Ông Đinh Tuấn Hồng,Giám đốc Ban Quản lý rủi ro thị trường và tác nghiệp BIDV

Ông Đinh Tuấn Hồng,Giám đốc Ban Quản lý rủi ro thị trường và tác nghiệp BIDV

Công tác nhân lực cho Basel II: Không thể chậm trễ hơn

(ĐTCK) Nói đến Ủy ban Basel, nhiều người trong giới ngân hàng sẽ nghĩ ngay đến quản lý rủi ro. 

Nói đến quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế tốt nhất chính là thực hiện các khuyến nghị của Ủy Ban Basel. Tên thực của Ủy ban Basel là Ủy ban Giám sát ngân hàng, thuộc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế - BIS, được thành lập năm 1930.

Đã gọi là thông lệ tốt nhất thì đó chính là mục tiêu phấn đấu của mọi ngân hàng trên thế giới, kể cả các ngân hàng ở Việt Nam. Cho đến nay, Ủy ban Basel đã ban hành 3 Hiệp ước an toàn vốn, trong đó, Hiệp ước Basel II ban hành vào tháng 6/2004 được coi là toàn diện hơn cả và hiện nay nó là hiệp ước mà các ngân hàng trên thế giới đều đặt mục tiêu áp dụng. Ở Việt Nam, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang thúc đẩy thực hiện Basel II.

Để thực hiện Basel II, ngân hàng thương mại (NHTM) phải đối mặt với rất nhiều thách thức to lớn trong một thời gian dài. Trong đó phải kể đến trước hết là vấn đề nhân lực.

Nhân lực ở đây không chỉ nói đến những người trực tiếp thực hiện Basel II, mà quan trọng hơn là đối với công tác nhân lực trong mỗi NHTM. Công tác nhân lực phải thấu hiểu được mục đích ý nghĩa của việc triển khai Basel II, thấu hiểu được những khó khăn khách quan, chủ quan của những người thực hiện Basel II thì sẽ góp phần to lớn thúc đẩy việc thực hiện Basel II một cách thuận lợi, nhanh chóng. Muốn vậy, những người làm công tác nhân lực phải tham gia trực tiếp vào những cuộc giới thiệu, hội họp về thực hiện Basel II một cách thực thụ.

Nhu cầu nhân lực cho một kế hoạch 5-10 năm là không dễ. Ngân hàng phải trả lời các câu hỏi như: tuyển dụng những đối tượng nào, ở đâu,  khi nào thì tuyển dụng, tuyển dụng bao nhiêu là phù hợp với từng giai đoạn, tuyển dụng rồi đào tạo ở đâu, đào tạo song song với thực hiện Basel II là như thế nào…?

Có thể nói, hiện nay, nguồn nhân lực để thực hiện Basel II trong mỗi ngân hàng là rất hạn chế, họ chỉ là số rất ít ỏi trong số hàng ngàn đến hàng chục chục ngàn cán bộ, nhân viên của một ngân hàng. Thực hiện Basel II, họ phải dành nhiều thời gian để nghĩ về Basel II, mời gọi sự hợp tác của những đối tác nước ngoài, chịu khó học hỏi và trên hết phải nắm vững chuyên môn, thông thạo tiếng Anh và kiên trì trong nhiều năm.

Họ là những người tiên phong đi tìm cái mới, họ không chỉ phải đối mặt với guồng quay của những mảng hoạt động kinh doanh sôi động diễn ra hàng ngày mà còn phải đối mặt với chính bản thân vì sự khó khăn, đôi lúc là sự đơn côi, tự đối mặt và tự tìm cách giải quyết. Những khó khăn đó không chỉ là trong ngày một ngày hai mà diễn ra trong nhiều năm.

Công tác nhân lực cho Basel II: Không thể chậm trễ hơn ảnh 1

Nhân lực là yếu tố then chốt trong triển khai Basel II  

Kinh nghiệm thực hiện Basel II của các NHTM Việt Nam là con số không tròn trĩnh, do vậy, những tình huống hài hước cũng thường xuất hiện ở một nơi, một lúc nào đó. Do đó, việc dựa vào các chuyên gia tư vấn, chuyên gia triển khai nước ngoài là điều tất yếu, nhưng NHTM không thể chỉ dựa hoàn toàn vào các chuyên gia nước ngoài mà phải tự xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn giỏi để tiếp thu, phát triển, kế tục những kết quả đạt được từ các dự án do chuyên gia nước ngoài hỗ trợ thực hiện.

Một thách thức khác cũng không kém phần quan trọng, đó là cơ sở dữ liệu. Biết vậy, nhưng bắt đầu từ đâu thì lại chưa thấy hội thảo nào nói đến cách để bù lấp khoảng trống đó, đi đến tận cùng, thì đó lại chính là vấn đề chất lượng nguồn nhân lực. Cũng không ít dự án đã và đang thực hiện để hướng tới Basel II, nhưng tiến độ, chất lượng và tính thực tiễn của dự án đó sẽ như thế nào thì lại phụ thuộc chính vào chất lượng nguồn nhân lực.

Như vậy, nguồn nhân lực bao gồm cả nhân lực cấp cao, cấp thấp, với chất lượng yêu cầu không chỉ là năng lực trình độ mà còn bao hàm cả bản lĩnh, chấp nhận sự thiểu số, đôi khi là lạc lõng.

Có thể nói, việc xây dựng, duy trì, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng về số lượng và chất lượng trong từng giai đoạn, giải quyết tốt vấn đề chế độ chính sách, cơ hội nghề nghiệp cho các thành viên thực hiện Basel II có ý nghĩa quyết định đến thành công và được NHNN xác nhận hoàn thành thực hiện Basel II của mỗi ngân hàng. Nếu công tác nguồn nhân lực sớm nhận thức được yêu cầu cấp bách hiện nay về vấn đề này thì ngân hàng sẽ rất thuận lợi trong việc chủ động đáp ứng thực hiện Basel II.

Thiếu hụt nguồn nhân lực trong đó bao gồm cả thiếu hụt về chất lượng nguồn nhân lực sẽ là trở ngại lớn nhất trong việc thực hiện Basel II trong mỗi NHTM, không chỉ trong giai đoạn bắt đầu hiện nay, mà sẽ ảnh hưởng trong nhiều năm tới.

Tin bài liên quan