Ông nhìn nhận như thế nào về hiện trạng phát triển của khối công ty chứng khoán trong những năm gần đây?
Tôi cho rằng, khối công ty chứng khoán trong những năm gần đây đã có bước phát triển mạnh mẽ về chất, đặc biệt là các doanh nghiệp ở Top đầu. Các công ty chứng khoán đều công bố lợi nhuận năm 2017 khả quan, đồng thời đặt kế hoạch kinh doanh cao hơn nữa trong năm 2018. Điều đó chứng tỏ các doanh nghiệp tự tin vào khả năng của mình.
Các công ty chứng khoán lớn đang có lợi thế khi tham gia một loạt sân chơi mới như chứng khoán phái sinh, chứng quyền có đảm bảo. Ông có cho rằng điều này đang nới rộng dư địa phát triển cho các công ty chứng khoán lớn, trong khi gia tăng sức ép đào thải các công ty chứng khoán quy mô nhỏ, hiệu quả làm ăn yếu kém?
Từ năm 2012, Đề án “Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1826/2012, đã được thực hiện nhằm giảm số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động của khối công ty chứng khoán và mang lại những kết quả khả quan.
Đến cuối năm 2017, theo công bố của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Top 10 công ty chứng khoán chiếm đến 74% thị phần môi giới chứng khoán toàn thị trường, con số này của quý I/2018 là 71,87%. Điều đó cho thấy, “miếng bánh” thị phần dành cho các công ty chứng khoán quy mô nhỏ ngày càng ít đi. Ngay trong quý I/2018, đã có một số công ty chứng khoán công bố thực hiện giải thể, sáp nhập… tự nguyện, chứng tỏ sức ép từ các công ty chứng khoán quy mô lớn ngày càng nặng.
Cánh cửa cạnh tranh lại càng hẹp hơn cho các công ty chứng khoán nhỏ khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang có xu hướng nâng cao các tiêu chuẩn về quy mô, tỷ lệ an toàn vốn... đối với công ty chứng khoán tham gia các sản phẩm mới như chứng khoán phái sinh, chứng quyền có bảo đảm... để đảm bảo an toàn cho thị trường và nhà đầu tư.
Việc các sản phẩm môi giới truyền thống không thể cạnh tranh, còn sản phẩm mới không thể tham gia đã và đang buộc các công ty chứng khoán quy mô nhỏ phải tìm thị trường ngách, hoặc hợp nhất, sáp nhập để tăng quy mô hoạt động.
Theo ông, quy định của Luật Chứng khoán, cũng như pháp luật có liên quan đang gây những khó khăn, vướng mắc nào đối với hoạt động của khối công ty chứng khoán?
Luật Chứng khoán ban hành từ năm 2007 khi quy mô thị trường, sức khỏe của các công ty chứng khoán, kinh nghiệm của nhà đầu tư, công nghệ giao dịch… khác nhiều so với hiện nay.
Nói riêng về các quy định liên quan đến hoạt động, nghiệp vụ của công ty chứng khoán, có thể cần phải sửa đổi những quy định về sản phẩm của công ty chứng khoán bị hạn chế; đánh giá, giám sát, nghĩa vụ báo cáo của công ty chứng khoán là giống nhau cho mọi trường hợp; các tỷ lệ giới hạn đầu tư của công ty chứng khoán không cho phép các công ty này tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con; một số quy định về giao dịch, báo cáo và công bố thông tin chưa hướng đến kênh giao dịch điện tử...
Từ thực tiễn bối cảnh thị trường trong nước, cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế, theo ông, trong lần sửa đổi Luật Chứng khoán này nên khắc phục những bất cập, vướng mắc trên như thế nào?
Liên quan đến hoạt động của khối công ty chứng khoán, tôi cho rằng, Luật Chứng khoán sửa đổi cần có một số nội dung mới sau:
Thứ nhất, phân định về giấy phép cấp cho các nghiệp vụ kinh doanh chính của công ty chứng khoán và các sản phẩm tài chính cụ thể mà công ty chứng khoán được phép cung cấp trong phạm vi giấy phép theo hướng công ty chứng khoán được chủ động cho ra sản phẩm. Để tăng cường quản lý, có thể quy định thêm cơ chế công ty chứng khoán phải báo cáo UBCK về sản phẩm trước khi đưa vào áp dụng với khách hàng.
UBCK có thể có ý kiến phản đối, yêu cầu giải trình… nếu nội dung sản phẩm trái với quy định của pháp luật hiện hành. Điều này sẽ tăng tính chủ động, sáng tạo và phát huy được thế mạnh trong từng lĩnh vực của các công ty chứng khoán.
Thứ hai, cần quản lý, giám sát công ty chứng khoán theo mức độ rủi ro. UBCK ban hành tiêu chí đánh giá rủi ro công ty chứng khoán và theo mức độ rủi ro của từng công ty, từ đó các biện pháp giám sát, yêu cầu báo cáo, các sản phẩm được phép cung cấp... sẽ khác nhau, tránh quản lý kiểu dàn hàng ngang. Quy định này sẽ khuyến khích các công ty chứng khoán cải thiện xếp hạng rủi ro của mình.
Thứ ba, cho phép các công ty chứng khoán được tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con nhằm khuyến khích tái cơ cấu doanh nghiệp, tăng quy mô hoạt động của các công ty này.
Thứ tư, bổ sung các nghiệp vụ tư vấn tài chính khác đặc thù của ngành là nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán...
Thứ năm, quy định về vai trò, trách nhiệm của công ty chứng khoán trong việc phong tỏa, cầm cố, phát mãi tài sản cầm cố là chứng khoán lưu ký trên tài khoản của khách hàng mở tại công ty chứng khoán cho bên nhận cầm cố là ngân hàng hoặc cá nhân, tổ chức bất kỳ.
Thứ sáu, quy định nghĩa vụ tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của công ty chứng khoán và người hành nghề chứng khoán.
Theo ông, để Luật Chứng khoán có tính đi trước một bước dài, việc sửa Luật này nên theo hướng nào để mở rộng dư địa phát triển cho công ty chứng khoán không chỉ ở thị trường trong nước, mà còn vươn tầm cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra nước ngoài, chí ít là trong ASEAN, khi mà sự kết nối thị trường chứng khoán trong khu vực này dần có tính hiện thực hơn?
Chắc chắn phải có sự chuẩn bị như vậy trong Luật Chứng khoán sắp tới. Hiện tại, các cam kết quốc tế của Việt Nam đã cho phép công ty chứng khoán trong nước đầu tư ra nước ngoài và công ty chứng khoán nước ngoài tham gia vào thị trường trong nước, hoặc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần không hạn chế trong các công ty chứng khoán Việt Nam.
Bản thân các công ty chứng khoán Việt Nam phải chuẩn bị để cạnh tranh với công ty chứng khoán nước ngoài tại thị trường trong nước và tiến tới cung cấp sản phẩm, dịch vụ tại nước ngoài để mở rộng phạm vi hoạt động.
Có lẽ quy định công nhận chứng chỉ hành nghề, bằng cấp lẫn nhau giữa các quốc gia là cần thiết để tạo điều kiện cho công ty chứng khoán trong nước mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Ngoài ra, những quy định về thủ tục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đơn giản, khuyến khích giao dịch điện tử cũng là yếu tố hỗ trợ cho công ty chứng khoán.
Để bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ, ý kiến từ nhà đầu tư, chuyên gia pháp lý đề xuất, trong lần sửa Luật Chứng khoán này nên mở ra quy định cho phép lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư, với sự đóng góp kinh phí của công ty chứng khoán, để bảo vệ nhà đầu tư khi công ty chứng khoán phá sản, mất khả năng thanh toán tiền, tài sản cho nhà đầu tư. Ông có ý kiến như thế nào?
Tôi ủng hộ các biện pháp, quy định để bảo vệ nhà đầu tư. Điều quan trọng là cách thức đóng góp, điều hành quỹ này như thế nào để quỹ hoạt động đúng mục đích, không gây ra thêm nhiều chi phí cho công ty chứng khoán và không có tình trạng công ty chứng khoán khỏe mạnh phải bỏ tiền ra để đền bù cho sai phạm của các công ty chứng khoán khác.