Trải nghiệm homestay ở Tả Van

Trải nghiệm homestay ở Tả Van

(ĐTCK) Không ít các homestay ở Tả Van (tỉnh Lào Cai) là của đồng bào người dân tộc, bằng sự nhanh nhạy của mình, họ đã cung cấp cho du khách những điểm lưu trú chất lượng.

Điểm đến yêu thích của dân du lịch bụi

Một ngày cuối tuần, tôi và nhóm bạn bắt xe giường nằm lên Lào Cai, điểm đến lần này là Tả Van, một khu du lịch nhỏ nép mình bên thung lũng Mường Hoa, nơi mà mô hình homstay đang khá phát triển và mang lại nét riêng cho thị trường ngách của Sa Pa.

Tả Van cách Sa Pa chỉ 8 km, đây là một bản nhỏ nằm nép mình bên những ngọn núi, trông ra một thung lũng điệu đà, uốn lượn bởi những lớp ruộng bậc thang. Tả Van còn được bao bọc bởi suối Mường Hoa lúc nào cũng ồn ã. Kề bên Tả Van là bãi đá cổ Sa Pa, Cầu Mây, xa chút nữa là bản Hồ.

Có lẽ, đó là lợi thế để Tả Van trở thành điểm đến yêu thích của nhiều người, nhất là những ai muốn tránh xa sự xô bồ, quá tải của Sa Pa ngày nay. Một điều đặc biệt, ở Tả Van, khách Tây nhiều hơn khách Việt.

Các homestay ở Tả Van thường có hai loại phòng chính, phòng tập thể, phòng riêng. Theo đó, phòng tập thể có mức giá dao động từ 80.000 - 120.000 đồng/người, phòng riêng tùy loại, giá từ 350.000 - 500.000 đồng/phòng.

Trải nghiệm homestay ở Tả Van ảnh 1

Ghé vào homestay của một chủ nhà người Dáy, sau khi nghe giới thiệu và nhu cầu của nhóm, cậu chủ tên Thắng bảo: “Để em đưa các anh ra căn nhà bên suối, view toàn bộ thung lũng, chắc chắn các anh sẽ thích”.

Sau vài phút lòng vòng cuốc bộ và trò chuyện, Thắng đưa chúng tôi đến một căn nhà màu tím khá thanh nhã. Nhà là sự kết hợp giữa kiểu nhà sàn truyền thống và nhà cấp 4 quen thuộc. Tầng 1 căn nhà được bố trí 2 phòng ngủ, một phòng khách thật rộng, phòng bếp, khu vực nhà tắm, nhà vệ sinh.

Giữa nhà là một chiếc bàn dài, phù hợp cho việc ăn uống, liên hoan tập thể. Tầng 2 căn nhà một phòng ngủ tập thể lớn, có thể chứa 8 - 10 người. Chúng tôi chọn căn phòng ở tầng hai để ở.

Ga gối thơm phức, wifi đầy 5 vạch, phòng có nhiều ổ điện, nên rất tiện lợi. Chủ nhà còn trang bị cả đèn sưởi phòng khi thời tiết lạnh sâu.

Ngắm căn phòng một lúc, một anh bạn tôi bảo: “Không ngờ homestay vùng cao lại đẹp thế này, không giống mấy lần trải nghiệm trước của tớ về homestay ở Cô Tô”.

Khám phá phố núi

Cũng giống như hầu hết các homestay khác ở Tả Van, Chopai Homestay của Thắng có đầy đủ đồ đạc cho những ai thích vào bếp. Chiều hôm đó, tôi và đám bạn chạy ù ra khu chợ và mua một con gà trống thiến, ít miến, vài bó cải mèo rồi về nhà nghỉ làm món. Sắp đến giờ ăn, Thắng cho người mang xuống cho chúng tôi một chai rượu trong vắt với lời dặn: “Chai rượu nhà nấu, anh Thắng tặng các anh để đưa mồi”.

Đêm đó, chúng tôi ăn gà xé, canh miến, cải mèo xào tỏi và uống rượu trong tiếng suối chảy rì rầm, trong con gió vi vút, dạn dĩ vùng cao. Rượu được vài tuần, cái bụng đã thôi kêu réo, cả đám dọn dẹp đồ và leo lên hai chiếc xe máy thuê sẵn ban chiều để mục sở thị phố núi về đêm.

Đêm ở Tả Van lạnh buốt, chẳng biết sương khói ở đâu đùn ra lắm thế, đứng cách nhau chỉ hơn chục mét mà chỉ thấy mờ nhân ảnh. Lạnh vậy nhưng ngoài đường vẫn khá nhiều người qua lại, có đến già nửa là những đám khách Tây ba lô lững thững, còn lại là người dân Tả Van và khách Việt.

Chúng tôi ghé vào một quán bar nhỏ. Gọi cho mình mấy ly cà phê nóng và nghe nhạc. Điều hay là ở đây, nhiều quán bar có bàn bi-a cho khách chơi miễn phí. Người cầm chai bia, kẻ ly sinh tố, túm năm tụm ba trò chuyện râm ran.

Trong tiếng nhạc rộn rã gọi mời, những đôi chân thêm phiêu lãng cùng vài ba điệu nhảy, những tay cơ thêm hứng thú trổ tài. Nói thật, nếu không có cái lạnh của sương núi, không phải là không gian đậm chất bản địa, thì tôi cứ tưởng mình đang ở một xứ nào đó.

Người Tả Van làm du lịch khéo lắm, tuy rất mộc. Nhiều chủ quán là những người trẻ tuổi. Họ học tập mô hình, phương cách ở Sa Pa, nhưng khi vận dụng lại có những nét độc đáo riêng. Khách đến Tả Van dễ cảm nhận được sự chân tình, hiền hòa và mến khách của các chủ trọ nơi đây. Mọi thứ cứ nhẹ nhàng mà rất thắm.

Anh bạn tôi là dân làm du lịch từng kể: “Lần đầu lên đây, tớ ở gần một tuần để đi khảo sát Tả Van, các bản du lịch cộng đồng xung quanh, chạy tít vào Séo Mý Tỷ, bản Phùng… Tớ đưa mỗi chứng minh thư mà mấy ngày trời ăn, ngủ, thuê xe đều không phải đặt trước một đồng nào. Anh chủ trọ bảo cứ ghi vào sổ, hôm nào về tính một lượt”.

Anh bạn kể tiếp: “Có lần, tớ chạy xe máy từ Tả Van lên Sa Pa, sang Mường Tè (Lai Châu) rồi chập tối khi về đến cổng trời (đèo Ô Quy Hồ) thì xe hỏng đèn, cả đoạn đường dài sau đó với vô số những khúc cua nguy hiểm, tớ được sự trợ giúp của một anh bạn người Mông, nhà ở gần bãi đá cổ. Anh bạn người dân tộc này nhiệt tình đi sau soi đèn cho tớ về tận Tả Van. Chỉ tiếc lúc đó vội vàng, chẳng kịp xin số, làm quen, chỉ nhớ anh ta tên Tùng”.

Còn vô vàn những trải nghiệm tương tự như thế mà tôi được nghe và cảm nhận được về cách làm du lịch của người dân nơi đây.

Tiềm năng phát triển mô hình homstay

Hiện ở Tả Van có khoảng 20 hộ thực hiện mô hình homestay và dự kiến sẽ còn tăng thêm nữa, vì đây đang là điểm đến yêu thích của những người thích du lịch bụi. Thế mạnh của Tả Van là vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống.

Du lịch chưa làm ảnh hưởng nhiều nếp sống, thói quen sinh hoạt của bà con. Có được điều này cũng bởi những người làm du lịch và đồng bào có sức tự vệ khá tốt trước sự thương mại hóa thường thấy của du lịch.

Anh Thắng cho biết: “Đầu tư mô hình này không tốn quá nhiều chi phí. Cơ sở vật chất cũng đơn giản, chúng tôi xác định thu hút và giữ chân khách bằng dịch vụ chu đáo, bằng những trải nghiệm về văn hóa, nếp sinh hoạt hơn là mặt tiện nghi”.

Trải nghiệm homestay ở Tả Van ảnh 3

Trong khi đó, anh Lộ Lộ, một chủ cơ sở lưu trú khác cho biết: “Chúng tôi căn cứ vào phân khúc khách để đầu tư. Với những khách sang trọng thì cơ sở vật chất sẽ được đẩy lên cao, chất lượng phòng nghỉ, dịch vụ đi kèm cũng có những tiêu chí nhất định. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là giữ được những nét văn hóa truyền thống của người dân tộc.

Do sự phát triển của du lịch, giá đất nền ở Tả Van cũng tăng khá nhanh. “Giá đất nền ở đây có sự thay đổi lớn, tăng khoảng gấp 2 lần so với 2 năm về trước.

Hiện nay, một mảnh đất có diện tích khoảng 300 m2 (đủ để xây dựng homestay) ở Tả Van có giá khoảng 1 tỷ đồng, trong khi cách đây 2 năm chỉ khoảng 400 – 500 triệu đồng”, một nhà đầu tư bản địa chia sẻ.

Tả Van đang cho thấy những tiềm năng để phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Quan trọng hơn, mô hình này vừa tạo nên sinh kế và việc làm cho người dân địa phương mà vẫn giữ lại được những nét văn hóa độc đáo riêng có mà mô hình homestay ít nhiều đã thể hiện sự ưu việt. Nếu bạn rảnh, nên một lần thử ghé Tả Van để có những cảm nhận cho riêng mình.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan