Xuân về trẩy hội chùa Hương

Xuân về trẩy hội chùa Hương

(ĐTCK) Tạm quên đi phố phường huyên náo, ngồi trên con đò nhỏ êm đềm rẽ sóng nước, ngắm cỏ cây xanh mượt, gửi tâm hồn phiêu bồng vào tiếng chuông vọng giữa núi đồi lộng gió… Tết xong, đi chùa Hương vãn cảnh, trẩy hội thì còn gì đẹp hơn cho một năm mới hanh thông và an lành.

1. Đã thành thông lệ, mỗi dịp Tết đến Xuân về, người Việt Nam lại dành nhiều thời gian cho việc đi lễ chùa và trẩy hội. Nét đẹp văn hóa truyền thống này đã ăn sâu bén rễ vào đời sống tinh thần của người dân.

Phật Hoàng Trần Nhân Tông cùng nhiều vị phật tổ khác từng nói rằng, Phật tại tâm, mang hàm ý trong mỗi con người chúng ta vốn đã có Phật tính. Phật không phải ngoại cầu, mà tìm ở ngay trong chính bản thân mình.

Vì vậy, mỗi dịp Tết đến Xuân về, mọi người thường hay lui đến những chốn thanh tịnh như cửa chùa, không chỉ để vãn cảnh, mà còn để khởi phát cái thiện tâm, hướng tâm mình đến những điều tốt lành, từ bi, trí tuệ của đạo Phật.

2. Nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, cách trung tâm Thành phố không xa, chùa Hương là một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, là một nơi thanh cảnh, dưới là sông nước, trên là núi cao, được nhiều tao nhân mặc khách lui tới thưởng ngoạn.

Truyền thuyết kể lại, vào thế kỷ đầu tiên, ở vùng linh sơn phúc địa này có công chúa tên Diệu Thiện, tục gọi là chúa Ba ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm đến đây tu hành được 9 năm sau đắc đạo thành Phật đi cứu độ chúng sinh. Khi đó là giữa mùa Xuân, trăm hoa đang đua nở, cây cỏ xanh tốt và khí hậu mát mẻ.

Vì vậy, dịp đầu xuân năm mới tìm đến đây, bước chân ai vào chùa cũng thấy lòng thanh thản, tạm quên đi bao nỗi lo âu, mệt nhọc thường ngày và muốn sống tốt hơn, đẹp hơn như những điều răn của Phật.

Lễ hội chùa Hương vào mùng 6 tháng Giêng hàng năm, thu hút khoảng 1 triệu lượt du khách. Đây cũng là dịp “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” để khách thập phương dâng lên Bồ Tát Quán Thế Âm nén hương tâm tưởng và cầu may mắn, bình an cho một năm mới suôn sẻ.

Sau đó là thưởng thức hương chùa thanh khiết với những vẻ đẹp thiên nhiên trù phú, hòa quyện với nhau ở một vùng rừng núi còn in dấu tích Phật thoại và văn hóa tín ngưỡng tâm linh của người Việt xưa. Cũng ở một góc độ nào đó, những chuyến hành hương lễ hội này giống như hành trình khám phá tìm về văn hóa nguồn cội dân tộc.

3. Để đến được những địa danh tâm linh nổi tiếng như chùa Thiên Trù, động Hương Tích…, người hành hương phải ngồi đò băng qua dòng suối Yến dài khoảng 4 km. Mùi Tết thơm nồng trên những chuyến đò, xuôi theo dòng suối Yến đổ về bến đò Thiên Trù.

Giữa tấm màn sương mờ ảo se lạnh của mùa Xuân, con đò nhỏ len qua núi đồi thoát ẩn thoát hiện tựa giấc mộng liêu trai. Từng bước chân mùa Xuân đang trở mình nảy mầm xanh mượt hằn in giữa núi đồi hùng vĩ. Thử chạm tay vào làn nước, vào những cánh hoa mềm mịn, vào những chiếc lá non, tôi có cảm nhận như mùa Xuân vừa lướt khẽ qua tay mình. Đã đến đây, chắc chắn trong lòng mỗi người đều ít nhiều lưu lại kỷ niệm đẹp khó quên.

Sau khi tham quan đền Trình, chùa Thiên Trù, chùa Giải Oan…, vượt qua một sườn đá dốc càng leo càng cao và một cái khe đưa xuống hang sâu dưới đất mà người ta hay gọi là “lối xuống âm phủ” ấy, động Hương Tích - “Nam thiên đệ nhất động” rộng cửa chào đón những vị khách thập phương du xuân.

Đây là nơi thờ Phật lớn nhất của khu di tích chùa Hương. Trong động có pho tượng Phật bà Quan Âm làm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn và hàng vạn nhũ đá nhấp nhô với biết bao hình thù kỳ lạ: bầu sữa mẹ, hoa phiền não, cây vàng, cây bạc, núi Cậu, núi Cô…

Cứ lững thững dạo bước dọc theo những bậc thang ấy, hòa mình vào dòng người hành hương đang đổ về đây ngày một đông, tôi đón lấy những nụ cười và rót vào lòng bao niềm vui của năm mới vừa sang, rồi tận hưởng những khoảnh khắc lắng đọng, bình yên nhất trong tâm hồn. Dường như có thể quên đi hết thảy những lao xao ngoài đời thường. Hạnh phúc giản đơn là thế.

Xuân về trẩy hội chùa Hương ảnh 2

4. Những ngày Tết vãn cảnh xuân, không chỉ riêng chùa Hương, mà mọi ngôi chùa khắp cả nước đều sinh động và ấm áp tình người. Nhưng cũng còn đó những hình ảnh không đẹp.

Chốn thanh tịnh những ngày lễ rộn ràng hơn, đông đúc hơn. Dọc đường lên cổng một số ngôi chùa lớn, những người bán hàng chèo kéo khách huyên náo cả một góc đường. Du khách đổ về trẩy hội ngày một đông, túi nilon và rác vương vãi khắp, mặc cho những chiếc thùng rác vẫn buồn bã nằm im lìm ở các góc sân…

Góp vào câu chuyện đó còn là hình ảnh một vài cô gái trẻ lên chùa với những bộ trang phục “trên dưới vừa đủ” khi đứng. Các cô vô tư chuyện trò, cắn hạt dưa, chụp ảnh và xả rác chốn cửa thiền mà không biết có bao nhiêu ánh mắt đang đổ dồn về phía mình.

5. Tết dậy mùi khắp cánh rừng, con nước, bến đò đang thực sự làm nên hương vị mùa Xuân ở chùa Hương. Danh thắng đẹp này từ lâu luôn được tô điểm thêm những nét vẽ cho bức tranh thiên nhiên hùng tráng bằng những công trình kiến trúc đặc sắc. Được như vậy là nhờ công đức to lớn của các tín đồ, du khách thập phương, của nhân dân sở tại và đặc biệt là sự cố gắng chăm lo vun đắp của nhiều vị hòa thượng.

Chia tay, quay đầu nhìn lại, suối Yến lung linh trong những ánh nến như một búp hoa sen mà đài hoa là những tán rừng xanh đôi bờ, các ngôi chùa tựa lưng vào vách núi, làm tâm hồn người đi dễ chùn xuống, đượm buồn vì biết sắp phải rời xa một giấc mơ đẹp.

Đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp trong tín ngưỡng dân gian của người Việt. Thế nên, khi bước chân vào chốn thanh tịnh, xin dặn lòng cùng giữ tôn nghiêm…

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan