Bị cáo Hà Văn Thắm tại tòa

Bị cáo Hà Văn Thắm tại tòa

Đại án Oceanbank: Vì sao Phạm Công Danh là đồng phạm với Hà Văn Thắm?

(ĐTCK) Trong thương vụ chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín, Hà Văn Thắm vi phạm quy định cho vay khiến Oceanbank thất thoát 343,5 tỷ đồng, trong đó có sự giúp sức tích cực của Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã đề nghị truy tố đối với các bị can Phạm Công Danh (sinh năm 1965, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh), Hứa Thị Phấn (sinh năm 1947, trú tại TP.HCM), Trần Văn Bình (sinh năm 1966, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ Trung Dung) về hành vi Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo tài liệu điều tra bổ sung, năm 2012, Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đại Dương - Oceanbank) đã gặp Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Ngân hàng TMCP Đại Tín, nay là Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - CBBank) đặt vấn đề mua lại Ngân hàng Đại Tín.

Khi đó, Ngân hàng Đại Tín mất thanh khoản và đang bị cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Hứa Thị Phấn giao cho cháu là Ngô Kim Huệ (Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín) bán 254,7 triệu cổ phần (tương đương 84,92% vốn điều lệ) với giá 4,4 tỷ đồng, kèm theo đó là cam kết của Hà Văn Thắm về việc chịu trách nhiệm kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ thay cho nhóm Hứa Thị Phấn (khoảng 3.553 tỷ đồng) và hỗ trợ các dự án bất động sản tại Thủ Đức và Đồng Tháp do Phấn làm chủ đầu tư. Theo thỏa thuận, Thắm được sở hữu số tài sản đảm bảo từ các khoản vay này và khoản Ngân hàng Đại Tín đầu tư khoảng 920 tỷ đồng.

Sau khi cử người vào quản lý, điều hành Ngân hàng Đại Tín, Hà Văn Thắm phát hiện một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi và mối quan hệ phức tạp giữa Hứa Thị Phấn và các nhóm khách hàng. Sau đó, Thắm đã bán lại Ngân hàng Đại Tín cho Phạm Công Danh với giá 800 tỷ đồng.

Mặc dù chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, Phạm Công Danh đã hoàn thiện các thủ tục thay đổi thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng Đại Tín và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam.

Khoảng giữa tháng 11/2012, ba bên thống nhất việc Hà Văn Thắm sẽ cho Phạm Công Danh vay 500 tỷ đồng từ Oceanbank. Tài sản thế chấp là 250 tỷ đồng (100% vốn điều lệ của Công ty Trung Dung – công ty “sân sau” của Danh), quyền phát sinh từ 2 hợp đồng góp vốn đầu tư và xây dựng nhà ở lô đất diện tích 147 m2 (giá trị 16,9 tỷ đồng) và 281,5 m2 (giá trị 39,2 tỷ đồng) tại Dự án Khu dân cư phức hợp đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM); giá trị 5,8 triệu cổ phần của CTCP Tập đoàn SSG của nhóm Hứa Thị Phấn, Hứa Thị Bích Hạnh và Ngô Kim Huệ.

Phạm Công Danh sẽ sử dụng khoản tiền vay tất toán cho 5 hợp đồng vay của Hứa Thị Phấn tại Ngân hàng Đại Tín, đồng thời ghi nhận việc Danh trả tiền mua cổ phần của nhóm Phấn.

Ngày 23/11/2012, theo chỉ đạo của Phạm Công Danh, Trần Văn Bình (đại diện Công ty Trung Dung) ký hợp đồng tín dụng với Nguyễn Văn Hoàn (Phó tổng giám đốc Oceanbank) vay 500 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, đối với khoản vay này, một số tài sản thế chấp chưa đủ điều kiện pháp lý, vốn điều lệ của Công ty Trung Dung là không có thật. Hậu quả là Oceanbank bị thiệt hại 343,5 tỷ đồng, chưa tính nợ lãi đến thời điểm 21/10/2014 là 201,8 tỷ đồng.

Theo kết luận điều tra bổ sung, bị can Phạm Công Danh đã bàn bạc, thỏa thuận với Hà Văn Thắm trong thương vụ chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín. Do có sự thống nhất này, các bị can đã thế chấp một số tài sản khống.

Đối với bị can Trần Văn Bình, mặc dù không có quan hệ hay bàn bạc, nhưng là người ký hoàn thiện hồ sơ, giúp sức để Hà Văn Thắm cho Phạm Công Danh vay 500 tỷ đồng.

Bị can Hứa Thị Phấn là bên thứ ba cho mượn tài sản nhưng có hành vi bàn bạc, thống nhất với Thắm, Danh về quyền lợi các bên được hưởng. Hành vi giúp sức của Phấn thể hiện ở việc cho Phạm Công Danh mượn tài sản chưa đủ tính pháp lý để vay 500 tỷ đồng trái quy định. 

Liên quan đến hợp đồng này, tại phiên tòa sơ thẩm lần 1, Hà Văn Thắm khai nhận, vì nhận thức một số rủi ro là tài sản bảo đảm chưa có sổ đỏ nên yêu cầu bổ sung biện pháp bảo đảm là phong tỏa số tiền 500 tỷ đồng tại tài khoản của Công ty Trung Dung mở tại Ngân hàng Đại Tín. Công ty Trung Dung - Oceanbank - Ngân hàng Đại Tín đã ký biên bản thỏa thuận với nội dung phong tỏa tài khoản nói trên cho tới khi Oceanbank nhận được giấy tờ gốc của tài sản bảo đảm và đồng ý giải tỏa. Do đó, Oceanbank có ý kiến đề nghị Ngân hàng Xây dựng có trách nhiệm liên đới để thanh toán hợp đồng các bên đã ký kết.

Tin bài liên quan