Ảnh Internet
Theo đó quý IV/2020 PVM đạt doanh thu 30 tỷ đồng, giảm 60%; lợi nhuận sau thuế đạt 14,7 tỷ đồng, gấp đôi so với quý IV/2019. Lũy kế cả năm 2020, PVM đạt doanh thu 209,4 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 doanh thu năm 2019; nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 56,4 tỷ đồng, tăng 21% so với con số 46,6 tỷ của năm 2019.
PVM giải trình nguyên nhân doanh thu giảm là do ảnh hưởng của dịch Covid làm cho hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng. Còn lợi nhuận tăng là do trong kỳ Công ty thu được nợ phải thu khó đòi, hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi.
Số liệu báo cáo tài chính cho thấy khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi đã giảm đi 5,2 tỷ đồng so với đầu năm 2020; khoản cổ tức và lợi nhuận được chia năm 2020 là 83,6 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 81,3 tỷ đồng năm 2019.
Hiện nay cổ đông chi phối nắm 51,6% vốn điều lệ PVM là Tổng công ty Điện lực dầu khí PVPower. Vừa qua PVPower đã công bố Quyết định của HĐQT ngày 8/1/2021 phê duyệt phương án sắp xếp tái cơ cấu PVPower, trong đó lên kế hoạch thoái hết vốn ở 8 đơn vị bao gồm cả PVM.
Như vậy, ai mua được phần vốn từ PVPower bán ra sẽ nắm quyền chi phối hoạt động của PVM.
Từ lâu PVM đã nổi tiếng vì có vốn góp trong 3 liên doanh gà đẻ trứng vàng: 10% vốn tại Công ty TNHH FCC Việt Nam, 10% tại Công ty TNHH Vietnam Nippon Seiki và 8,45% tại Công ty TNHH Phụ tùng xe máy ô tô SHOWA Việt Nam (với tổng giá trị sổ sách chỉ là 98 tỷ đồng). Hoạt động của 3 liên doanh đều rất hiệu quả, hàng năm mang lại cho PVM thu nhập tài chính từ cổ tức tiền mặt đều đặn.
PVM quản lý và sử dụng nhiều bất động sản như đất tại số 8 Tràng Thi - Hoàn Kiếm (Hà Nội), lô đất 23.600 m2 tại đường Đào Cao Mộc (Đông Anh, Hà Nội); liên doanh với Công ty Bách Hóa Hà Nội để khai thác lô đất số 7 Đinh Tiên Hoàng…