Nhân viên bản địa được trang bị kỹ năng để quản lý việc thu hồi nợ, cũng như thấu hiểu nhu cầu khách hàng

Nhân viên bản địa được trang bị kỹ năng để quản lý việc thu hồi nợ, cũng như thấu hiểu nhu cầu khách hàng

Công ty tài chính số hóa quản trị rủi ro

(ĐTCK) Ông Marcin Figlus, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro của FE Credit cho biết: “Tỷ lệ nợ xấu năm 2018 của Công ty ở mức tương đối tốt khi so sánh với con số của năm 2016 và 2017 là 6,9% và 6,2%. Tỷ lệ trong các năm này còn có thể đạt mức tốt hơn nếu loại trừ ảnh hưởng của tình trạng khách hàng được thống kê bởi Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), lần lượt đạt mức 5,9% năm 2016 và 4,8% năm 2017, nhờ việc dọn sạch các danh mục đầu tư xấu và hiệu suất rủi ro của danh mục đầu tư cơ bản được cải thiện theo thời gian”.

Theo ông Figlus, để có được kết quả trên, việc cải thiện chất lượng của danh mục đầu tư được thực hiện trong nhiều giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn đầu là lựa chọn khách hàng với mục tiêu giảm thiểu số lượng khoản vay có khả năng gặp khó khăn khi thu hồi nợ. Giai đoạn thứ hai là cải thiện công đoạn nhắc nhở thanh toán hàng tháng, cũng như các khoản vay quá hạn, cùng làm việc với khách hàng để tìm giải pháp thu hồi khoản nợ quá hạn và giúp khoản vay quay lại lịch thanh toán như đã thỏa thuận.

“Giai đoạn thứ ba là 'xóa sổ' các khoản nợ quá hạn hơn 180 ngày khỏi danh mục đầu tư để bảo vệ bảng cân đối kế toán hay danh mục tài sản khỏi suy giảm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng tôi dừng nỗ lực thu hồi nợ, mà trước đó đã thu hồi từ 20-30% số nợ bị loại khỏi sổ sách, tùy vào loại danh mục đầu tư”, ông Figlus chia sẻ.

Cũng theo vị này, FE Credit đã áp dụng khoảng 30 mô hình chấm điểm và chuyển từ phương pháp thống kê sang kỹ thuật học máy (Machine Learning) để có thể lựa chọn được những khách hàng tốt nhất.

“Chúng tôi có sự kết hợp chiến lược giữa các chuyên gia để xây dựng các mô hình quản trị rủi ro hiệu quả, trong đó các nhân viên bản địa được trang bị năng lực và kỹ năng để quản lý việc thu hồi nợ, cũng như thấu hiểu được nhu cầu của khách hàng. Chuyên gia nước ngoài sẽ là những nguời áp dụng các kỷ luật trong quản lý nợ của khách hàng, những nền tảng công nghệ hỗ trợ sẽ luôn sẵn sàng trong việc dự đoán các tổn thất và đưa ra lựa chọn khách hàng hợp lý”, ông Figlus nói.

Lý giải về hoạt động của Mcredit, ông Hoàng Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cho biết: “Chúng tôi rút ra được một số nguyên tắc trong vận hành thực tế. Thêm vào đó, với kinh nghiệm quản trị từ MB và Shinsei Bank, đặc biệt là kinh nghiệm quản trị rủi ro, quy trình vận hành hiện đại tại Công ty Tài chính Shinsei - Top 3 công ty tài chính tiêu dùng ở Nhật Bản, Mcredit sẽ được hỗ trợ rất nhiều trong công tác điều hành, quản trị rủi ro và đặc biệt là kiểm soát nợ xấu”.

Còn ông Dmitry Mosolov, Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam cho rằng, tương lai đang chuyển đổi theo công nghệ và chính công nghệ đang dẫn dắt chúng ta đến với tương lai. Không nằm ngoài xu thế này, Home Credit chú trọng vào phát triển công nghệ và sự sáng tạo, vì đây chính là nền tảng để Home Credit biến những trải nghiệm mua sắm thông thường trở nên tuyệt vời hơn. 

“Chúng tôi đang dần số hóa các hoạt động nhằm tương tác và xử lí trực tuyến các yêu cầu vay của khách hàng ở bất kì thời điểm nào. Hệ thống dữ liệu lớn giúp chúng tôi đảm bảo thu thập các thông tin của khách hàng an toàn hơn và thấu hiểu hành vi, sở thích của khách hàng một cách hiệu quả hơn. Đây là cách mà công nghệ và tài chính đang bắt tay nhau để đưa Home Credit và khách hàng cùng hội nhập”, ông Mosolov nói.

Ông Marcin Figlus cho biết thêm, với kỹ thuật nhận dạng khuôn mặt, công nghệ sẽ giúp FE Credit xác định khách hàng nhanh hơn, từ đó nhanh chóng đưa ra cho khách hàng những sản phẩm hoặc ưu đãi phù hợp, đặc biệt là với những khách hàng vốn có lịch sử giao dịch trong cơ sở dữ liệu của Công ty. Toàn bộ quá trình sẽ giúp FE Credit giảm thiểu gian lận có thể phát sinh.

“Trong năm 2019, việc áp dụng kỹ thuật học máy trong quy trình ra quyết định tín dụng sẽ hỗ trợ FE Credit đánh giá tốt hơn rủi ro của từng khách hàng, từ đó có thể đưa ra quyết định chính xác hơn trong việc cung cấp các khoản vay, cũng như sản phẩm phù hợp theo nhu cầu khách hàng. Những thay đổi này mang tính bền vững và được kỳ vọng sẽ tạo ra kết quả tích cực cho FE Credit trong dài hạn”, ông Figlus nhấn mạnh.

Nhằm cung cấp các thông tin hữu ích tới bạn đọc và người dân, Báo Đầu tư sẽ tổ chức cuộc Tọa đàm về hoạt động cho vay tiêu dùng năm thứ ba với chủ đề “Phát triển Tín dụng tiêu dùng – Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” vào hồi 9h ngày 15/3 (thứ Sáu) tại trụ sở Báo Đầu tư – 47, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội.

Tham dự Tọa đàm có các chuyên gia kinh tế tài chính hàng đầu hiện nay gồm TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước; TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, LS. Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành BASICO, và nhiều chuyên gia, lãnh đạo các tổ chức tài chính lớn hiện nay.

Tin bài liên quan