Công ty chứng khoán nung nấu kế hoạch M&A đến bao giờ?

Một số công ty chứng khoán đang nung nấu kế hoạch mua bán và sáp nhập (M&A). Đây có thể là một trào lưu, khi các công ty chứng khoán đều nhận thấy ưu thế vượt trội của các doanh nghiệp dẫn đầu. 
Công ty chứng khoán nung nấu kế hoạch M&A đến bao giờ?

Ông Nguyễn Đỗ Lăng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán APEC cho biết, APEC đang tìm kiếm 1 - 2 công ty chứng khoán để sáp nhập vào APEC. Theo ông Lăng, mục đích việc sáp nhập là gia tăng vị thế và tiềm lực cho Công ty.

Năm 2014, APEC đặt mục tiêu tăng trưởng 20% thị phần môi giới, mở mới thêm 1.300 tài khoản. Ngoài tái cơ cấu danh mục đầu tư, APEC tập trung tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư vào danh mục có các dự án tốt. Theo đó, doanh thu dự kiến năm 2014 là 37,3 tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế 14,8 tỷ đồng. Đại diện APEC cho biết, nếu VN-Index tiếp tục duy trì trên 600 điểm, thì khả năng Công ty vượt 1,5 lần kế hoạch lợi nhuận là hoàn toàn khả thi.

Công ty cổ phần Chứng khoán Hải Phòng (HSC) cũng có kế hoạch tìm đối tác để thực hiện sáp nhập, hợp nhất. Mới đây, cổ phiếu HPC của HSC vừa bị đưa vào diện cảnh báo, do lợi nhuận lũy kế đến ngày 31/12/2013 âm.

Đây là tồn dư từ thời kỳ khó khăn của HSC những năm trước đây. Theo đó, trong giai đoạn 2008 - 2011, HSC gặp khó khăn trong kinh doanh, do phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán, dự phòng phải thu khó đòi. Trong hai năm 2012-2013, kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty tuy đã khả quan hơn (năm 2012 lãi 12.450.085.379 đồng và năm 2013 lãi 15.277.747.683 đồng), nhưng các khoản lợi nhuận này chưa bù đắp được khoản lỗ lũy kế của những năm trước đó.

Theo HSC, một trong những phương án để tăng lực cho Công ty thời gian tới là sẽ thực hiện hợp nhất với một công ty khác, đồng thời cơ cấu danh mục đầu tư tự doanh, thu hồi công nợ...

Cuối năm 2013, cặp công ty chứng khoán đầu tiên khơi mào cho hoạt động M&A là thương vụ hợp nhất Công ty Chứng khoán MB (MBS) và Công ty Chứng khoán VIT (VITSE).

Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý Kinh doanh chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), sau thương vụ hợp nhất thành công giữa MBS và VIT, sắp tới, sẽ có thêm 1 - 2 cặp công ty chứng khoán nữa thực hiện sáp nhập, hợp nhất. Đây cũng là một trong những giải pháp của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong lộ trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán, trong đó có việc gia tăng năng lực và chất lượng dịch vụ cho các công ty chứng khoán.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện trên thị trường chứng khoán có 104 công ty chứng khoán, với tổng vốn chủ sở hữu khoảng 36.910 tỷ đồng. Mạng lưới hoạt động công ty chứng khoán bao gồm 114 chi nhánh, 41 phòng giao dịch, 4 văn phòng đại diện. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư mở tại các công ty chứng khoán đạt 1.287.576 tài khoản, với 1.271.858 tài khoản của nhà đầu tư trong nước và 15.718 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài.

Kết quả kinh doanh năm 2013 cho thấy, có trên 30% công ty chứng khoán có lãi lũy kế. Theo lộ trình tái cấu trúc, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ thực hiện phân loại các công ty chứng khoán thành 4 nhóm. Nhóm 1 là các công ty chứng khoán hoạt động lành mạnh, gồm các công ty có tỷ lệ vốn khả dụng trên 180%. Nhóm 2 là các công ty hoạt động bình thường gồm các công ty có tỷ lệ vốn khả dụng đạt 150 - 180%. Nhóm 3 là nhóm bị kiểm soát gồm các công ty có tỷ lệ vốn khả dụng đạt 120 - 150%. Nhóm 4 là nhóm bị kiểm soát đặc biệt gồm các công ty hoạt động kinh doanh thua lỗ (tỷ lệ vốn khả dụng dưới 120%).

Tin bài liên quan