Khách hàng chính của các công ty tài chính như FE Credit, Home Credit, HD Saison là những người có thu nhập thấp đến trung bình. Ảnh: Đức Thanh

Khách hàng chính của các công ty tài chính như FE Credit, Home Credit, HD Saison là những người có thu nhập thấp đến trung bình. Ảnh: Đức Thanh

Công ty tài chính nỗ lực đẩy lùi tín dụng đen

Các công ty tài chính đang nỗ lực kết hợp với các nhà bán lẻ tại các địa phương để đẩy mạnh truyền thông, giúp người dân biết đến các dịch vụ tài chính thiết thực của tài chính tiêu dùng và tránh xa tín dụng đen.

Nỗ lực của các công ty tài chính

Tín dụng đen vẫn đang nở rộ và hoành hành dữ dội, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo rất nhiều. Chỉ riêng ở Lâm Đồng, từ năm 2018 đến nay, đã phát hiện 87 vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Công an đã khởi tố 19 vụ, 50 bị can; xử lý hành chính 16 vụ, 30 đối tượng. Hiện Lâm Đồng còn đang giải quyết 34 vụ, trong đó khởi tố 10 vụ, 25 bị can.

Còn trên phạm vi cả nước, trong vòng 4 năm trở lại đây, đã có 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, bao gồm 56 vụ giết người, 398 vụ gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản…

Ở các thành phố lớn như TP.HCM, Bình Dương…, tín dụng đen diễn biến rất phức tạp. Nhưng “vòi bạch tuộc” tín dụng đen còn len lỏi, hoành hành kinh khủng hơn ở các khu vực nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, gây ảnh hưởng khôn lường tới an ninh xã hội và đời sống người dân. Ở vùng Tây Nguyên, nhiều gia đình phải bán nhà để trả nợ vì dính đến tín dụng đen…

Để đẩy lùi tín dụng đen, bên cạnh nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, thì các cơ quan truyền thông và các tổ chức tín dụng cũng phải vào cuộc quyết liệt.   

Nguyên nhân của tình trạng trên được cho là nhu cầu vay tiền của người dân rất lớn, nhưng nhiều người chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính của các tổ chức tín dụng hợp pháp dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong đó các tổ chức cho vay chủ yếu là các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính.

Ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc HD Saison cho rằng, để vay được tiền từ các ngân hàng, người vay phải có tài sản đảm bảo hoặc chứng minh được thu nhập, phải trải qua các quy trình xử lý kéo dài vài ngày (thẩm định, ký kết hợp đồng…), phải cung cấp nhiều loại chứng từ và không phải ai cũng đủ điều kiện để vay tiền từ ngân hàng. Hơn nữa, ngân hàng chủ yếu cho vay có thế chấp, nếu cho vay tín chấp thì sẽ hướng đến các khách hàng có thu nhập chuyển khoản qua ngân hàng, hoặc có hợp đồng lao động rõ ràng, với mức lương tương đối cao so với mặt bằng chung.

Trong khi đó, nhiều người có nhu cầu tín dụng lại là lao động tự do, lao động phổ thông, không có hợp đồng lao động và không nhận lương qua chuyển khoản ngân hàng. Đặc biệt, họ là những người có thu nhập thấp đến trung bình, chưa hội đủ điều kiện để tiếp cận nguồn tín dụng của ngân hàng. Họ còn hạn chế về kiến thức tài chính, chưa được làm quen với các dịch vụ tài chính hiện đại và cũng không biết làm thế nào để vay được tiền từ các tổ chức tín dụng.

Trên thị trường, tín dụng đen tràn lan và nhắm đến những đối tượng khách hàng thiếu thông tin và cần tiền ngay. Nhiều người biết tín dụng đen là bất hợp pháp, có lãi suất “cắt cổ” và do những đối tượng xã hội đen điều hành, nhưng vẫn vay, do nghĩ rằng đây là giải pháp duy nhất để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của mình. Không ít người vay tín dụng đen nhưng cũng không lường hết được rủi ro nguy hại sẽ xảy ra trong tương lai.

Bản thân các ngân hàng thương mại thường “ngại” cho những khách hàng “dưới chuẩn” vay tín dụng vì chi phí hoạt động cao và rủi ro mất vốn lớn. Những khách hàng có thu nhập thấp đến trung bình là khách hàng chính của các công ty tài chính như: FE Credit, Home Credit, HD Saison.

Tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc..., người dân xem việc vay tiêu dùng từ ngân hàng, công ty tài chính là một thói quen thông thường và họ hiếm khi phải vay tín dụng đen. Lãnh đạo các công ty tài chính cho rằng, tại Việt Nam cũng vậy, khi người dân đã quen với các dịch vụ tín dụng tiêu dùng hiện đại và nhận ra các lợi ích thiết thực của hình thức này thì tín dụng đen không thể hoành hành.

Không chỉ cung cấp các khoản vay

Thực tế cho thấy, không chỉ ở Việt Nam, mà ở tất cả các quốc gia trên thế giới, không thị trường tài chính nào có thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu tín dụng tiêu dùng của người dân, nếu chỉ có hoạt động của các ngân hàng, đặc biệt là nhu cầu vay tiêu dùng nhỏ lẻ trong thời gian ngắn. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng của thị trường Việt Nam một cách lành mạnh và hợp pháp, việc phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng phi ngân hàng là điều cần thiết.

Home Credit xác định, việc đẩy lùi tín dụng đen không chỉ đơn thuần là cung cấp các khoản vay, mà quan trọng hơn, phải tăng cường cung cấp kiến thức tài chính cho người dân, cũng như định hướng họ sử dụng khoản vay theo hướng tích cực. Theo ông Trịnh Bá Việt Xô, Trưởng phòng Quản lý đối tác chiến lược (Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam), Công ty thường xuyên cung cấp các ấn phẩm bỏ túi, tổ chức các buổi tư vấn kiến thức tài chính cho nhiều đối tượng tiêu dùng, đặc biệt là thanh niên và giới nội trợ. 

Thực tế, dù lãi suất của tín dụng đen cao gấp cả chục lần so với các công ty tài chính, nhưng nhiều người vẫn nhắm mắt vay tiền, bởi có những khu vực vùng sâu, vùng xa, chỉ có nhân viên của công ty tài chính bám điểm, bám bản. Trong khi đó, tại những địa điểm này, tín dụng đen thường tung hoành rất mạnh. Các công ty tài chính đang nỗ lực kết hợp với các nhà bán lẻ tại địa phương để đẩy mạnh truyền thông, giúp người tiêu dùng biết đến các dịch vụ tài chính thiết thực của tài chính tiêu dùng, tránh xa tín dụng đen.

Theo ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc HD Saison, để đẩy lùi tín dụng đen, bên cạnh nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, thì các cơ quan truyền thông và các tổ chức tín dụng cũng phải vào cuộc quyết liệt. Khách hàng cần được tiếp cận các nguồn thông tin chính thống để nâng cao nhận thức về tác hại của tín dụng đen và biết đến các giải pháp thay thế. Các tổ chức tín dụng cũng nên đẩy mạnh các ưu đãi cho khách hàng, kiên trì giới thiệu dịch vụ đến từng khách hàng, giúp họ thay đổi nhận thức và dần hình thành thói quen vay tiêu dùng thay cho vay tín dụng đen.

Còn lãnh đạo FECredit cho rằng, các tổ chức tín dụng tiêu dùng cần được tạo điều kiện để phối hợp với các tổ chức xã hội, ban, ngành, đoàn thể truyền thông về tín dụng tiêu dùng đến các tầng lớp nhân dân. Qua đó giúp người dân nâng cao kiến thức tài chính, có điều kiện tiếp cận tín dụng hợp pháp, tránh việc đánh đồng tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính với tín dụng đen.

Tọa đàm về cho vay tiêu dùng

Nhằm cung cấp các thông tin hữu ích tới bạn đọc và người dân, Báo Đầu tư tổ chức tọa đàm về hoạt động cho vay tiêu dùng năm thứ ba với chủ đề “Phát triển tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen”. Tọa đàm diễn ra vào sáng nay (15/3) tại Trụ sở Báo Đầu tư (47 - Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội).

Tham gia tọa đàm có các diễn giả: TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM); Bà Trần Kim Anh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế - Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương); ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước); TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế; Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Basico và nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính khác. 

Tin bài liên quan