Công nhân lọc dầu của Mỹ bãi công, giá dầu lại chao đảo

Công nhân lọc dầu của Mỹ bãi công, giá dầu lại chao đảo

(ĐTCK) Ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ tiếp tục chịu tổn thất sau khi Nghiệp đoàn công nhân kêu gọi bãi công trên toàn quốc. Cuộc đình công diễn ra tại 9 nhà máy lọc dầu trên khắp đất nước, trở thành cuộc bãi công lớn nhất trong lịch sử kể từ năm 1980.

Nghiệp đoàn công nhân ngành thép Mỹ (USW), tổ chức công đoàn đại diện cho công nhân của các ngành công nghiệp như kim loại, cao su, hóa chất, giấy, công cộng ở Bắc Mỹ, cùng với sự tham gia của hơn 200 nhà máy lọc dầu, các trạm khai thác, đường ống và phân xưởng hóa chất tại Mỹ đã bắt đầu một cuộc bãi công lớn Chủ nhật (1/2) vừa qua. Cuộc đình công diễn ra tại 9 nhà máy lọc dầu trên khắp đất nước, trở thành cuộc bãi công lớn nhất trong lịch sử kể từ năm 1980.

USW tiến hành bãi công sau khi không thể đạt được sự nhất trí với các công ty dầu mỏ tại Mỹ về các vấn đề trong hợp đồng lao động mới, thay thế cho hợp đồng cũ đã hết hạn vào hôm Chủ nhật.

Nghiệp đoàn này cho rằng, họ “không có lựa chọn” nào khác. USW đã tiến hành thảo luận với Tập đoàn Royal Dutch Shell Plc (công ty này thay mặt cho cả Exxon Mobil Corp. và Chevron Corp.) về 5 điểm mới họ muốn đưa vào hợp đồng.

Các điểm chính gây bất đồng giữa USW và các công ty dầu mỏ là về tiền lương và vấn đề phúc lợi. Nghiệp đoàn yêu cầu công nhân phải được trả mức cao hơn, phù hợp với thực tế (cho phép tăng mức lương lên 2,5% trong năm thứ nhất, 3% trong năm thứ hai và thứ ba của hợp đồng), có một quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn việc bóc lột nặng nề và chỉ mình hợp đồng lao động thôi là chưa đủ để đảm bảo cho các quyền lợi của công nhân, vì vậy, cần có các điều lệ bổ sung khác chuẩn xác hơn.

Ông Tom Conway, Phó chủ tịch Nghiệp đoàn thép quốc tế phát biểu hôm Chủ nhật: “Vấn đề là các công ty dầu quá tham lam để có thể tạo nên những thay đổi tích cực tại nơi làm việc. Họ tiếp tục đặt giá trị của sản phẩm, cũng như lợi nhuận lên trên sức khỏe và sự an toàn của công nhân và cộng đồng".

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1980, USW kêu gọi đình công trên toàn quốc. Cuộc bãi công bắt đầu từ ngày 1/2 với quy mô toàn quốc này sẽ đe dọa tổn hại tới 64% sản lượng dầu trên toàn nước Mỹ.

Theo số liệu từ Bloomberg, các nhà máy lọc dầu có công nhân tham gia bãi công có thể sản xuất 1,82 triệu thùng mỗi ngày, chiếm 10% tổng lượng dầu tại Mỹ. Các nhà máy này trải dài khắp nước Mỹ, từ Tập đoàn Tesoro Corp. có trụ sở tại California, Anacortes, Washington, tới Marathon Petroleum Corp, với các khu phức hợp liwns ở Kentucky và 3 nhà máy tại Texas.

Việc các nhà máy lọc dầu này ngừng hoạt động sẽ khiến nguồn cầu dầu mỏ bị giảm đáng kể.Đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ nói riêng và giá dầu thế giới nói chung, vốn đang phải chịu khủng hoảng giá dầu giảm lớn nhất kể từ 2008.

Do vậy, ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới, giá dầu thô đã đồng loạt giảm mạnh trở lại sau khi bất ngờ tăng vọt 8% trong phiên cuối tuần trước.

Cụ thể, giá dầu thô Mỹ  giảm 1,49 USD/thùng, tương đương 3,1%, xuống còn 46,75 USD. Giá khí đốt giao tháng 3 cũng giảm 1,9% , còn 1,4505 USD và các hợp đồng dầu diesel giao tháng ba cũng giảm xuống còn 1,6745 USD.

Chuyên gia năng lượng tại Fat Prophets ở Sydney, ông David Lennox cho biết: “Nếu cuộc bãi công này tiếp tục leo thang, giá dầu mỏ sẽ tiếp tục chịu tổn thất lớn. Các nhà máy lọc dầu đó đưa một lượng lớn sản phẩm vào thị trường Mỹ và giờ thì mọi thứ chẳng thế đi đâu cả”.

Tin bài liên quan