Khu đô thị mới Thịnh Liệt đang khó khăn trong giải phóng mặt bằng

Khu đô thị mới Thịnh Liệt đang khó khăn trong giải phóng mặt bằng

Licogi nói gì về thông tin Dự án Thịnh Liệt chậm trễ?

(ĐTCK) Khó khăn trong giải phóng mặt bằng, đồng thời bị tái chiếm rất nhiều là tình cảnh mà chủ đầu tư Khu đô thị mới Thịnh Liệt, Tổng công ty Licogi - CTCP, đang phải đối mặt. Báo Đầu tư mới đây đã có cuộc trao đổi với bà Phan Lan Anh, Phó tổng giám đốc phụ trách đầu tư, để làm rõ những thông tin liên quan đến Dự án cũng như hoạt động của Tổng công ty.

Gần đây có những phản ánh về việc 30 ha đất nông nghiệp đã thu hồi của dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt bị “xẻ thịt” cho thuê nhà xưởng, bãi đỗ xe. Thực hư của vấn đề này ra sao, thưa bà?

Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt đã được UBND quận Hoàng Mai, Hội đồng Bồi thường, Hỗ trợ và Tái định cư quận Hoàng Mai, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho chủ đầu tư khoảng 25 ha (trên tổng diện tích đất Dự án là 35 ha).

Chủ đầu tư đã ứng vốn chi trả tiền bồi thường cho các hộ gia đình, cá nhân theo phương án giải phóng mặt bằng được UBND quận Hoàng Mai phê duyệt và nhận bàn giao trên thực địa khoảng 24 ha, tổ chức quản lý, trông giữ với hệ thống tường rào tôn.

Diện tích đất chủ đầu tư đang quản lý đã được san nền sơ bộ, không có công trình nằm trên mặt đất, do vậy không có việc chủ đầu tư cho thuê làm nhà xưởng, thực tế tại hiện trường cho thấy rõ như vậy.    

Trên khu vực giáp ranh giữa diện tích đất đã giải phóng mặt bằng của Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt và khu nghĩa trang làng Giáp Tứ, có bãi đỗ xe do ông Vũ Hải Đăng lấn chiếm một phần đất Dự án để kinh doanh. Diện tích khoảng 1.404 m2, nằm tại Tổ 41 phường Thịnh Liệt. UBND phường Thịnh Liệt đã có Quyết định cưỡng chế công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đối với ông Vũ Hải Đăng vào tháng 9/2017.

Tuy nhiên, sau khi cưỡng chế tháo dỡ công trình ông Đăng vẫn tái lấn chiếm kinh doanh, chủ đầu tư đã nhiều lần có văn bản báo cáo UBND quận Hoàng Mai, Thanh tra xây dựng quận Hoàng Mai, UBND phường Thịnh Liệt đề nghị xử lý triệt để hành vi lấn chiếm đất của doanh nghiệp và đang chờ giải quyết.

Thực địa dự án cũng cho thấy, còn thêm 2-3 bãi đỗ xe nữa. Bà có thể cho biết rõ hơn vấn đề này?

Phần diện tích đất còn phải giải phóng mặt bằng của Dự án hiện đang được thực hiện công tác kê khai, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, chưa chi trả tiền bồi thường và thuộc quyền quản lý, sử dụng của các hộ gia đình, cá nhân.

Trên phần diện tích này, các hộ gia đình đã tự tổ chức kinh doanh trông giữ xe gồm 3 hộ: Ông Vũ Văn Tuyến, diện tích khoảng 1.352,7 m2, phường Hoàng Văn Thụ. Ông Tuyến thuê lại của chủ sử dụng đất là ông Nguyễn Trung Nghĩa và bà Nguyễn Thị Bình (trông giữ xe và nhà ở công nhân); Ông Nguyễn Thế Đông, diện tích khoảng 376 m2, phường Tương Mai. Ông Đông thuê lại của chủ sử dụng đất là ông Nguyễn Văn Hùng; Ông Nguyễn Văn Cường, diện tích khoảng 986 m2, phường Tương Mai, chưa kê khai, kiểm đếm.

Chúng tôi xin nói rõ, bãi đỗ xe khu vực các ô đất này thuộc Dự án Khu đô thị Đền Lừ 3, do UBND quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư, không thuộc Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt.

Tại sao Licogi lại giao cho Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi làm chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt mà không trực tiếp triển khai đầu tư?

Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi là doanh nghiệp 100% vốn của Licogi. Chúng tôi thực hiện việc giao quyền đầu tư nhằm chuyên nghiệp hóa công tác phát triển dự án, còn toàn bộ trách nhiệm về dự án Tổng công ty Licogi vẫn tuân thủ nghiêm túc theo các quy định của pháp luật.

Trong bản cáo bạch công bố thông tin khi Licogi cổ phần hóa có nêu quỹ đất lên tới 151,5 ha, tuy nhiên nhiều dự án chưa đủ điều kiện để ghi nhận giá trị doanh nghiệp. Bà có thể giải thích rõ hơn về thông tin này?

Thực hiện kế hoạch cổ phần hóa của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Licogi hiện đã hoàn thành giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp và đang thực hiện quyêt toán bàn giao vốn.

Quá trình cổ phần hóa tại Licogi đã diễn ra công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật. Hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp và hồ sơ bàn giao của Tổng công ty Licogi thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ. 

Nhiều dự án nằm trong danh mục đất đai của bản cáo bạch Licogi thời điểm cổ phần hóa (tổng hợp lên con số 151,5 ha) chưa/không phải đất thuộc quyền sử dụng của Licogi, cụ thể:

Dự án Yên Thanh – Uông Bí, Quảng Ninh 27,567 ha: UBND tỉnh Quảng ninh đã có văn bản chuyển cho đơn vị khác thực hiện.

Dự án Khu đô thị Đông Hưng -Thái Bình 17,186ha: Licogi không phải chủ đầu tư. Đây là khu đất một đơn vị thành viên của Licogi tham gia thi công, xây dựng hạ tầng.

4.712 m2 đất nông nghiệp thuê 20 năm tại tỉnh Đồng Nai: Là đất do công ty con của Licogi mua của cá nhân, từ thời điểm cổ phần hóa đến nay vẫn không thực hiện được các thủ tục chuyển nhượng do các vấn đề về pháp lý chưa thể hoàn thiện. 

Đất các dự án khu đô thị cột 5-cột 8; cột 5- cột 8 mở rộng, khu dân cư đồi T5 đã đầu tư xây dựng xong và đã kinh doanh, đã có sổ đỏ cho các hộ mua.

Hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp và hồ sơ quyết toán đều đã được các đơn vị Kiểm toán độc lập kiểm tra, rà soát và xác định các điều kiện để ghi nhận giá trị doanh nghiệp, Kiểm toán nhà nước và tổ thẩm định của Bộ Xây dựng thẩm định kỹ lưỡng và toàn bộ đều tuân thủ các quy định về cổ phần hóa như thông 127/2014/TT-BTC ngày 5/9/2014 về “Hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về “Chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần” ; Nghị định 116/2015/NĐ-CP  ngày 11/11/2015  “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP”.

Hầu hết số đất đai trong danh mục của bản cáo bạch khi cổ phần hóa là đất thuê hoặc đất tạm giao để thực hiện dự án, không có cơ sở, không đủ điều kiện để đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm cổ phần hóa. Khi dự án thực hiện giải phóng mặt bằng xong, đủ điều kiện xin chuyển đổi sang đất ở thì chủ đầu tư phải nộp thuế chuyển mục đích sử dụng đất theo phương pháp thặng dư.

Phải nói thêm, như Dự án Thịnh Liệt được tạm giao từ năm 2005 để chủ đầu tư giải phóng mặt bằng. Đến nay, vẫn chưa xong giai đoạn giải phóng mặt bằng do nhiều khó khăn đã nói ở trên.

Nhiều nhà đầu tư lại băn khoăn về câu chuyện thua lỗ tại Licogi sau cổ phần hóa, nguyên nhân của vấn đề là gì, thưa bà?

Trước hết, phải khẳng định, quá trình cổ phần hóa tại Licogi đã diễn ra công khai, minh bạch, tuân thủ mọi quy định của pháp luật.

Sau cổ phần hóa vào năm 2015, năm 2016, Tổng công ty mời PricewaterhouseCoopers (PWC) thực hiện kiểm toán với mong muốn được đơn vị kiểm toán hàng đầu Big 4 kiểm toán thông tin tài chính của Licogi.

Số liệu kết quả kinh doanh báo cáo riêng của Tổng công ty Licogi - CTCP  là âm 293,4 tỷ đồng, trong đó  lỗ từ hoạt động kinh doanh là 15 tỷ đồng; trích lập dự phòng các khoản đầu tư khó đòi và đầu tư tài chính cộng dồn từ nhiều năm trước 183,9 tỷ đồng.

Năm 2015 không có khoản chi phí dự phòng vì khi xác định giá trị doanh nghiệp và quyết toán vốn nhà nước, doanh nghiệp không được trích lập dự phòng.

Chi phí lãi vay  là 86 tỷ đồng.

Khi xác định giá trị doanh nghiệp và quyết toán vốn nhà nước, doanh nghiệp không được trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính. Khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần năm 2016, doanh nghiệp phải thực hiện việc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, trích lập dự phòng đầu tư tài chính theo hướng dẫn tại Thông tư 200/2014/TT-BTC

Doanh nghiệp nhà nước trước đây với thực trạng nguồn vốn chủ sở hữu thấp nên đã mất cân đối về vốn trong thời gian dài. Vốn hoạt động của doanh nghiệp chủ yếu từ vốn vay ngân hàng do đó lãi vay hàng năm phải trả cao cũng là một nguyên nhân gây ra lỗ cho doanh nghiệp .

Khối lượng công việc năm 2016 giảm sút nghiêm trọng (doanh thu năm 2016 chỉ đạt hơn 38% so với kế hoạch năm đã được ĐHĐCĐ thông qua). Doanh thu Công ty Mẹ - Tổng công ty Licogi năm 2011, 2012, 2013 đạt khoảng 2.000 tỷ/năm – chủ yếu là từ các công trình Thủy điện Sơn La, Bản Chát, Đakđrinh, Lai châu, A Vương, Sông Tranh…

Tuy nhiên, những năm gần đây, các công trình này đã hoàn thành quyết toán bàn giao, các công trình thủy điện lớn không còn; công tác đấu thầu trong mảng hạ tầng khó khăn.

Việc sụt giảm doanh thu cũng chính là nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến kết quả của doanh nghiệp. Tính đúng, chuẩn xác theo Deloite (đơn vị kiểm toán Licogi giai đoạn 2013-2015), năm 2015 Licogi lỗ gần 7 tỷ đồng.

Vậy Tổng công ty có định hướng gì trong năm 2018 để dần thoát khỏi khó khăn hiện nay?

Doanh nghiệp nào cũng mong muốn hoạt động tốt, người lao động có công ăn việc làm, thu nhập, cổ đông có cổ tức và đóng góp cho ngân sách. Nhưng như đã đề cập ở trên, Licogi đang ở giai đoạn vô cùng khó khăn.

Chúng tôi đang thực hiện tái cấu trúc lại hoạt động và có những chuyển hướng, thích nghi với thị trường mới. Hy vọng rằng, quá trình này được triển khai hiệu quả để doanh nghiệp có thể sớm vực dậy kể từ năm 2018.

Tin bài liên quan