã trở thành cổ đông của TPBank sau khi sở hữu 4,999% cổ phần.

Chủ tịch Hội đồng quản trị TPBank, ông Đỗ Minh Phú cho biết, Ngân hàng dự kiến bán 15% cổ phần cho các nhà đầu tư thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ và chi trả cổ tức cùng cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 28% trong quý IV/2018. TPBank sẽ tăng vốn điều lệ lên 8.500 tỷ đồng (372 triệu USD) từ mức 5.840 tỷ đồng hiện tại.

Cuối năm 2017, Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) đã chốt “room” ngoại trước khi niêm yết cổ phiếu HDB trên HOSE đầu tháng 1/2018 và bán trên 21% vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài, thu về 300 triệu USD.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Đông (OCB) chia sẻ, Ngân hàng đang trong quá trình đàm phán với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để thu hút vốn ngoại trước khi đưa cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Hội đồng quản trị OCB đã thông qua giới hạn sở hữu nước ngoài là 23,66%. Hiện tỷ lệ sở hữu của khối nhà đầu tư nước ngoài tại OCB là 4,98% vốn điều lệ.

Trong khi đó, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho hay, Vietcombank có kế hoạch bán hơn 350 triệu cổ phiếu (tương ứng 10% cổ phần) cho nhà đầu tư nước ngoài.

Lợi nhuận khả quan của ngành ngân hàng trong năm qua và quý đầu năm nay cũng như triển vọng trong thời gian tới là lý do chính khiến cổ phiếu “vua” thu hút nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Ông Bùi Quang Tín, Giám đốc điều hành Trường Doanh nhân BizLight cho biết, cơ quan quản lý đã và đang yêu cầu các ngân hàng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, đồng thời Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng 2017 bổ sung ít nhất 17 điểm mới trong quản trị điều hành… Với các thay đổi này trong thể chế quản lý thì việc nhà đầu tư nước ngoài tăng mua cổ phần tại các ngân hàng nội là điều dễ hiểu. Đây là tín hiệu tốt vì việc góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài thường đi kèm với cam kết cải thiện hoạt động quản trị, điều hành và giúp ngân hàng tăng trưởng.

Thêm nhiều ngân hàng lên sàn

TPBank vừa niêm yết 555 triệu cổ phiếu trên HOSE, với giá tham chiếu 32.000 đồng/cổ phiếu. Đây là ngân hàng lên sàn thứ hai từ đầu năm 2018 đến nay, sau HDBank.

Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), HDBank là ngân hàng phát triển nhanh nhất trong giai đoạn 2014 - 2016 so với toàn ngành, thể hiện ở nhiều khía cạnh chủ chốt. Năm 2017, HDBank đạt hơn 2.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và nhà băng này dự kiến kế hoạch lợi nhuận năm 2018 là 3.921 tỷ đồng, tăng 65,3%; tăng trưởng dư nợ tín dụng dự kiến đạt 34,99%, nâng dư nợ cho vay khách hàng lên 148.510 tỷ đồng. Quý I/2018, HDBank đạt 1.045 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Một trong những yếu tố giúp lợi nhuận của HDBank tăng trưởng mạnh trong năm qua cũng như dự kiến đạt được mức cao trong năm nay là nhờ sự đóng góp tích cực từ “con gà đẻ trứng vàng” HD SaiSon - công ty tài chính trực thuộc HDBank (Ngân hàng sở hữu trên 50% vốn điều lệ, phần còn lại thuộc về đối tác Nhật). Lãnh đạo HDBank cho biết, mức lợi nhuận đóng góp từ HD SaiSon hiện chiếm khoảng 30% trong tổng lợi nhuận của Ngân hàng những năm gần đây.

Theo ông Đỗ Minh Phú, lợi nhuận trước thuế của TPBank năm 2018 dự kiến đạt 2.200 tỷ đồng, gấp đôi năm 2017; tổng tài sản tăng 17% lên 140.000 tỷ đồng. Ngân hàng đặt mục tiêu nợ xấu dưới mức 1%.

Mới đây, TPBank hé lộ kết quả kinh doanh quý đầu năm, với con số lợi nhuận trên 500 tỷ đồng.

Trước diễn biến tăng giá của cổ phiếu ngân hàng và điều kiện thị trường chứng khoán - tài chính năm nay được đánh giá là thuận lợi nên không chỉ TPBank mà nhiều ngân hàng khác trình cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết hoặc giao dịch trên UPCoM.

Ngày 4/6, Techcombank sẽ niêm yết trên HOSE với giá tham chiếu 128.000 đồng/cổ phiếu. Tại mức giá này, Techcombank có giá trị vốn hóa 149.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 6,5 tỷ USD, cao thứ hai trong số các ngân hàng đã niêm yết, chỉ sau Vietcombank - hiện có vốn hóa hơn 192.000 tỷ đồng.

Techcombank cho biết, Ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ lên gấp 3 trong vòng 6 - 8 tuần kể từ ngày niêm yết. Về mức giá tham chiếu 128.000 đồng/cổ phiếu trong ngày chào sàn, Techcombank cho rằng không quá cao, vì sau đó sẽ bị pha loãng bởi việc chia cổ tức bằng cổ phiếu (dự kiến chia 200%), giá sẽ điều chỉnh kỹ thuật về trên 40.000 đồng/cổ phiếu.

Tại OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cho hay, dự kiến cuối quý III hoặc đầu quý IV/2018, Ngân hàng sẽ niêm yết cổ phiếu trên HOSE, bỏ qua bước đăng ký giao dịch trên UPCoM như kế hoạch dự kiến trước đó. Ngân hàng đặt mục tiêu đạt 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay, cao gấp đôi năm ngoái. Kết thúc quý I/2018, OCB đạt hơn 600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và Ngân hàng tự tin với chỉ tiêu kế hoạch năm 2018.

Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng có kế hoạch niêm trên HOSE trong năm 2018. Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB Đặng Khắc Vỹ cho rằng, niêm yết trên HOSE sẽ giúp nhà đầu tư tiếp cận được nhiều thông tin hơn về VIB. Trước khi niêm yết, VIB sẽ tìm đối tác bán cổ phiếu quỹ và chia cổ phiếu thưởng.

Lãnh đạo Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho hay, Ngân hàng dự kiến sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán trước năm 2020 (hiện Ngân hàng đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM). Ngân hàng đã khóa “room” ngoại là 25%, tức dành 25% đó để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là tổ chức có uy tín, có tiềm lực tài chính.

Có thể thấy, năm 2018 dự báo sẽ ghi nhận một làn sóng các cổ phiếu ngân hàng đổ bộ lên sàn chứng khoán.

Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital, làn sóng lên sàn giúp cổ phiếu của ngân hàng vừa niêm yết cũng tăng mạnh và thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài.

“Chúng tôi đánh giá cao các ngân hàng có chính sách quản trị rủi ro tốt và sở hữu lợi thế cạnh tranh đặc thù, có thể là chi phí vốn thấp, hệ sinh thái kinh doanh độc đáo hay công nghệ, năng lực sáng tạo để phát triển sản phẩm… nhất là sau giai đoạn đẩy mạnh tái cơ cấu”, ông Andy Ho nói và cho biết, VinaCapital đã mua gần 5% cổ phần của OCB và rót vốn vào HDBank trước khi nhà băng này lên sàn đầu năm 2018.                                    

Tin bài liên quan