Việc bán vốn cho đối đối tác nước ngoài đảm bảo đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho SHBFC, cũng như Ngân hàng mẹ SHB.

Việc bán vốn cho đối đối tác nước ngoài đảm bảo đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho SHBFC, cũng như Ngân hàng mẹ SHB.

Công ty tài chính bán vốn cho đối tác ngoại: Nới không gian cho lối đi hẹp

(ĐTCK) Tác động của đại dịch Covid-19, cũng như những chính sách, quy định mới được nhìn nhận sẽ khiến thị trường tài chính tiêu dùng năm 2020 tăng trưởng chậm lại, nhưng cũng là cơ hội để các công ty tài chính cơ cấu lại hoạt động, trong đó có việc bán vốn cho đối tác ngoại.

Giảm lãi vay: Thách thức lớn của các công ty tài chính

Một vấn đề luôn luôn “nóng” đối với thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đó là lãi suất cao. Trả lời câu hỏi vì sao lãi suất cho vay tiêu dùng tại Việt Nam cao hơn nhiều nước trên thế giới, ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc VietCredit phân tích, nếu chỉ nhìn vào lãi suất cho vay thì đúng là ở Việt Nam khá cao, nhưng nhìn một cách tổng thể, sự so sánh này có phần khập khiễng.

Ông Tâm cho biết, lãi suất huy động của các công ty tài chính ở các quốc gia khác thấp hơn Việt Nam, chỉ khoảng 3-5%/năm, trong khi lãi suất của Việt Nam gấp đôi con số này, đó là chưa kể chi phí cấu thành lãi suất cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng Việt Nam cũng khác.

“Bên cạnh đó, năng lực về vốn của các công ty tài chính tiêu dùng tại các quốc gia trong khu vực cũng lớn hơn Việt Nam, đồng thời các công ty tài chính trong nước không phải lúc nào cũng tiếp cận được các nguồn vốn giá rẻ từ nước ngoài vì rating (xếp hạng tín nhiệm) còn thấp”, ông Tâm nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tâm, các quỹ hay các định chế tài chính trên thế giới khi cho vay thì phần lớn đều nhìn vào rating và lựa chọn kỹ lưỡng trước khi cho vay.

Trong khi đó, hiếm có công ty tài chính nào của Việt Nam được S&P hoặc Moody’s đánh giá ở mức A-, chứ chưa nói tới A+.

Thực tế, hiện diện tại Việt Nam từ năm 2008, nhưng phải đến năm 2018, lần đầu tiên Moody’s mới xếp hạng tín nhiệm Home Credit. Tương tự, tiền thân là Khối Tín dụng tiêu dùng trực thuộc
VPBank vào năm 2010, nhưng đến tháng 2/2015 chuyển đổi hoạt động tín dụng tiêu dùng sang một pháp nhân độc lập mới, với thương hiệu FE Credit và đến năm 2018, FE Credit mới được xếp hạng tín nhiệm.

“Sinh sau đẻ muộn”, nhưng lại được Moody’s “để mắt” sớm hơn là Công ty Tài chính SHB (SHBFC). Ðược cấp phép thành lập vào cuối năm 2016 và đến đầu năm 2017 chính thức nhận giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đến năm 2019, Moody’s đã xếp hạng tín nhiệm SHBFC.

Cả 3 công ty tài chính được Moody’s xếp hạng tại thời điểm đó đều ở mức B. Tuy nhiên, cuối tuần qua, tổ chức này có báo cáo xem xét hạ bậc tín nhiệm của 3 công ty này do sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 làm giảm triển vọng kinh tế toàn cầu.

Trong cuộc trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, cả lãnh đạo FE Credit và Home Credit cùng thừa nhận, việc huy động vốn trong những năm qua rất khả quan do chất lượng hoạt động của các công ty tài chính tốt, nhưng bắt đầu gặp khó khăn từ cuối năm 2019.

Ðể đảm bảo nguồn vốn, các công ty tài chính sẽ huy động vốn trong nước thông qua hình thức chứng chỉ tiền gửi từ các tổ chức bởi các lý do sau: Thứ nhất, các công ty tài chính không được huy động tiền gửi từ dân cư; thứ hai, các công ty tài chính vay liên ngân hàng chỉ được vay kỳ hạn tối đa 1 năm; thứ ba, công ty tài chính vẫn phải tuân thủ các chỉ số thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn.

“Huy động vốn thông qua hình thức chứng chỉ tiền gửi không hề đơn giản. Do đó, một trong những lý do chính khiến lãi suất cho vay của các công ty tài chính cao bởi vốn đầu vào cao. Ðiều này đang thách thức sự kiên nhẫn của chính lãnh đạo các công ty tài chính, chứ không chỉ khách hàng”, lãnh đạo cao cấp một công ty tài chính nói.

Bán vốn cho nhà đầu tư ngoại: Cần thêm thời gian

Ðánh giá về thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, ông Shibata Kenichi, Trưởng phòng cấp cao, Công ty TNHH Hitachi Asia (Việt Nam) nhận định, đây là thị trường tăng trưởng mạnh, bình quân mỗi năm đạt khoảng 30%, hứa hẹn tích cực trong việc cho vay tiêu dùng.

“Thị trường cho vay tiêu dùng Nhật Bản cách đây 30 năm cũng giống như Việt Nam hiện nay với nhu cầu cho vay tiêu dùng rất lớn khi số liệu tăng trưởng qua mỗi năm đều mạnh”, ông Shibata Kenichi nói.

Chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán, lãnh đạo các công ty tài chính tiêu dùng đều chung nhận định, thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam năm 2020 tiếp tục tăng trưởng, nhưng sẽ chậm lại so với những năm trước do tác động của dịch bệnh, cũng như chính sách mới.

Liên quan tới yếu tố chính sách, nhiều ý kiến cho rằng, sau thời gian bùng nổ, việc ban hành chính sách đảm bảo cho các công ty tài chính quay lại hoạt động an toàn, bền vững hơn là cần thiết, tránh sự phát triển quá nóng, vượt ra khỏi khả năng quản lý của cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Mặc khác, tốc độ phát triển chậm lại của thị trường được cho rằng cũng là cơ hội để các công ty tài chính tiêu dùng chủ động cơ cấu lại hoạt động và từng công ty có sự lựa chọn khác nhau.

Lãnh đạo VietCredit cho biết, Công ty sẽ tập trung đầu tư cho công nghệ nhằm giải quyết bài toán về năng suất lao động, tối ưu hoá chi phí vận hành, từ đó hướng tới mục tiêu trở thành công ty có tổ chức gọn nhẹ, vận hành hiệu quả, quản trị rủi ro tốt, cũng như nâng cao trải nghiệm khách hàng.

“Với tất cả những điều này hội tụ lại, chi phí đầu ra của công ty sẽ rẻ hơn và chúng tôi có cơ hội giảm lãi suất cho khách hàng, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường”, ông Tâm nói.

Còn tại SHBFC, bán vốn cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài được xem là bước đi chiến lược, với kỳ vọng sẽ giúp SHBFC tận dụng được kinh nghiệm triển khai, năng lực quản trị, hệ thống kênh phân phối hiện đại và chuyên nghiệp của những đối tác này.

Ðặc biệt, việc bán vốn còn đảm bảo đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho SHBFC, cũng như Ngân hàng mẹ SHB.

“Sau 2 năm chính thức hoạt động, SHBFC ghi nhận kết quả ấn tượng: Tổng tài sản đạt gần 3.300 tỷ đồng tính đến cuối năm 2019, tăng 2,75 lần so với năm 2018; trong đó dư nợ đạt 2.700 tỷ đồng, gấp 3,8 lần; huy động được 1.800 tỷ đồng giấy tờ có giá từ 14 tổ chức đầu tư chuyên nghiệp là các công ty quản lý quỹ và các tổ chức tín dụng; lượng khách hàng tiếp cận mới đạt trên 460.000 người sau gần 20 tháng triển khai bán hàng toàn diện; lợi nhuận đạt gần 107 tỷ đồng… Ðiều này giúp SHBFC thêm tự tin lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài phù hợp”, một lãnh đạo cao cấp của SHBFC cho biết.

Ðồng quan điểm, một lãnh đạo cao cấp của FE Credit cho biết: “Bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài với mục tiêu tăng vốn là điểm FE Credit đã tính đến, nhưng hiện vẫn chưa triển khai được”.

Theo giới phân tích, việc bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của các công ty tài chính cần có thêm thời gian. Bởi lẽ, quan điểm của nhiều doanh nghiệp là nhà đầu tư chiến lược cần phải tham gia vào quản trị điều hành, đóng góp công nghệ, sản phẩm…, nếu không rõ nét về mặt chiến lược mà chỉ đơn thuần là đầu tư tài chính, thì không thể thành cổ đông chiến lược.

Tin bài liên quan