Trước sức ép về thời gian, cuối tuần qua, nhà quản lý và các CTCK thành viên đã có cuộc họp để xem xét một cách cụ thể tác động của Thông tư 36 đến TTCK.
Chia sẻ với ĐTCK, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) cho biết, nhà quản lý và các chuyên gia đã phân tích đa chiều Thông tư 36 trong cuộc họp này và VASB sẽ tổng kết lại.
“Tựu chung, ông Lê Xuân Nghĩa cũng như chuyên gia từ Ủy ban Giám sát tài chính và nhiều ý kiến cho rằng, chúng tôi nên có một bản báo cáo riêng về tác động của Thông tư 36 đến TTCK gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để cân nhắc khi triển khai”, ông Kỳ nói.
Về phía các CTCK, thời gian qua khối này thể hiện quan điểm theo nhiều cách. Đa số CTCK không muốn lộ diện, nhưng rất mong (ai đó) sẽ thúc đẩy việc kiến nghị giãn Thông tư 36, một số CTCK thẳng thắn nêu quan điểm cần giãn thực hiện Thông tư 36 và mới có 1 CTCK (SSI) nêu quan điểm không cần thiết giãn văn bản này.
Nhận định chung của các CTCK là việc ra đời Thông tư 36 thể hiện quyết tâm của NHNN tiến tới lành mạnh hóa hoạt động của các ngân hàng thương mại, giải quyết các vấn đề sở hữu chéo trong ngành ngân hàng. Đây là mục tiêu đúng đắn, nhưng trong bối cảnh tình hình thị trường hiện tại, việc áp dụng ngay văn bản này có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến TTCK, đến quá trình tái cấu trúc DNNN nói chung và khả năng hoạt động kinh doanh của các CTCK nói riêng.
Chia sẻ với ĐTCK, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt cho rằng, NHNN nên xem xét việc lùi thời hạn áp dụng Thông tư 36 để các thành viên TTCK có thêm thời gian chuẩn bị. Việc này cũng sẽ giúp giảm sốc cho thị trường, các nhà đầu tư sẽ bình tâm trở lại để giao dịch một cách sáng suốt hơn.
Ông Phạm Phú Khôi, Tổng giám đốc CTCK ACB (ACBS) nói rằng, khi Thông tư 36/TT- NHNN có hiệu lực, để tìm nguồn vốn thay thế cho nguồn vốn vay từ các ngân hàng bị siết chặt và việc phải xoay sở vốn trong thời hạn gấp gáp sẽ là bài toán nan giải cho các CTCK có sử dụng vốn ngân hàng, và nó sẽ tác động không nhỏ đến thanh khoản thị trường.
Theo ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc CTCK Maritimebank (MSBS), dòng tiền hiện chi phối nhiều bởi yếu tố tâm lý, cũng như sự hạn chế có thể thấy rõ khi Thông tư 36 của NHNN có hiệu lực.
Theo ông Huy, để thị trường tăng trưởng bền vững, cần có dòng tiền bền vững, trong khi thực tế chúng ta hiện nay chỉ nhìn vào dòng tiền nhà đầu tư nội. Nhìn rộng hơn, nếu không có những giải pháp đột phá thu hút dòng vốn ngoại cũng như giảm thiểu tác động Thông tư 36 thì TTCK khó có thể bứt phá trong năm 2015, kéo theo các mục tiêu về cổ phần hóa và thoái vốn của các DNNN cũng như sở hữu chéo ngân hàng khó có thể đạt được. “Hiện tại các nhà đầu tư trông chờ một lộ trình hợp lý đối với triển khai Thông tư 36”, ông Huy nói.
Không chỉ ảnh hưởng đến khối CTCK, Thông tư 36 có đối tượng điều chỉnh trực tiếp là các tổ chức tín dụng. Hiện TTCK Việt Nam có 9 ngân hàng niêm yết (VCB, MBB, ACB, EIB, STB, SHB…), trong đó có những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% - chạm ngưỡng bị cấm một số hoạt động nghiệp vụ có khả năng tạo ra lợi nhuân cho ngân hàng (như cho vay đầu tư cổ phiếu).
Trường hợp hiệu quả của khối ngân hàng niêm yết chịu ảnh hưởng do thực thi nghiêm những quy định tại Thông tư 36, cổ phiếu ngành ngân hàng cũng có thể bị ảnh hưởng, trong khi đây là khối có vốn hóa rất lớn, tác động không nhỏ đến chỉ số chứng khoán chung toàn thị trường.
Nỗi lo về Thông tư 36 sắp đến ngày thực thi đang bao trùm đại đa số các chủ thể trên TTCK. Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là không một tổ chức nào có thống kê chính xác về dòng tiền từ ngân hàng chảy sang TTCK cụ thể là bao nhiêu để so sánh với cái khung NHNN quy định (tối đa 5% vốn điều lệ của các ngân hàng có nợ xấu dưới 3% được cho vay đầu tư cổ phiếu).
Tại cuộc họp tuần qua, thông tin từ UBCK cho biết, tiền vay đầu tư trên TTCK vượt quá tỷ lệ 5% mà NHNN cho phép. Hiện UBCK chỉ có thẩm quyền thống kê dòng tiền chảy từ ngân hàng sang TTCK thông qua các khoản vay của CTCK, những hoạt động chuyển tiền trực tiếp từ ngân hàng đến nhà đầu tư hoặc từ ngân hàng đến tổ chức khác để cung ứng vốn vay vào TTCK thì UBCK không thống kê được.
Chính vì không rõ ràng, mà con số 17.000 tỷ đồng tiền vay margin, theo thống kê của UBCK tính đến tháng 10/2014, không thể đem so sánh với mức cho vay tối đa 22.000 tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu, theo tính toán của NHNN, khi Ngân hàng công bố Thông tư 36 vừa qua.
Công cuộc tái cấu trúc ngành ngân hàng đã đạt nhiều kết quả, nhưng sự kiên quyết của NHNN trong việc thực thi văn bản mới, nhất là Thông tư 36 cần cân nhắc trước mong mỏi của đại đa số thành viên TTCK là nên có lộ trình rõ ràng. Làm sao để các chính sách khi đi vào cuộc sống, vừa đạt mục tiêu lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, vừa giữ nhịp tăng trưởng cho TTCK để góp phần thực hiện các mục tiêu lớn khác, như tái cấu trúc DNNN và nền kinh tế nói chung.