Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cao mà GVR đề ra phụ thuộc nhiều vào mặt bằng giá cao su trong thời gian tới

Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cao mà GVR đề ra phụ thuộc nhiều vào mặt bằng giá cao su trong thời gian tới

Minh bạch kém, Tập đoàn Cao su vẫn muốn “nhảy” sang HOSE

(ĐTCK) Sau khi đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM cách đây 2 tháng, tính minh bạch trong hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR) không có nhiều cải thiện. Điều này đang đặt ra thách thức với Công ty khi tính chuyển cổ phiếu sang sàn HOSE, vốn đòi hỏi chuẩn minh bạch cao hơn.

Đỏ mắt tìm thông tin

Hơn 99,1 triệu cổ phiếu GVR đã được đưa lên sàn UPCoM ngày 21/3, với giá chào sàn 13.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, chốt phiên giao dịch ngày chào sàn, giá cổ phiếu giảm mạnh 16,15% khi đóng cửa ở mức 10.900 đồng/cổ phiếu. Trước đó, GVR có phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hồi đầu năm nay không thành công.

Khác với kỳ vọng trước khi IPO và lên sàn, GVR đang trải qua chuỗi phiên giao dịch mờ nhạt khi giá cổ phiếu biến động trong biên độ hẹp, với thanh khoản vài chục nghìn đến trên dưới một trăm nghìn cổ phiếu/phiên. Trong phiên giao dịch ngày 14/5, cổ phiếu GVR có mức giá 9.900 đồng/cổ phiếu.

Những tưởng sau khi trở thành công ty đại chúng và đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, tính minh bạch thông tin trong hoạt động của GVR sẽ được cải thiện, tuy nhiên, thực tế không diễn ra như vậy. Tại ngày 14/5/2018, các mục thông tin mà nhà đầu tư quan tâm như “Thông báo cổ đông”, “Thông tin tài chính” không được hiển thị trên website của GVR. Thông tin tài chính mới nhất của Công ty mà nhà đầu tư có thể tiếp cận trên website của HNX cho đến thời điểm này là Báo cáo tài chính năm 2016, chưa có các thông tin cập nhật của năm 2017, cũng như quý I/2018.

Dù đang có hiện trạng kém minh bạch thông tin như trên, nhưng trong tài liệu vừa công khai tới các cổ đông để chuẩn bị cho Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) được tổ chức vào ngày 22/5 tới, GVR dự định trình đại hội thảo luận, thông qua phương án ủy quyền cho HĐQT căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định thời gian thực hiện niêm yết cổ phiếu GVR tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Với diễn biến này, các cổ đông, cũng như nhà đầu tư quan tâm đang đặt ra câu hỏi: GVR sẽ làm cách nào để giảm nhanh khoảng cách giữa thực tế minh bạch thông tin hiện nay của doanh nghiệp với tiêu chuẩn minh bạch thông tin cao của HOSE?

Room ngoại còn 13%

Một nội dung đáng chú ý được Ban tổ chức ĐHCĐ lần đầu của GVR trình đại hội cổ đông sắp tới xem xét thông qua, là chốt room sở hữu đối với khối ngoại. Theo Phương án cổ phần hóa và chuyển thành công ty cổ phần đối với Công ty mẹ - GVR, thì trong cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu, cổ đông Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ, cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược trong nước là 475.123.761 cổ phần (chiếm 11,88% vốn điều lệ), cổ phần bán đấu giá công khai và bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn, người lao động trong doanh nghiệp là 524.876.240 cổ phần (13,12% vốn điều lệ).

Căn cứ Công văn số 3460/VSD-ĐK ngày 12/3/2018 của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam về tỷ lệ sở hữu nước ngoài của doanh nghiệp, tại Đại hội lần đầu sắp tới, Công ty đề nghị Đại hội thông qua tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với cổ phần phổ thông còn lại của Công ty mẹ - GVR tối đa là 520.000.000 cổ phần, tương đương 13% vốn điều lệ.

Đại hội cũng sẽ thảo luận để thông qua kế hoạch kinh doanh 7 tháng cuối năm 2018, cũng như giai đoạn 2019 - 2020, được lãnh đạo Tập đoàn đề ra khá tham vọng. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận năm sau có sự tăng trưởng đáng kể so với năm trước (chi tiết xem bảng).

Tuy nhiên, kế hoạch này được xây dựng dựa trên kỳ vọng giá bán cao su bình quân năm 2018 là 36,5 triệu đồng/tấn và năm 2019 - 2020 tăng mạnh lên tới 45 triệu đồng/tấn. Điều này cho thấy kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cao mà GVR đề ra đang phụ thuộc nhiều vào mặt bằng giá bán cao su trong thời gian tới, trong khi xu hướng vận động giá cao su theo chiều hướng tăng hay giảm luôn khó đoán định.

Tin bài liên quan