Kiệu rước vua qua Ngọ Môn, kinh thành Huế.

Kiệu rước vua qua Ngọ Môn, kinh thành Huế.

Huế tròn 100 năm trước

Cách đây đúng 100 năm, mùa Xuân năm 1918, nhà báo Phạm Quỳnh lần đầu đến Huế và đã ghi lại ký sự về chuyến đi này.

Trong ký sự "Mười ngày ở Huế", ông chủ bút Nam Phong tạp chí nổi tiếng đầu thế kỷ 20 đã ghi lại những ấn tượng về xứ Thần kinh, lúc đó đang là kinh đô của nước ta thời phong kiến.

Sững sờ trước vẻ đẹp của sông Hương, Phạm Quỳnh mô tả: "Hương Giang là cái châu báu của xứ Kinh. Nước trong như vắt, dòng phẳng như tờ, ít khi có sóng gợn trên mặt, đi thuyền trên sông như đi trong hồ vậy. Huế không có con sông Hương thì tưởng cái đẹp của xứ Huế giảm mất nửa phần".

Về núi Ngự, ông nhận xét: "Ngự Bình không phải là một núi cao như núi Phú Sĩ nước Nhật, Hương Giang không phải là một sông rộng như sông Hoàng Hà nước Tàu, nên nói rằng sông ấy núi ấy làm hiểm trở cho chốn Đế kinh thì cũng là nói quá, nhưng sông ấy núi ấy thực là vẽ nên phong cảnh xứ Huế vậy. Và cái khí vị của phong cảnh Huế không phải là cái khí vị hùng tráng, mà là cái khí vị mĩ diệu; cảnh Huế xinh mà đẹp, không phải là hùng mà cường, đáng yêu mà không phải là đáng sợ, có thi vị mà không phải là có khí tượng. Phải nhận kỹ như thế thì mới khỏi nhầm mà hiểu được tinh thần của cái bức sơn thủy hiển nhiên ấy".

Mục đích chuyến đi của Phạm Quỳnh là chứng kiến lễ tế Nam Giao của vua Khải Định diễn ra vào đêm 12, rạng sáng 13 tháng Hai âm lịch, nên ký sự mô tả rất kỹ quang cảnh Đàn Nam Giao và quang cảnh xung quanh như sau:

"Mấy ngày ấy thành Huế tấp nập những kẻ đi người lại. Hai bên đường Hoàng Thượng sắp ngự qua từ Nội thành đến Giao Đàn đương làm rạp đặt hương án. Những hương án đó là do các thôn xã mấy huyện ở gần Kinh đô, mỗi làng phải đặt một sở, nghe nói cả thảy mấy trăm sở. Nhất là con đường thẳng lên Nam Giao hai ngày 10 và 11 đi dạo chơi không cảnh gì vui mắt bằng: Cờ xanh, cờ đỏ, cờ đuôi nheo, cờ ngũ hành, các hạng cờ cắm san sát hai bên đường, gió thổi bay cả về một hướng, xa trông phấp phới, tưởng tượng như con hoàng long ở dưới đất nổi lên mà mỗi lá cờ là một cái vẩy đương rung động vậy!

Hương án liên tiếp nhau, cách vài thước lại một cái, không có khoảng nào bỏ không. Mỗi sở có mấy viên kỳ mục ngồi túc trực. Sau lưng những hàng quán dựng lên nhan nhản".

Huế tròn 100 năm trước ảnh 1

Lễ tế ở đàn Nam Giao. 

Phạm Quỳnh mô tả kỹ càng kiến trúc các tầng của đàn Nam Giao, tiếc rằng đa phần các kiến trúc dùng trong lễ tế đều làm tạm, hoặc ngày nay không còn nữa. Chỉ có rừng tùng quanh đàn tế hiện còn di tích.

Khu rừng ấy được mô tả dưới ngòi bút Phạm Quỳnh: "Bốn bề đều giồng rặt những cây tùng, um tùm rậm rạp. Những cây gần trai cung là phần nhiều của Liệt Thánh đời xưa giồng, lắm cây đã cao và to lắm... Khoảng đất ở sau cung là những cây tùng mới giồng, mới cao được độ một thước hay hơn một thước ta, nhìn biển đeo trên cây xem thì là những cây của các bậc đường quan ngày nay từ tứ phẩm giở lên vậy".

Lễ rước vua từ thành Huế ra đàn Nam Giao được tổ chức rất trọng thể: "Tám giờ sáng ở cửa Ngọ môn nổi chín tiếng súng. Ngự giá từ cửa Đông Nam trong thành ra, tiền hô hậu ủng, nghi vệ rất nghiêm mà rất thịnh. Thực là một cảnh tượng mắt tôi chưa từng được trông bao giờ. Đám nhiều đến hơn nghìn người, dài đến ngót một cây-lô-mét. Cờ quạt, tán lọng, gươm giáo, voi ngựa, đồ nghi trượng, đồ lộ bộ, trống chuông, các phường nhạc, cho đến những đồ ngự dụng, ngự liễn, ngọc kỷ, xe ngựa, xe tay, không thiếu tí gì".

Huế tròn 100 năm trước ảnh 2

Đoàn rước ra đàn tế. 

Nhân chuyến đến Huế, Phạm Quỳnh cũng quyết định thăm các lăng vua triều Nguyễn, gồm bốn lăng to và đẹp nhất: Thiên Thụ lăng (lăng Gia Long), Hiếu lăng (lăng Minh Mạng), Xương lăng (lăng Thiệu Trị), Khiêm lăng (lăng Tự Đức). Do lựa chọn thuyền để đi,  ông thăm từ lăng Thiên Thụ ở xa nhất, rồi lần lượt về thăm Hiếu lăng, Xương lăng, Khiêm lăng trọng trọn một ngày.

Thời đó, các lăng vua triều Nguyễn đều đang trong thời kỳ "vàng son", nên lăng nào cũng được mô tả: "Đại khái cách bài trí trong tẩm điện các lăng đều có cái khám đặt bài vị đức tiên đế, ngoài bầy cái sập rải chiếu để những đồ ngự dụng như khi sinh thời: cái khăn mặt, cái thau, bộ đồ trà, cái tráp giầu... Hai bên lại bầy những đồ pha lê cùng đồ sứ tây, chắc là những đồ của các ông sứ thần Pháp đem sang cống vua ta khi xưa. Như thế cả, chỉ khác nhau có ít hay nhiều mà thôi. Điện lăng Thiên Thụ là ít đồ bầy hơn cả; nhiều nhất là điện Khiêm lăng".

Phạm Quỳnh so sánh: "Lăng Thiên Thụ là giản dị hơn cả, nhưng có cái vẻ hùng tráng, thực là biểu được cái chí to tát một ông vua sáng nghiệp.

Hiếu lăng cây cối um tùm, đình tạ lâu đài rải rác khắp mọi nơi. Phong cảnh ở đấy hiện ra một khí vị riêng, như âm thầm, như u uất. Chỗ này mới thực là cái cảnh tiêu sắt như cảnh mùa thu. Xem cảnh đoán người thì biết ông vua nằm đấy thực là mang cái tư cách tính tình một nhà văn sĩ thi nhân vậy. Quy mô thể chế của Xương lăng đại để cũng phỏng theo như Hiếu lăng. Phong cảnh ở đấy lại tiêu sắt hơn ở Hiếu lăng nhiều".

Còn ở lăng vua Tự Đức, ông cảm thấy choáng ngợp: "Mới bước chân vào trông như một tòa thành quách nguy nga, ngổn ngang chồng chất những cung cùng điện, những gác cùng lầu, không nhận biết cái thể chế thế nào. Nếu cứ xét từng cái lầu, từng cái gác, từng cái cung, từng cái điện một thì rất là đẹp, nhưng bấy nhiêu cái họp lại một nơi thì trông ra bề bộn quá".

Chủ bút báo Nam Phong cho rằng "Đại để từ lăng Thiên Thụ, qua Hiếu lăng, Xương lăng, đến Khiêm lăng, cái hư văn càng xuống càng thịnh, mà cái vẻ thuần phác hùng hồn lúc đầu càng mất dần đi vậy.

Liên hệ đến vận mệnh đất nước những năm triều Nguyễn, Phạm Quỳnh cảm thán: "Lấy lịch sử mà chứng thì sự biến thiên trong tinh thần ấy cũng có quan hệ đến quốc vận nhiều". 

Tin bài liên quan