C.P Việt Nam đang chiếm phần lớn thị phần gà công nghiệp trong nước. Ảnh: CTV

C.P Việt Nam đang chiếm phần lớn thị phần gà công nghiệp trong nước. Ảnh: CTV

Công ty C.P Việt Nam cam kết không chuyển nguyên liệu qua Trung Quốc

Hàng hóa của C.P sản xuất ra trước tiên là ưu tiên phục vụ tiêu dùng của Việt Nam.

>> CPP mua lại CP Việt Nam: Doanh nghiệp nội hoang mang

“Ban đầu công ty cứ nghĩ đơn giản việc mua bán hay thay đổi chủ sở hữu của C.P Việt Nam là chuyện bình thường. Tuy nhiên, sau này mới biết việc thay đổi chủ sở hữu này khiến dư luận quan tâm và có ý kiến rất nhiều. Tuy nhiên, dù thương vụ đã thành công nhưng chủ sở hữu C.P Việt Nam vẫn là Tập đoàn C.P (Thái Lan)” - ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, Tổng Giám đốc C.P Việt Nam , cho biết. Ngày 15-8, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (gọi tắt là C.P Việt Nam) đã họp báo thông tin chính thức về việc C.P Việt Nam được một công ty có trụ sở tại Trung Quốc có tên C.P Pokphand (CPP) mua lại. Trước đó, báo Pháp Luật TP.HCM đã có loạt bài phản ánh về vụ mua bán này.

 

Thu phí là chuyện bình thường

 

. Được biết, sau khi bị mua lại, mỗi năm C.P phải nộp 3% tổng số doanh thu (gọi là phí chuyển giao công nghệ, tư vấn tài chính, kiểm toán, nhân sự…) cho tổ chức Modern State (thuộc CPP) và Tập đoàn C.P. Trước khi bị mua lại C.P có phải nộp những khoản tiền này không?

 

+C.P Việt Nam : 3% gọi là phí chuyển giao công nghệ. Tập đoàn có một bộ phận cung cấp giống, chuyển giao công nghệ chăn nuôi… cho các công ty con. Vì vậy tại những nước mà Tập đoàn C.P đến đầu tư thì sẽ tiến hành thu phí này để mở rộng sản xuất, nghiên cứu về sau. Trước đây Tập đoàn C.P thu phí này. Giờ đây để công việc cụ thể hơn, chúng tôi tách việc thu phí làm hai phần: một phần tập đoàn sẽ thu và một phần do CPP thu. Việc thu phí này là chuyện bình thường của các tập đoàn đầu tư tại các nước.

   

Chi phối thị phần trứng, gà công nghiệp

 

. CPP nhận định việc mua lại C.P Việt Nam nhằm hỗ trợ vấn đề nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tại Trung Quốc. Đặc biệt, nhằm hợp thức hóa việc thu mua nguyên liệu của Trung Quốc diễn ra rầm rộ trong thời gian qua. Điều này có đúng không?

 

+ Việc mua bán này sẽ không hỗ trợ nguyên liệu cho các nhà máy của CPP tại Trung Quốc hay hợp thức hóa việc vận chuyển nguyên liệu sang Trung Quốc. Đây chỉ là thay đổi cơ cấu để thuận lợi cho đầu tư. Việc thu gom nguyên liệu chuyển sang Trung Quốc e khó vì hiện nay nguyên liệu tại Việt Nam còn đang rất thiếu. Chúng tôi khẳng định hàng hóa của C.P sản xuất ra trước tiên là ưu tiên phục vụ tiêu dùng của Việt Nam .

 

Ông chủ tịch của Tập đoàn C.P luôn tâm niệm ba điều khi đầu tư tại một nước nào đó. Thứ nhất là đến đầu tư nước nào thì nước đó được hưởng quyền lợi cao nhất. Thứ hai, người dân nước sở tại được hưởng quyền lợi cao nhất. Thứ ba là tạo điều kiện cho công nhân viên làm việc trong công ty.

 

. Việc CPP mua lại C.P Việt Nam ngoài mục đích giúp tối ưu hóa lợi nhuận thì còn giúp giảm thuế cho Tập đoàn C.P?

 

+ Bất kỳ công ty lớn hay nhỏ trên thế giới thì nghĩa vụ đóng thuế là điều phải suy nghĩ. Có điều chắc chắn là chúng tôi đã thực hiện nghĩa vụ đóng thuế theo pháp luật Việt Nam . Hằng năm chúng tôi đã đóng một số thuế cho Nhà nước Việt Nam .

 

. Thị phần chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi của C.P Việt Nam hiện nay chiếm bao nhiêu ở Việt Nam ?

 

+ C.P Việt Nam hiện chiếm 5% thị phần chăn nuôi heo; 40% gà công nghiệp; 50% trứng công nghiệp; hơn 18% thị phần thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Còn về chế biến thực phẩm do C.P Việt Nam mới tham gia thị trường nên chỉ chiếm 1%.

 

Về việc C.P Việt Nam có bao nhiêu heo, gà nuôi gia công, chúng tôi khó trả lời vì đây là bí mật kinh doanh, xin được giữ kín. Chúng tôi chỉ trả lời hiện có khoảng 20.000 hộ chăn nuôi gia công heo, gà cho C.P Việt Nam .

 

Công ty C.P Việt Nam cam kết không chuyển nguyên liệu qua Trung Quốc ảnh 1 

 

Giá lên xuống, tai tiếng đều thuộc về C.P

 

Theo đại diện của C.P, giá heo biến động vừa qua là do bệnh dịch khiến thị trường khan hiếm, giá bị đẩy lên cao. Không chỉ ở VN mà ngay cả ở Thái Lan, Lào, Campuchia cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Là nhà đầu tư về ngành thực phẩm, nếu xảy ra biến động về giá cả, thế nào người dân cũng nhìn C.P. Và tai tiếng lại thuộc về C.P Việt Nam vì đây là công ty quá lớn về ngành này. Tuy nhiên, hiện C.P Việt Nam chỉ chiếm 5% thị phần thịt heo nên không có khả năng chỉ đạo giá cả.