“Chúng tôi đang cố gắng động viên ông chủ người Hàn Quốc giải quyết món nợ này. Ông ấy phải chịu trách nhiệm. Bộ Luật hình sự cũng có quy định liên quan, nếu nợ bảo hiểm xã hội thì chuyển qua khởi tố hình sự”, ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Bình Dương cho biết phương án giải quyết vụ đình công vừa xảy ra tại Công ty Mỹ Tú trên địa bàn tỉnh vào tối 15/12.
Theo đó, Công ty Mỹ Tú tại phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên nợ đóng bảo hiểm xã hội cho hơn 500 công nhân từ tháng 5/2020 đến nay.
Doanh nghiệp này đang trong quá trình đổi chủ nhưng cả chủ mới lẫn chủ cũ chưa thống nhất được việc đóng bảo hiểm xã hội, chi trả lương tháng 12 và tháng 13 cho người lao động.
Mỹ Tú đi vào hoạt động từ tháng 03/2007 trong lĩnh vực may mặc, do ông Guk Seong Ok làm Tổng giám đốc. Vị này đã khẳng định với cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương về việc thoả thuận với chủ mới của Mỹ Tú để giải quyết vấn đề.
Trả lời báo chí tại Hội nghị giao ban báo chí quý IV và thông tin tình hình kinh tế- xã hội năm 2020 được tổ chức chiều nay tại Bình Dương, ông Phạm Văn Tuyên cho biết, Mỹ Tú nợ bảo hiểm xã hội khoảng 10 tỷ đồng. Và quá trình chuyển nhượng doanh nghiệp này sang chủ mới “còn lằng nhằng, chưa thành công”.
“Ông chủ người Hàn Quốc vẫn là chủ doanh nghiệp này và phải chịu trách nhiệm về món nợ bảo hiểm xã hội nói trên”, ông Tuyên khẳng định và đánh giá, vấn đề tranh chấp lợi ích lao động và nợ bảo hiểm xã hội trong thời điểm cuối năm có thể tăng cao.
Ảnh hưởng tiêu cực từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra khiến hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng bị ảnh hưởng khi phải giảm, giãn giờ làm.
Một số tín hiệu tích cực đã xuất hiện từ tháng 06/2020 khi thị trường nhập khẩu tăng trở lại với các ngành gỗ, gốm sứ,…đã góp phần đưa nhiều doanh nghiệp quay trở lại sản xuất kinh doanh, thậm chí còn “tăng trưởng thần kỳ và thiếu lao động sản xuất”.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Bình Dương trả lời câu hỏi báo chí chiều 18/12 (Ảnh: Hồng Phúc). |
“Vấn đề tranh chấp, đình công sẽ cao vào dịp gần Tết, khi người lao động cần thưởng cũng như các phúc lợi khác. Có thể có một số doanh nghiệp làm ăn tốt nhưng tát nước theo mưa, nói là làm ăn khó khăn để cắt giảm lợi ích của người lao động”, ông Phạm Văn Tuyên đánh giá và khẳng định sẽ phối chặt chẽ với các cơ quan liên quan ở tỉnh đặc biệt là chính quyền địa phương để rà soát các doanh nghiệp có dấu hiệu về khả năng đình công xảy ra để đến hỗ trợ, ngăn ngừa tình trạng này, tránh trường hợp tương tự như vụ hơn 8.000 công nhân công ty Chí Hùng đình công vào giữa năm nay.
Ngoài vấn đề mâu thuẫn quyền lợi, nợ lương, bảo hiểm xã hội, một vấn đề bức xúc khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương là tai nạn lao động.
Phó giám đốc Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Bình Dương cho rằng, tỷ lệ tai nạn lao động xảy ra tại tỉnh dù cao so với mặt bằng chung trên cả nước “nhưng nếu so với tần suất người lao động thì không cao”.
Toàn tỉnh Bình Dương hiện có gần 48.500 doanh nghiệp. Tính từ đầu năm đến nay, 413 doanh nghiệp giải thể, tăng 21,5% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp giải thể chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn đầu tư trong nước.
Tính trung bình, cứ 4 doanh nghiệp thành lập mới thì có 1 doanh nghiệp gặp khó khăn, bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm ngừng hoặc giải thể.