Cần chuẩn hóa hệ số cho vay margin
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCK Tân Việt (TVSI)
Dự thảo lấy ý kiến giao dịch ký quỹ, theo tôi, đã có những cải tiến đáng kể theo hướng tính đến quyền tự quyết của các CTCK cao hơn. Đây là những quy định tích cực và hướng đến hỗ trợ thị trường. Trong đó, việc giảm thời gian xem xét với cổ phiếu mới lên sàn từ 6 xuống 3 tháng là một trong những cái tiến đáng ghi nhận, bởi sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp lên sàn có chất lượng tốt, được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Điểm mới này sẽ giúp các CTCK có điều kiện cấp hạn mức cho vay, cũng như chủ động hơn trong các quyết định cho vay ký quỹ đối với các cổ phiếu mới. Tuy nhiên, có một nội dung mà theo tôi, Quy chế mới vẫn chưa cải tiến là hệ số cho vay margin vẫn giữ như cũ, tức là gấp 2 lần vốn chủ, trong khi tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu được cho phép đến 3 lần. Về điểm này, chúng ta cần đồng nhất 2 chỉ tiêu để doanh nghiệp sử dụng hiệu quả nguồn vốn.
Một điểm mới được thị trường chờ đợi là cần có hướng mở thêm cơ chế cho phép chứng khoán premium trên sàn UPCoM được giao dịch ký quỹ, bởi khá nhiều cổ phiếu đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM có chất lượng tốt. Tôi cho rằng nhà quản lý nên quyết việc này vì cổ phiếu tốt trên UPCoM cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ nhà đầu tư và việc mở rộng margin sang sàn UPCoM sẽ tăng tính tự quyết hơn cho các CTCK.
Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách quản lý
Ông Lê Quang Huy, Phó tổng giám đốc CTCK BIDV (BSC)
Nhiều quy định mới trong dự thảo đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Đây là thời điểm để thay đổi cách quản lý, cách quy định về margin để phù hợp với điều kiện của thị trường và chúng tôi đồng tình với các điều khoản mới đó, bởi sẽ làm tăng tính tự chủ cho các CTCK. Hiện tại, hầu hết CTCK đều thực hiện quản trị margin bằng hệ thống tự động. Các quy chuẩn mới càng rõ ràng, càng giúp các CTCK quản trị rủi ro tốt hơn, cũng như có phản ứng kịp thời hơn với các diễn biến trên thị trường.
Thực tế cho thấy, những CTCK đang tồn tại trên TTCK hầu hết đều là những CTCK có tiềm lực tài chính. Riêng TOP 10 CTCK đã chiếm khoảng 80% thị phần của thị trường, vì thế, theo tôi, nên để cho các CTCK được có quyền quyết định như tự xây dựng danh mục mã chứng khoán được margin và tự quản lý rủi ro. Chúng tôi ủng hộ việc nhà quản lý đặt ra tiêu chuẩn cho cổ phiếu margin, nhưng danh mục cổ phiếu cần được cập nhật nhanh hơn nữa.
Margin trên UPCoM là cần thiết
Bà Ngô Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Phát triển sản phẩm và Quản lý bán lẻ CTCK Maritime (MSI)
Việc áp dụng giao dịch margin đối với cả cổ phiếu UPCoM là cần thiết và nên thực hiện, vì trên sàn UPCoM hiện tại có khá nhiều cổ phiếu tốt, thậm chí còn tốt hơn nhiều so với cổ phiếu niêm yết. Tuy nhiên, việc thực hiện cần có chọn lọc và có tiêu chí cụ thể, tránh đại trà, đảm bảo tập trung vào nhóm các cổ phiếu tốt nhất. Chẳng hạn, chỉ nên tập trung vào danh mục UPCoM Premium hoặc một nhóm tốt nhất trong danh mục này. Bên cạnh đó, thời hạn áp dụng cổ phiếu niêm yết mới phải đủ 3 tháng mới được xem xét áp dụng giao dịch margin, thay vì 6 tháng như trước đây là phù hợp để tăng tính hấp dẫntạo thanh khoản tốt hơn cho các cổ phiếu mới. Khoảng thời gian giao dịch 3 tháng cũng khá hợp lý để đánh giá cổ phiếu mới có phù hợp và đảm bảo điều kiện giao dịch margin hay không.
Liên quan đến quy định cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh bị lỗ căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất đã kiểm toán, hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất đã soát xét thì không được giao dịch margin, theo tôi, không nên cấm như vậy. Quy định pháp lý chỉ nên cấm giao dịch margin đối với cổ phiếu nếu như lợi nhuận sau thuế của năm tài chính gần nhất đã kiểm toán hoặc lợi nhuận sau thuế lũy kế của 4 quý gần nhất bị âm. Còn nếu quy định báo cáo tài chính bán niên đã soát xét bị âm cũng bị cấm giao dịch margin thì có vẻ quá chặt chẽ.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp do đặc thù ngành nghề sản xuất kinh doanh mang tính mùa vụ, hoặc tạm thời gặp khó khăn trong ngắn hạn, hoặc trong giai đoạn đang đầu tư lớn, chi phí cao có thể bị lỗ sau thuế 2 quý liên tiếp, nhưng chưa chắc đã lỗ cả năm và cũng không hẳn là đang có tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh yếu kém, rủi ro.