Thay đổi để phù hợp thị hiếu khách hàng
Trao đổi với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2018, đại diện Home Credit Việt Nam cho hay, tốc độ phát triển kinh tế đang gắn với nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ thu nhập ngày càng tăng nên người tiêu dùng sẽ chi tiêu, mua sắm nhiều hơn và đây là mảnh đất màu mỡ để các CTCT tiêu dùng khai thác. Dù vậy, để có thể thành công, Home Credit Việt Nam đã phải chuyển đổi, tập trung vào công nghệ và sáng tạo để mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Đây cũng là lý do Home Credit quyết định hợp tác nhiều hơn với các đối tác công nghệ.
Vừa qua, Home Credit Việt Nam và Ví Momo đã ký kết hợp tác chiến lược, mở ra không gian phát triển cho hệ sinh thái công nghệ của ngành tài chính tiêu dùng, giúp khách hàng dễ dàng kết nối với các sản phẩm, dịch vụ tài chính thông qua nền tảng di động. Đại diện Home Credit cho biết, với sự hợp tác này, khách hàng có thể chọn thanh toán khoản vay bằng Ví MoMo ngay trên ứng dụng quản lý khoản vay của Home Credit.
"Trong thời gian tới, Home Credit sẽ nâng cấp dịch vụ, cho phép đăng ký khoản vay tiền mặt ngay trên ứng dụng di động và nhận giải ngân khoản vay trên Ví MoMo", vị đại diện trên nói.
Ông Đào Đức Luân, Giám đốc Công nghệ thông tin của HD Saison cho hay, công ty thừa hưởng nền tảng công nghệ từ 2 tập đoàn tài chính lớn của thế giới là Ngân hàng Société Générale (Pháp) và Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản). Đồng thời, HD Saison còn có lợi thế khác biệt khi là một phần của hệ sinh thái Sovico Holdings, với các thành viên như HDBank và VietjetAir.
Không chỉ chia sẻ lượng khách hàng lớn và đa dạng, các doanh nghiệp này đã kết nối với nhau về mặt công nghệ và đang cùng nhau phát triển các dự án công nghệ mới. Gần đây, hệ thống đặt vé máy bay của VietjetAir (phát triển bởi đối tác Intelisys - Canada) đã được kết nối thành công với phần mềm lõi (core-lending) quản lý khoản vay khách hàng của HD Saison thông qua công nghệ API (Application Programming Interface - Giao diện lập trình ứng dụng). Theo đó, ngay trong tháng 4 này, HD Saison có thể sẽ triển khai sản phẩm mới và độc quyền là cho khách hàng vay để mua vé máy bay VietjetAir.
Bên cạnh hợp tác với các đơn vị thành viên khác trong tập đoàn, HD Saison còn bắt tay với các đối tác nước ngoài là Microsoft (Mỹ), Infosys (Ấn Độ)... trong những dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ như điện toán đám mây (Cloud Computing), tự động hóa quy trình bằng robot - RPA (Robotics Process Automation)... để luôn giữ vị thế chủ động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sắp tới, HD Saison sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp khác trong Tập đoàn, ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa các công nghệ mới như Big Data (dữ liệu lớn), Digital Banking (ngân hàng số)… nhằm tối ưu hóa hệ thống quản trị, tiết giảm chi phí vận hành và quan trọng hơn là đem đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc VietCredit cho rằng, tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam tại thời điểm hội tụ của Internet tốc độ cao, điện toán đám mây, dữ liệu lớn... nên VietCredit phải được xây dựng trên kiến trúc công nghệ 4.0 để tạo lợi thế cạnh tranh, tăng khả năng cung cấp các sản phẩm tài chính tiêu dùng tiện lợi với mức chi phí phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng.
“Từ xuất phát điểm có nhiều nét tương đồng với một start-up công nghệ, VietCredit tin rằng, đầu tư vào công nghệ chính là lời giải cho bài toán tối ưu hóa mô hình vận hành, cũng như quản trị rủi ro của Công ty”, Tổng giám đốc VietCredit nói và cho biết thêm, trong những năm qua, VietCredit đã triển khai một hệ thống tương tác đồng bộ với các công ty công nghệ tài chính hàng đầu như SAS (Mỹ), Nucleus (Ấn Độ), BPC (Thụy Sỹ)...
Cũng theo lãnh đạo VietCredit, do tham gia thị trường tài chính tiêu dùng muộn hơn các đối thủ, VietCredit sẽ chỉ chú trọng đến mảng cho vay tiền mặt, với sản phẩm thẻ vay VietCredit giúp khách hàng có thể vay - trả góp trong thời gian 36 tháng.
Chuyển mình bằng công nghệ, hướng tới thành công
Thực tế, phần lớn người tiêu dùng Việt đã bắt đầu am hiểu công nghệ. Tính đến cuối năm 2017, có khoảng 84% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Dù vậy, việc vay tiêu dùng vẫn chủ yếu áp dụng quy trình thủ công. Quá trình xét duyệt hồ sơ cho vay tiêu dùng thường mất đến 4-5 ngày và trải qua nhiều bước như khách hàng phải làm đơn đề nghị vay trực tiếp qua nhân viên tín dụng hoặc trên website công ty; sau khi được tư vấn, khách hàng nộp các chứng từ theo yêu cầu, rồi công ty tiến hành thẩm định hồ sơ và yêu cầu xác minh qua điện thoại và/hoặc thẩm định trực tiếp tại nhà khách hàng, bước này thường mất 1-3 ngày trước khi bên cho vay đưa ra quyết định; cuối cùng, khách hàng cần ký kết hợp đồng vay và sau khi hoàn tất các bước trên, tiền giải ngân mới được chuyển vào tài khoản của khách hàng, hoặc khách hàng nhận tiền mặt tại các điểm chi hộ.
Nếu được đầu tư bài bản về công nghệ, công ty tài chính sẽ tiết giảm được thời gian và chi phí vận hành, song quan trọng là giảm bớt các thủ tục cho người vay. Đơn cử, FE Credit là đơn vị tài chính tiêu dùng đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công nền tảng cho vay kỹ thuật số mang tên “$NAP”. Nền tảng này được lập trình hoàn toàn tự động, mang đến một quy trình cho vay hoàn chỉnh và khép kín mà không cần đến sự can thiệp của con người, giúp rút ngắn toàn bộ quá trình vay chỉ còn 10-15 phút và khách hàng được giải ngân tiền trong vòng vài giờ đồng hồ.
Theo ông Nguyễn Thiện Tâm, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến của FE Credit, ứng dụng cho vay mới mẻ này đang thu hút sự chú ý của người tiêu dùng nhờ giảm thiểu được những bất cập của mô hình cho vay truyền thống. Việc hợp tác với các tập đoàn FinTech hàng đầu thế giới cho phép FE Credit ứng dụng các công nghệ tân tiến vào nền tảng cho vay kỹ thuật số này, giúp mang đến trải nghiệm đột phá cho người dùng.
Thực tế, một thách thức lớn khi áp dụng nền tảng cho vay này ở Việt Nam là hầu hết các chứng từ bắt buộc trong hồ sơ vay như giấy chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân, hóa đơn tiền điện hay bảng lương... đều được lưu giữ dưới dạng văn bản giấy, mà không có một hệ thống dữ liệu tập trung nào để tra cứu. Nhằm khắc phục nhược điểm này, $NAP sử dụng công nghệ Nhận dạng ký tự quang học (OCR) và Nhận dạng chữ viết tay (ICR) để xác minh danh tính khách hàng và ghi nhận thông tin trên giấy tờ được người dùng chụp bằng chính điện thoại của họ.
Đồng thời, FE Credit còn áp dụng công nghệ Nhận diện khuôn mặt, một phần mềm sinh trắc học giúp gia tăng độ chính xác trong quá trình thẩm định và xác minh khách hàng tự động. Công nghệ này sử dụng ảnh chân dung khách hàng tự chụp để truy vấn dữ liệu tín dụng và đưa ra quyết định. Nhận diện khuôn mặt không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, nhân lực và tăng độ chính xác trong việc nhập dữ liệu khách hàng, mà còn hỗ trợ quá trình thẩm định, xét duyệt tín dụng và giảm thiểu gian lận.
"Chỉ trong 2 tháng triển khai thí điểm $NAP (tháng 8-11/2018), FE Credit đã nhận được kết quả khả quan khi số lượng đăng ký vay và số khoản vay được giải ngân tăng trung bình 280% mỗi tháng. Tính đến cuối tháng 11/2018, số lượng đăng ký vay đã đạt gần 150.000 lượt và hiện có khoảng 2.000 lượt đăng ký mỗi ngày", ông Tâm cho hay.
FE Credit đang triển khai nền tảng số phục vụ nhóm khách hàng tiểu thương quản lý tài khoản và thanh toán hàng hóa trên thiết bị di động trong hạn mức tín dụng được cấp, mở ra cơ hội cho hơn 5 triệu tiểu thương đang chiếm đến 90% thị trường bán lẻ Việt Nam được hoạt động dưới một hệ thống tài chính thống nhất qua cổng thanh toán trực tuyến.
Chia sẻ với phóng viên, một lãnh đạo cấp cao của SHB Finance cho hay, mạng lưới của SHB Finance có mặt tại gần 30 tỉnh, thành phố và cung cấp dịch vụ cho khoảng 30.000 khách hàng tính đến hết năm 2018. Mục tiêu sau 5 năm hoạt động, SHB Finance sẽở trong nhóm 3 công ty tài chính đứng đầu hoạt động hiệu quả.
"Để đạt được mục tiêu này, SHB Finance hướng đến cung cấp dịch vụ nhanh chóng, đơn giản, tiện ích cho khách hàng dựa trên ứng dụng hiệu quả nền tảng công nghệ tiên tiến và quy trình vận hành chặt chẽ, thông suốt...", vị lãnh đạo trên nói.
Đại diện Easy Credit cho rằng, chỉ những công ty tài chính đẩy mạnh việc đa dạng hóa các kênh bán hàng, bao gồm kênh online và các kênh liên kết đối tác, để gia tăng khả năng tiếp cận với khách hàng trên nền tảng công nghệ được đầu tư bài bản, thì mới có thể bắt kịp được nhu cầu người cần vốn. Dự kiến đến cuối năm 2020, Easy Credit sẽ có mặt tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và có hơn 1 triệu khách hàng.