Ngân hàng đã sơ hở khi ký kết hợp đồng thế chấp, dẫn đến hệ quả là khả năng thu hồi vốn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có thể mất trắng

Ngân hàng đã sơ hở khi ký kết hợp đồng thế chấp, dẫn đến hệ quả là khả năng thu hồi vốn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có thể mất trắng

Lùm xùm tranh chấp thuê nhà 48 Trần Nhân Tông

(ĐTCK) Cho thuê nhà để đối tác kinh doanh khách sạn, văn phòng, Handiresco mất ăn mất ngủ vì không đòi được tiền thuê, cũng chẳng đòi được nhà.

Khách hàng chây ỳ trả nợ

Công ty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội (Handiresco) là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội.

Ngày 18/1/1991, Handiresco ký hợp đồng với 29 cán bộ công nhân viên góp vốn xây dựng tòa nhà số 48 Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Sau khi công trình hoàn thành, Handiresco cho Công ty TNHH Phương Đông thuê lại tòa nhà từ năm 1995 đến năm 1997. Các hợp đồng thuê nhà giai đoạn này đã được thanh lý.

Ngày 9/6/2013, Handiresco và Công ty Phương Đông tiếp tục ký kết hợp đồng thuê nguyên trạng toàn bộ tòa nhà số 48 Trần Nhân Tông. Thời gian thuê 10 năm, với mục đích kinh doanh khách sạn, văn phòng; giá thuê là 25.000 USD/tháng, kỳ thanh toán 1 năm/lần, lãi suất chậm thanh toán là 0,05%/ngày.

Từ ngày 17/6/2014, Công ty Phương Đông chậm thanh toán tiền thuê nhà cho Handiresco. Sau nhiều cuộc họp giữa hai bên, Công ty Phương Đông cam kết sẽ thanh toán toàn bộ tiền nhà vào ngày 30/11/2014 và 25/12/2014. Tuy nhiên, quá thời hạn cam kết, Công ty Phương Đông không thực hiện việc thanh toán và cũng không trả nhà.

Năm 2015, Handiresco khởi kiện lên Tòa án nhân dân Quận Hai Bà Trưng đề nghị chấm dứt hợp đồng thuê nhà, buộc Công ty Phương Đông thanh toán tiền thuê nhà và lãi chậm trả từ ngày 17/6/2013, tạm tính cả nợ gốc và lãi là 8,2 tỷ đồng.

Trước cáo buộc của nguyên đơn, Công ty Phương Đông thừa nhận còn nợ tiền nhà từ năm 2016 đến nay.

Ngân hàng sơ hở khi ký kết hợp đồng thế chấp

Ngoài lùm xùm với Handiresco, Công ty Phương Đông cũng bị Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) kiện ra tòa do chậm trả nợ.

Trước đó, ngày 15/1/2014, Công ty Phương Đông ký hợp đồng tín dụng vay vốn tại Oceanbank số tiền 11,2 tỷ đồng để sửa chữa khách sạn; thời gian vay 72 tháng; lãi suất 12,5%/năm. Tài sản bảo đảm cho khoản vay là quyền kinh doanh khách sạn phát sinh từ hợp đồng cho thuê nhà. Tài sản thế chấp được đăng ký giao dịch bảo đảm.

Ngoài ra, Công ty Phương Đông còn thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay gồm trang thiết bị, máy móc lắp đặt tại khách sạn (giá trị 2 tỷ đồng) và toàn bộ vốn góp của cổ đông công ty (15 tỷ đồng).

Trong khi Oceanbank mới giải ngân hơn 5 tỷ đồng thì Công ty Phương Đông vướng lùm xùm xung quanh hợp đồng thuê nhà với Handiresco. Theo đó, Oceanbank yêu cầu Công ty Phương Đông trả nợ gốc, nợ lãi, lãi phạt chậm trả là 8 tỷ đồng. Trường hợp không trả nợ, Oceanbank đề nghị tòa án tuyên xử lý các tài sản bảo đảm của Công ty Phương Đông.

Bản án sơ thẩm năm 2016 đã chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của Handiresco và quyết định chấm dứt hợp đồng thuê nhà, buộc Công ty Phương Đông phải thanh toán tiền nợ thuê nhà tính đến ngày xét xử là 20 tỷ đồng.

Cùng với đó, Công ty Phương Đông phải có nghĩa vụ trả cho Oceanbank số tiền 6,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, tòa đã bác yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm, lãi phạt chậm trả của Oceanbank. Do đó, Oceanbank kháng cáo bản án sơ thẩm.

Ngày 23/6/2017, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm, xem xét đơn kháng án của Oceanbank. Ngân hàng cho biết đã gửi thông báo cho Handiresco về việc Công ty Phương Đông thế chấp quyền kinh doanh khách sạn phát sinh từ hợp đồng thuê nhà. Tuy nhiên, Handiresco phủ nhận điều này. Như vậy, việc thế chấp không có sự tham gia của chủ sở hữu.

Đặc biệt, 2 tài sản còn lại là trang thiết bị và vốn góp không được đăng ký giao dịch bảo đảm. Các thành viên góp vốn của Công ty Phương Đông không được ký vào hợp đồng thế chấp. Oceanbank xác định có chữ ký của các thành viên góp vốn của Công ty Phương Đông, nhưng lại không đưa ra được tài liệu chứng minh.

Trước các chứng cứ trên, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội cho rằng, cấp sơ thẩm tuyên hợp đồng thế chấp bị vô hiệu là hợp lý.

Trong vụ việc này, có thể thấy, phía ngân hàng đã sơ hở khi ký kết hợp đồng thế chấp, dẫn đến hệ quả là khả năng thu hồi vốn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có thể mất trắng.

Hiện tại, vụ việc đang quá trình giải quyết tại cấp phúc thẩm. Tuy nhiên, do đương sự cần thêm thời gian cung cấp chứng cứ là bảng tính lãi suất, nên Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên xét xử. Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục cung cấp thông tin vụ việc đến bạn đọc khi có diễn biến mới.         

Tin bài liên quan