Book building được đề xuất áp dụng nhằm "chống ế" cho các đợt bán cổ phần lần đầu ra công chúng

Book building được đề xuất áp dụng nhằm "chống ế" cho các đợt bán cổ phần lần đầu ra công chúng

Tại Nhật, dựng sổ áp dụng cho mọi cuộc IPO

(ĐTCK) Tại Việt Nam, phương thức dựng sổ (book building) đang được các nhà quản lý định hình khung pháp lý để áp dụng trong việc thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng nhằm mục đích huy động vốn cho doanh nghiệp. Báo Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với ông Kagyo Takamitsu - Tư vấn quản trị, chuyên gia biệt phái của SMBC Nikko tại CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) về phương thức này.

Tại Nhật Bản, việc áp dụng phương thức dựng sổ bắt đầu từ khi nào, thưa ông?

Ở Nhật Bản, phương thức dựng sổ đã được công bố vào tháng 9/1997 và hiện tại, phương pháp này được áp dụng cho toàn bộ các thương vụ phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) của doanh nghiệp.

Trước đó, theo các quy định về IPO của Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo, một số phương thức khác được áp dụng như chào giá, đấu thầu (chào bán công khai bằng đấu thầu cạnh tranh), nhưng đến nay, phương thức dựng sổ được áp dụng cho IPO/niêm yết tất cả các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

Việc áp dụng phương thức dựng sổ tại Việt Nam liệu có làm tốt hơn quá trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hay không, theo ông?

Theo tôi, việc áp dụng phương thức dựng sổ trong IPO có thể thúc đẩy quá trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vốn đang được đẩy mạnh tại Việt Nam.

Bởi phương thức dựng sổ đảm bảo cho sự thành công của thương vụ IPO, giúp các đợt chào bán cổ phiếu tiếp theo có thể được thực hiện với các điều kiện tốt hơn, trong thời gian sớm hơn.

Đâu là ưu và nhược điểm đáng chú ý nhất của phương pháp dựng sổ với phương pháp đấu giá hiện tại?

Theo tôi, về ưu điểm, trong phương thức dựng sổ, tổ chức bảo lãnh phát hành định giá bán nhằm mục đích hình thành giá cổ phiếu sau khi niêm yết/IPO, do đó có khả năng là việc hình thành và giao dịch chứng khoán sẽ được thực hiện ngay cả sau khi niêm yết. Đây là điều quan trọng nhất nhằm mục đích phục vụ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý thị trường chứng khoán.

Tại Nhật, dựng sổ áp dụng cho mọi cuộc IPO ảnh 1

 Ông Kagyo Takamitsu

Đối với trường hợp Chính phủ là người bán cổ phần của doanh nghiệp nhà nước, nếu giao dịch chứng khoán trên thị trường được tiến hành thuận lợi, thì khả năng bán cổ phiếu sau lần thứ hai sẽ cao hơn ở giai đoạn trước. Về lâu dài, đây là phương thức thuận lợi cho Chính phủ trong việc xử lý phần vốn còn lại thuộc sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước.

Đây là ưu điểm đáng chú ý đối với phương thức dựng sổ so với đấu giá như hiện nay. Bởi nếu cứ thực hiện chào bán với quan điểm “giá càng cao càng tốt” như đấu giá, sau này sẽ dẫn tới nhiều hệ quả xấu.

Về bất lợi, như mô tả ở trên, người bán cổ phiếu (ví dụ như Chính phủ) sẽ không thể kiếm được lợi nhuận ngắn hạn khi bán ra, bởi phương thức dựng sổ đưa ra mức giá không phải cao nhất. Tuy nhiên, như mô tả ở trên, việc giới thiệu phương thức dựng sổ có thể làm cho những lần bán tiếp theo thuận lợi và kết quả là nó có thể thu được lợi nhuận lớn khi bán trong dài hạn. Nếu như vậy, điều này không hẳn là bất lợi.

Ở Nhật Bản, để được áp dụng phương thức dựng sổ, nhà bảo lãnh phát hành phải đáp ứng các yêu cầu nào?

Phương thức dựng sổ đòi hỏi yêu cầu cao từ tổ chức bảo lãnh phát hành, cán bộ quản lý của tổ chức phát hành, quá trình marketing chuyên nghiệp. Việc này là cơ sở quan trọng cho việc IPO thành công của doanh nghiệp.

Do đó, trong việc giới thiệu phương thức dựng sổ, các điều kiện của bên bảo lãnh được đặt ra cụ thể:

Thứ nhất, tổ chức bảo lãnh phát hành phải tăng cường cơ sở tài chính cho việc bảo lãnh phát hành chứng khoán và tăng cường năng lực bảo lãnh.

Thứ hai, đối với phương thức dựng sổ, tổ chức bảo lãnh phát hành phối hợp với tổ chức phát hành phân tích sổ lệnh về nhu cầu của nhà đầu tư để quyết định mức giá và lựa chọn phân bổ cổ phiếu cho nhà đầu tư. Do đó, tổ chức phát hành phải có quan điểm, cách xem xét lựa chọn nhà đầu tư kỹ càng, chuyên nghiệp, đồng nhất với tiêu chí của doanh nghiệp. Có khả năng đánh giá các nhà đầu tư tổ chức, như các quỹ lương hưu, ủy thác đầu tư.

Thứ ba, các tổ chức bảo lãnh phát hành khi thực hiện phương thức dựng sổ cho doanh nghiệp phải thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp: Tổ chức bảo lãnh phát hành phải tham gia vào quá trình tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp trước khi bán, cải thiện tình hình doanh nghiệp. Từ đó, có khả năng tư vấn đưa ra mức giá ban đầu phù hợp hơn.

Tin bài liên quan