Theo một số thành viên thị trường, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cần đề xuất các giải pháp để hỗ trợ các CTCK tự nguyện giải thể, hoặc bị buộc phải rút giấy phép hoạt động, nhằm thúc đẩy quá trình xóa sổ CTCK nhanh hơn. Ông có ủng hộ quan điểm này?
Thực ra, trong số hơn 100 CTCK được cấp giấy phép hoạt động, thì hiện rất nhiều CTCK gần như không triển khai các hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư. Không ít công ty chỉ còn duy trì một nghiệp vụ kinh doanh, để tồn tại cái tên trên giấy phép.
Hơn nữa, UBCK cũng đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát các CTCK này, nên nguy cơ các đơn vị đó thực hiện các hình thức cạnh tranh không lành mạnh là khó phát sinh. Tuy nhiên, việc duy trì quá lâu nhiều CTCK gần như không hoạt động, ở một khía cạnh nào đó làm phân tán nguồn lực phát triển thị trường, tác động không tích cực đến nỗ lực phát triển dịch vụ kinh doanh chứng khoán ngày càng chuyên nghiệp, lành mạnh hơn.
Thực tế trên đòi hòi cơ quan quản lý cần nỗ lực hơn trong nghiên cứu, đề xuất thêm các giải pháp để tạo thuận lợi tối đa cho các CTCK không muốn tồn tại được rút lui khỏi thị trường dễ dàng, nhanh chóng hơn. Đi liền với đó, Bộ Tài chính, UBCK cũng cần quan tâm triển khai hoặc đề xuất thực hiện thêm các giải pháp mới, để hỗ trợ các CTCK vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.
Nhưng có ý kiến cho rằng, bối cảnh TTCK khó khăn kéo dài như hiện tại là cơ hội tốt để đào thải bớt số lượng CTCK đang “chết lâm sàng”, nên việc triển khai các giải pháp tiếp sức cho CTCK là không cần thiết, ông nghĩ sao?
Ở đây cần nhìn nhận trên hai khía cạnh. Đầu tiên, đúng là sự khó khăn của TTCK là cơ hội thuận lợi, để thanh lọc bớt số lượng các CTCK hoạt động không hiệu quả, không lành mạnh…
Đây là cách vừa tiết kiệm nguồn lực của xã hội, vừa giúp sự cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ chứng khoán trở nên lành mạnh, chuyên nghiệp hơn theo thông lệ quốc tế.
Ở khía cạnh thứ hai, TTCK khó khăn kéo dài, cũng khiến cho các CTCK kinh doanh hiệu quả, làm ăn bài bản… đối mặt với không ít khó khăn. Do đó, họ cần tiếp sức để phát triển lành mạnh hơn, để góp sức phát triển TTCK sớm trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế như định hướng của Chính phủ.
Nói như vậy để thấy, sự hỗ trợ của Nhà nước không phải là để cứu các CTCK “ốm yếu”, hoạt động không lành mạnh, làm chậm quá trình tái cấu trúc khối CTCK, mà là để tiếp sức cho các đơn vị làm ăn hiệu quả, có mục tiêu gắn kết lâu dài với thị trường. Qua đó giúp họ vượt qua khó khăn, dần tạo ra những thay đổi về chất trong quá trình phát triển thời gian tới.
Qua tiếp xúc, trực tiếp lắng nghe ý kiến của các thành viên, VASB nhận thấy đâu là các giải pháp được chờ đợi nhất để tiếp sức các CTCK, thưa ông?
Quan trọng và khả thi nhất lúc này là giảm hoặc miễn nghĩa vụ đóng các loại phí và thuế, để giúp các CTCK giảm thiểu chi phí hoạt động, cải thiện hiệu quả kinh doanh. Lý tưởng nhất, theo VASB là Bộ Tài chính, UBCK triển khai thêm các giải pháp hoặc đề xuất Quốc hội, Chính phủ miễn toàn bộ các loại thuế, phí giao dịch trên TTCK cho đến khi thị trường phục hồi rõ nét trở lại.
Điều này không chỉ giảm bớt gánh nặng cho CTCK, mà còn góp phần kích thích nhà đầu tư tham gia thị trường nhiều hơn, qua đó thiết thực hỗ trợ CTCK vượt qua tình cảnh khó khăn hiện tại.
Ngoài hỗ trợ về thuế và phí, theo ông, các CTCK đang cần thêm sự hỗ trợ gì?
Có một thực tế là không ít CTCK đang có nhu cầu sáp nhập, hoặc rao bán, để tự thoái lui khỏi thị trường trong thời gian nhanh nhất. Tuy nhiên, họ đang gặp khó khăn, do quy định pháp lý hiện hành đang bộc lộ không ít vướng mắc.
Trong đó, đáng nói hơn cả là quy định nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu 49% hoặc 100% CTCK hoạt động tại Việt Nam, chứ không phải là các tỷ lệ khác.
Quy định cứng không phù hợp với thực tế thị trường này đang cản trở nhà đầu tư nước ngoài muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu tại các CTCK Việt Nam. Sớm khắc phục bất cập này, không chỉ giúp quá trình tái cơ cấu CTCK diễn ra nhanh hơn, mà còn hỗ trợ TTCK thu hút dòng vốn ngoại hiệu quả hơn.
>>VASB kiến nghị giảm 50% phí cho CTCK