Cơ chế, chính sách về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty định mức tín nhiệm (CRA) lẽ ra phải hoàn thành từ năm 2013 theo lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến 2020 đã được Bộ Tài chính phê duyệt vào tháng 2/2013. Theo lộ trình này, bắt đầu từ năm 2014 đến hết năm 2016 là thời gian để triển khai cơ chế, chính sách.
Tuy nhiên đến đầu năm 2014, Vụ Tài chính báo cáo: việc năm 2013 vẫn chưa có khung khổ pháp lý về hoạt động định mức tín nhiệm là một trong những tồn tại hạn chế trong năm qua, đồng thời đẩy lùi thời gian hoàn thành Nghị định dự kiến lên quý I/2014.
Nhưng có một thực tế là, việc lập Công ty định mức tín nhiệm đã được bàn tới từ cách đây 10 năm!
Tháng 5/2004, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã cùng với Viện Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản) tổ chức hội thảo, trong đó có sự tham gia của Bộ Tài chính, NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các thành viên thị trường trái phiếu, nhằm giới thiệu mô hình công ty định mức tín nhiệm và đề xuất việc xây cơ sở pháp lý cho loại công ty này để phát triển thị trường vốn.
Sau 10 năm, hiện nhiều thành viên thị trường tỏ ra nghi ngờ về khả năng một công ty định mức tín nhiệm sẽ đi vào hoạt động ở Việt Nam trong tương lai gần.
Những ý kiến nghi ngờ nói rằng, có những trở ngại về mặt quan điểm trong việc vận hành loại công ty này. Thứ nhất, nếu CRA được lập ra, các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ được xếp hạng như thế nào? Thứ hai, ai sẽ là người vận hành CRA đó?
Một thành viên tham gia vào quá trình thảo luận xây dựng khung pháp lý cho biết, cho đến lúc này vẫn đang có rất nhiều vấn đề được tranh luận giữa các bên tham gia lập chính sách: Ai sẽ sở hữu CRA - Chính phủ, các ngân hàng hay cả hai, để có thể đảm bảo cho CRA vừa hoạt động độc lập, lại vừa được thị trường chấp nhận rộng rãi? CRA sẽ xếp hạng chỉ khi bên đi vay nợ yêu cầu hay tự xếp hạng? Việc xếp hạng sẽ thực hiện chung cho tổ chức phát hành nợ hay chỉ cho chứng khoán nợ? Nên sử dụng mô hình đo lường nào tại một thị trường đang phát triển như Việt Nam?...
Trong khi đó, cũng có những ý kiến thông cảm cho rằng, việc thành lập CRA cũng giống như một vài cơ sở hạ tầng khác, sẽ phát triển khách quan theo cùng với tốc độ phát triển thị trường trái phiếu. Thực tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn rất sơ khai, trong đó, bên mua trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là các ngân hàng lớn có kinh nghiệm trong việc thẩm định tín dụng doanh nghiệp, vì thế đối với một số nhà đầu tư lớn, họ thậm chí không đòi hỏi phải có CRA sớm.
Nhu cầu chưa lớn, quyết tâm chưa cao có phải là lý do khiến CRA Việt Nam 10 năm đã bàn và còn bàn mãi?...