Ảnh Internet

Ảnh Internet

Công ty Chứng khoán đại chúng có được cho cổ đông nhỏ vay giao dịch ký quỹ?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán 2019, hiệu lực kể từ ngày 01-01-2021, đã có quy định về việc cấm, hạn chế công ty đại chúng cung cấp khoản vay cho cổ đông. Điều này làm phát sinh một số ý kiến băn khoăn về việc công ty chứng khoán đại chúng có được cho cổ đông vay để giao dịch ký quỹ hay không.

Công ty đại chúng không được cho cổ đông vay không phải là nội dung mới

Từ năm 2012, Thông tư số 121/2012/TT-BTC quy định về quản trị áp dụng cho các công ty đại chúng (Thông tư 121) đã quy định công ty đại chúng không được cung cấp khoản vay cho cổ đông. Sau đó, Nghị định số 71/2017/NĐ-CP (Nghị định 71) thay thế cho Thông tư 121 cũng có quy định tương tự. Bên cạnh việc quy định công ty đại chúng không được cho cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó vay thì Nghị định 71 còn bổ sung thêm một số trường hợp được loại trừ của quy định này, như tổ chức tín dụng.

Như vậy, tổ chức tín dụng là công ty đại chúng sẽ không bị cấm cho cổ đông vay theo Nghị định 71 mà áp dụng các quy định của Luật các Tổ chức tín dụng cùng văn bản hướng dẫn thi hành. Tại cả Thông tư 121, Nghị định 71 đều không đề cập đến việc công ty chứng khoán là một trường hợp ngoại lệ của các quy định cấm nêu trên, như trường hợp của tổ chức tín dụng.

Từ đó cho thấy, nếu chỉ căn cứ vào Thông tư 121, Nghị định 71 thì công ty chứng khoán đại chúng sẽ không được cho cổ đông của mình vay để giao dịch ký quỹ. Tuy nhiên, trong thực tế, từ trước đến nay, việc các công ty chứng khoán đại chúng cổ đông nhỏ của mình vay giao dịch ký quỹ là việc rất phổ biến. Vậy căn cứ nào để công ty chứng khoán đại chúng xếp mình vào nhóm không thực hiện theo Thông tư 121, Nghị định 71?

Công ty chứng khoán đại chúng là ngoại lệ

Điều 73, Luật Chứng khoán năm 2006, sửa đổi năm 2010 quy định công ty chứng khoán không được cho khách hàng vay tiền để mua chứng khoán, trừ trường hợp Bộ Tài chính có quy định khác. Theo quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tài Chính sẽ có thẩm quyền ban hành Thông tư.

Như vậy, liên quan đến vấn đề cho khách hàng vay, kể cả trường hợp khách hàng là cổ đông của công ty chứng khoán thì, Luật Chứng khoán năm 2006 đã “chỉ đường” cho công ty đi thẳng đến Thông tư do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

Trên cơ sở đó, Thông tư số 210/2012/TT-BTC (Thông tư 210) hướng dẫn về hoạt động của công ty chứng khoán quy định, công ty chứng khoán không được cho vay tiền và chứng khoán dưới mọi hình thức, trừ trường hợp cho khách hàng vay tiền để mua chứng khoán theo quy định về giao dịch ký quỹ. Tuy nhiên, trong trường hợp giao dịch ký quỹ, thì công ty chứng khoán không được cho cổ đông lớn của công ty vay.

Như vậy, các thông tư, nghị định quy định về công ty đại chúng thì cấm công ty đại chúng cho cổ đông vay, bất kể là cổ đông nhỏ hay cổ đông lớn. Trong khi đó, các thông tư hướng dẫn cho công ty chứng khoán chỉ giới hạn đối tượng bị cấm cho vay là cổ đông lớn. Thông tư không hề phân biệt công ty chứng khoán đại chúng hay không đại chúng. Vì vậy, các công ty chứng khoán đại chúng đã căn cứ vào Thông tư 210 để thực hiện việc cho cổ đông nhỏ vay giao dịch ký quỹ.

Về nguyên tắc, khi quy định về cùng một vấn đề, thông tư không được trái nghị định và nếu trái thì phải ưu tiên áp dụng nghị định. Tuy nhiên, thông tư nêu trên của Bộ trưởng Bộ Tài Chính có thể xem là không trái nghị định vì đã có sự cho phép được “mở lối đi riêng” cho công ty chứng khoán của LCK 2006. Do đó, suốt thời gian qua, các công ty chứng khoán đại chúng rất yên tâm cho các cổ đông nhỏ vay giao dịch ký quỹ.

Vì đâu bỗng nhiên lo ngại

Hiện nay, Nghị định số 155/2021/NĐ-CP (Nghị định 155) cũng quy định tương tự như Nghị định 71 về việc công ty đại chúng không được cung cấp khoản vay cho cổ đông và những người có liên quan. Ngày 15-02-2021, Thông tư số 121/2020/TT-BTC (Thông tư 121) có hiệu lực, thay thế cho Thông tư số 210 cũng tiếp tục ghi nhận công ty chứng khoán không được cho vay dưới bất kỳ hình thức nào đối với cổ đông lớn, kể cả trường hợp cho vay giao dịch ký quỹ. Như vậy, Nghị định 155, Thông tư 121 cũng quy định tương tự như Nghị định 71, Thông tư 210 về vấn đề này.

Tuy nhiên, Luật Chứng khoán năm 2019 đã không còn dấu “chỉ đường” dẫn thẳng đến quy định của Bộ Tài chính liên quan đến việc công ty chứng khoán cho vay. Trong khi đó, nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

Vì những điều trên, gần đây đã có quan điểm lo lắng rằng liệu công ty chứng khoán đại chúng có được cho cổ đông nhỏ vay giao dịch ký quỹ theo Thông tư 121 không, hay không được cho cổ đông, dù lớn hay nhỏ, vay theo đúng quy định tại Nghị định 155.

Không thể cấm công ty chứng khoán đại chúng cho cổ đông nhỏ vay để giao dịch ký quỹ

Giao dịch ký quỹ là dịch vụ cực kỳ quan trọng của các công ty chứng khoán. Đối với các công ty chứng khoán đại chúng, cổ phần của chính các công ty này là những mã cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Điều này dẫn đến một thực tế là hàng loạt khách hàng vay giao dịch ký quỹ của công ty chứng khoán đại chúng cũng chính là cổ đông của công ty này.

Xuất phát từ yếu tố lịch sử pháp lý và cả nhu cầu kinh doanh, thực tế hiện nay trên thị trường dường như không có công ty chứng khoán đại chúng nào áp dụng quy định về cấm cho cổ đông và người có liên quan vay theo Nghị định 155. Bởi, điều này dẫn đến hệ lụy cực kỳ lớn cho các công ty chứng khoán đại chúng khi mất đi một lượng lớn khách hàng là cổ đông của mình. Bên cạnh đó, vì tính chất giao dịch liên tục của thị trường chứng khoán nên việc công ty chứng khoán đại chúng mỗi lần cấp khoản vay phải kiểm tra xem khách hàng này có phải cổ đông của mình hay không là chuyện hết sức rườm rà, khó khăn.

Do vậy, dù Luật Chứng khoán năm 2019 không còn quy định chỉ dẫn các công ty chứng khoán đi thẳng tới Thông tư của Bộ Tài chính thì các công ty chứng khoán đại chúng vẫn phải căn cứ vào Thông tư 121 để cho khách hàng là cổ đông nhỏ vay giao dịch ký quỹ.

Tuy nhiên, để đảm bảo sự thống nhất của pháp luật, Nghị định 155 cần ghi nhận các công ty chứng khoán với nghiệp vụ giao dịch ký quỹ chứng khoán là một trường hợp loại trừ của quy định cấm cho cổ đông và người có liên quan vay, tương tự như đối với tổ chức tín dụng.

Tin bài liên quan