Công ty Chứng khoán BSC: Cần áp dụng T+0 để tăng sức cầu

Công ty Chứng khoán BSC: Cần áp dụng T+0 để tăng sức cầu

(ĐTCK) Báo cáo thị trường vĩ mô của Công ty Chứng khoán BSC mới đây dự báo, quy mô TTCK năm 2017 có thể đạt 90 tỷ USD và vì thế, nhà quản lý cần sớm áp dụng thời gian giao dịch T+0 để hỗ trợ sức cầu trên thị trường.

Theo BSC, thị trường vốn được chú trọng tạo ra những chuyển biến mạnh về lượng, ở các mặt quy mô thị trường, số lượng cổ phiếu niêm yết, số lượng tài khoản nhà đầu tư. Do vậy, chất lượng thị trường chưa cải thiện, thậm chí có nhiều mặt thụt lùi như: thanh khoản (vòng quay thị trường, số lượng cổ phiếu có giao dịch trên 1 triệu USD đều giảm).

Khối ngoại rút vốn trên thị trường niêm yết, kéo theo dòng vốn đầu tư phụ thuộc nhiều vào dòng tiền vay, làm tăng rủi ro. Tính minh bạch có chiều hướng đi xuống (nhiều cổ phiếu lớn niêm yết mới tăng giảm giá thất thường, các cổ phiếu lớn tăng mạnh nhưng thanh khoản thấp, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến chỉ số, vừa không phản ánh đúng giá trị thực của cổ phiếu và gây mất niềm tin của nhà đầu tư.

Hoạt động doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM, một mặt mang lại nhiều cơ hội lựa chọn cho nhà đầu tư, mặt khác đang tạo hiệu ứng pha loãng cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu mới đang được đẩy giá mạnh trên sàn UPCoM do thanh khoản thấp.

Triển vọng thị trường không được đánh giá cao trong năm 2017 như các năm trước, do các rủi ro đến từ bên ngoài đang lớn hơn, cộng với dư địa hẹp trong điều hành chính sách tài khóa, lãi suất và tỷ giá cũng như đồng vốn ngoại trên thị trường niêm yết suy giảm và cung cổ phiếu tăng vọt. Trong khi các giải pháp đồng bộ hỗ trợ thị trường chưa sớm có tác động thì giải pháp ngắn hạn như điều chỉnh thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2, T+1 và T+0 là rất cần thiết để hỗ trợ sức cầu. Dự báo của BSC như sau:

Quy mô TTCK niêm yết sẽ tăng vọt lên mức 90 tỷ USD, trong đó 25 doanh nghiệp lớn đã và dự kiến niêm yết như Sabeco, Vinatex, Novaland, Thacco... ước tính tương đương có quy mô vốn hóa 30 tỷ USD, tức khoảng 40% tổng vốn hóa TTCK Việt Nam.

Dòng tiền phân hóa: dù quy mô thị trường tăng mạnh mẽ, nhưng thanh khoản có thể không tăng tương ứng. Dòng tiền hạn chế từ nhà đầu tư trong nước cộng với áp lực margin khiến hoạt động đầu tư sẽ tiếp tục định hướng vào các doanh nghiệp có cơ bản tốt, quản trị minh bạch và có triển vọng nổi bật. Các cổ phiếu mang tính thị trường sẽ tiếp tục suy yếu.

Dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp trên sàn niêm yết có thể tiếp tục xu hướng rút ròng trong giai đoạn đầu năm 2017 do ảnh hưởng của Fed và các yếu tố vĩ mô.

Giao dịch M&A, OTC và mua đấu giá IPO sẽ sôi động, thu hút dòng tiền của thị trường niêm yết. Các nhóm cổ phiếu cũ về mặt bằng giá hấp dẫn, do thị trường thiếu quan tâm, sẽ là cơ hội tốt cho nhà đầu tư vào cuối năm.

Về VN-Index, BSC cho rằng, kịch bản tiêu cực là 590 điểm và tích cực là 758 điểm trong năm 2017.

Tin bài liên quan